Phát triển ngành chủ lực
Thừa Thiên - Huế hiện có 52 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may; chiếm khoảng 70% tổng giá trị xuất khẩu. Có thể kể đến các doanh nghiệp lớn như Công ty Dệt May Huế, Công ty cổ phần Sợi Phú Bài, Công ty Scavi Huế (thuộc tập đoàn Pháp), Công ty HBI (Mỹ), Công ty Dệt Kim và May mặc Huế - Việt Nam, Công ty Tokyo Style… Sản phẩm của các doanh nghiệp này đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu, trong đó Công ty cổ phần Dệt may Huế được chứng nhận về Trách nhiệm tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội trong sản xuất may mặc của các khách hàng lớn tại Mỹ như: Perry Ellis, Sears, Regatta…; chứng nhận về điều kiện, luật pháp, đạo đức, chủng tộc của tổ chức phi lợi nhuận WRAP trong sản xuất hàng may mặc…
Theo các chuyên gia kinh tế, ngành dệt may xuất khẩu trong nước tăng trưởng cao với 21%/năm nhưng nhập khẩu hơn 80% nguyên phụ liệu khiến giá trị gia tăng khá thấp. Sản phẩm của cả nước nói chung và Thừa Thiên - Huế nói riêng rất đa dạng nhưng chủ yếu sản xuất theo phương thức gia công nên hầu hết nguyên phụ liệu đều do khách hàng đặt hàng và cung cấp, do đó, việc thu hút đầu tư vào dệt, nhuộm, xơ sợi được cho là thị trường “ngách” mà các doanh nghiệp còn bỏ ngỏ. Để đi sâu hơn vào thị trường quốc tế và nâng tầm quy mô, nâng cao giá trị sản phẩm cho ngành dệt may, tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định, cần tập trung xây dựng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy ngành dệt may phát triển theo hướng bền vững. Theo đó, tỉnh sẽ quy hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu theo quy trình khép kín từ sợi - dệt - nhuộm - hoàn tất - may…; đẩy mạnh khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu với mục tiêu phát triển thị trường xuất khẩu.
![]() |
Tập trung phát triển ngành hỗ trợ dệt may
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết, hiện tỉnh đang phối hợp với Ban điều phối Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung triển khai Đề án Phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may tại Thừa Thiên - Huế với diện tích khoảng 400ha, tại khu công nghiệp Phong Điền. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung xây dựng 6 khu công nghiệp với diện tích 2.168,76ha, thuộc các huyện Phong Điền, Phú Lộc, Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền và Phú Bài. Quy hoạch phát triển hạ tầng đồng bộ các khu công nghiệp gồm 4 lĩnh vực thuộc ngành dệt may đó là công nghiệp may, công nghiệp dệt, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp thời trang. Trong đó, tập trung vào dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, các nhà máy sản xuất phụ liệu chủ yếu bố trí trong khu công nghiệp hỗ trợ dệt may, gần các đầu mối giao thông thuận lợi với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Trong quy hoạch của tỉnh, các nhà máy này phải cách xa dân cư tập trung với mục đích sản xuất ổn định và thuận lợi cho việc xử lý chất thải, bảo đảm an toàn về môi trường. Ví dụ như dự án sợi xây dựng tại các khu công nghiệp Quảng Vinh, Phú Đa, Phong Điền… các dự án sản xuất nguyên phụ liệu, sợi, dệt nhuộm tập trung ở khu công nghiệp Phong Điền. Các dự án may có thể xem xét bố trí tại vị trí phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư và khả năng cung cấp nguồn nhân lực của các địa phương. Thị xã Hương Trà, Hương Thủy và thành phố Huế sẽ trở thành trung tâm thiết kế thời trang, dịch vụ thương mại dệt may của tỉnh và của vùng.
Ông Nguyễn Văn Cao cho biết thêm, về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp sẽ chặt chẽ. Cụ thể chủ đầu tư phải cam kết xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và cục bộ bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp dệt nhuộm và có kế hoạch giám sát cụ thể; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh châu Âu hoặc tương đương.
Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đề án được áp dụng cơ chế chính sách theo Thông báo số 404/VPCP đó là được hỗ trợ kinh phí rà phá bom, mìn, vật liệu nổ từ nguồn ngân sách địa phương. Được miễn tiền thuê đất đối với đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong khu công nghiệp, đối với đất còn lại được miễn tiền thuê đất 15 năm sau thời gian xây dựng cơ bản, được vay tối đa 70% tổng số vốn đầu tư từ các tổ chức tín dụng. Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân làm việc tại khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và các cơ chế ưu đãi khác thực hiện theo quy định hiện hành. |