Lo ngại của nhà đầu tư
Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển các dịch vụ trung tâm dữ liệu (DC) và điện toán đám mây (Cloud) do nhu cầu ngày càng tăng của doanh nghiệp, cùng với sự phát triển của nền kinh tế số. Năm 2020 - 2021, thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam mới đạt khoảng 4.500 tỷ đồng, nhưng các tổ chức nghiên cứu chuyên sâu nước ngoài dự báo vào năm 2025, quy mô thị trường sẽ đạt mức 400 - 700 triệu USD.
Tuy nhiên, để phát triển kinh tế số và tăng tính cạnh tranh của thị trường, Việt Nam cần có những chính sách phù hợp và quy định rõ ràng để huy động và khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển các dịch vụ thiết yếu này.

Tại dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 5, phạm vi điều chỉnh được mở rộng đối với 3 dịch vụ mới là trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông). Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh.
Trong khi đó, các doanh nghiệp và nhà đầu tư vào dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây tại Việt Nam lại lo ngại về sự thay đổi này; các doanh nghiệp cho rằng, quy định mới có thể làm phát sinh những điều kiện đầu tư, thủ tục cấp phép và tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện tại, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây được hiểu là những dịch vụ lưu trữ dữ liệu quy định tại Điều 18 của Luật Công nghệ thông tin và một số văn bản hướng dẫn; theo đó, không bị hạn chế về đầu tư nước ngoài và không phải xin cấp giấy phép viễn thông.
Theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia như WTO, CPTTP hay EVFTA, Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường viễn thông. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào dịch vụ viễn thông sẽ bị hạn chế về vốn đầu tư trong khoảng từ 49% đến 65% tùy thuộc vào loại hình dịch vụ viễn thông và quốc tịch của nhà đầu tư.
Trong khi đó, Điều 12 của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định “hình thức, điều kiện đầu tư nước ngoài và tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông phải theo các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”. Do vậy, các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại rằng, nếu không có quy định rõ ràng và cụ thể cho dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, thì họ sẽ bị hạn chế về tỷ lệ vốn đầu tư cũng như các điều kiện tiếp cận thị trường. Từ đó, làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư vào các dịch vụ lưu trữ dữ liệu và ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp dữ liệu số nói riêng và của cả ngành kinh tế số nói chung.
Mong muốn của các nhà đầu tư đó là dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) cần cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh với dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây. Trường hợp vẫn mở rộng phạm vi điều chỉnh thì cần bổ sung các quy định cụ thể về quản lý Nhà nước đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây nhằm bảo đảm các điều kiện và hạn chế áp dụng đối với dịch vụ viễn thông sẽ không áp dụng với hai dịch vụ này.
Tiếp tục đánh giá chính sách
Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới về vấn đề này, nhất là các nước trong khu vực. Từ đó, phân tích và làm rõ hơn, thuyết phục hơn về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận tổ sáng ngày 10.6, cho ý kiến vào dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần đưa trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet vào dự thảo Luật ở mức độ phù hợp, bảo đảm khuyến khích phát triển công nghệ viễn thông, không ảnh hưởng hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để quy định cụ thể, rõ ràng hơn về cấp độ quản lý, điều kiện quản lý các dịch vụ này. Tức là có quy định trong luật nhưng phải có độ mở và linh hoạt.
Theo một số báo cáo nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế trong quản lý dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu, hầu hết các nước chưa có quy định riêng cho hai loại dịch vụ này mà chỉ quản lý các dịch vụ này theo khuôn khổ chung của các luật hiện có về truyền thông, thông tin điện tử hoặc giao dịch điện tử.
Đối với các nước đã có quy định quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây thì thường theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn kĩ thuật được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn quốc tế. Các tiêu chuẩn kĩ thuật được đưa ra cũng chỉ tập trung vào khía cạnh an toàn dữ liệu của người dùng. Theo rà soát, hiện nay chỉ có Thái Lan, Ai Cập, Trung Quốc quy định trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây là dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, Thái Lan và Ai Cập cũng không có quy định về hạn chế dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây xuyên biên giới hay về sở hữu vốn đầu tư nước ngoài.
Malaysia chưa có quy định cụ thể đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu và quản lý dịch vụ điện toán đám mây cloud theo Đạo luật truyền thông và đa phương tiện từ năm 1998.
Indonesia, nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây được phân loại chung là nhà vận hành hệ thống điện tử theo quy định của Luật Thông tin và Giao dịch Điện tử 2008. Indonesia không hạn chế việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và vốn đầu tư nước ngoài đối với hai dịch vụ này.
Singapore cũng chưa có quy định pháp luật về phân loại dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây. Tuy nhiên, cả hai dịch vụ này được phân loại là "cơ sở hạ tầng hoặc hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông" và "dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông".
Australia không có quy định dành riêng cho dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây mà chỉ quản lý về khía cạnh an toàn thông tin của dịch vụ, được điều chỉnh trong đạo luật riêng tư. Tương tự, Anh cũng chỉ quan tâm đến vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hai dịch vụ này thông qua Đạo luật về bảo vệ dữ liệu năm 2018.