Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà: Thông điệp mạnh mẽ về chuyển đổi năng lượng công bằng, chuyển đổi số
Đây là chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trên cương vị người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam, khép lại thành công Năm Hữu nghị Đoàn kết Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Bạn đã dành cho Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sự đón tiếp hết sức trọng thể. Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Campuchia cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan Quốc hội Campuchia đã ra tận cầu thang máy bay để đón Chủ tịch Quốc hội. Quốc hội Campuchia đã dành nghi thức lễ tân cao nhất đón Chủ tịch Quốc hội và sắp xếp chương trình để Chủ tịch Quốc hội có các cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Campuchia như: Quốc vương, Hoàng Thái hậu, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Quốc hội. Nội dung thảo luận tại các cuộc hội đàm, hội kiến hết sức sâu sắc. Hai bên đã trao đổi những biện pháp cụ thể, toàn diện nhằm thúc đẩy quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" giữa hai nước. Trong đó, trao đổi các biện pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến người gốc Việt tại Campuchia, tạo sinh kế cho bà con người Việt tại các khu vực lòng hồ, chúng ta đã chủ động đề xuất việc thực hiện các dự án nuôi trồng thủy sản phù hợp với quy hoạch của Campuchia và bảo đảm cảnh quan môi trường, giữ gìn môi trường của phía Bạn.
Đối với Đại hội đồng AIPA-43, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự các hoạt động chính và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên họp toàn thể. Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đoàn kết trong ASEAN, sự phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước thành viên và nghị viện các nước thành viên để phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch và phát triển bền vững. Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định rất rõ, Quốc hội Việt Nam với vai trò và trọng trách của mình, sẽ nỗ lực thực hiện các cam kết cũng như những nghị quyết mà Đại hội đồng AIPA-43 thông qua. Điều này thể hiện nhất quán quan điểm và hành động của Quốc hội ta khi luôn tích cực, chủ động đóng góp và nghiêm túc triển khai thực hiện những cam kết chung của AIPA vì tương lai phát triển của khu vực.
Đặc biệt, trong phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các nước phát triển trong việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng và chuyển đổi số an toàn, bảo đảm an ninh và chủ quyền trên môi trường số. Trong tiến trình phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19, các nước đều hết sức quan tâm đến hai vấn đề này. Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội tại Đại hội đồng là thông điệp rất mạnh mẽ về những vấn đề đặt ra khi thực hiện hai mục tiêu này, chúng ta phải tính đến chi phí và lợi ích của các bên trong chuyển đổi năng lượng, bảo đảm an ninh, an toàn số và chủ quyền số trên không gian mạng khi tiến hành chuyển đổi số.
Đoàn Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia ngay từ khâu chuẩn bị nội dung, chương trình nghị sự của Đại hội đồng AIPA-43, đóng góp vào việc xây dựng chủ đề chung của Đại hội đồng, tham gia tích cực vào việc hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết tại các Ủy ban của AIPA và đồng bảo trợ 4 nghị quyết về các vấn đề an ninh, chính trị, kinh tế, chuyển đổi số và bình đẳng giới. Một điểm nhấn quan trọng là, tại Đại hội đồng AIPA-43, Quốc hội Campuchia đã đề xuất và thông qua nghị quyết nâng cấp cơ chế Hội nghị Nghị sĩ trẻ thành cơ chế tương đương cấp Ủy ban của Đại hội đồng AIPA. Nghị quyết này là sự tiếp nối sáng kiến của Việt Nam vào năm 2020 khi chúng ta đảm nhận vai trò Chủ tịch AIPA. Điều này có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện cho các nghị sĩ trẻ trong ASEAN tham gia sâu rộng hơn vào đời sống chính trị của đất nước và khu vực và có những đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách, xây dựng Cộng đồng chung ASEAN từ góc nhìn của giới trẻ.
Đặc biệt, tham dự Đại hội đồng AIPA-43, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Campuchia và Chủ tịch Quốc hội Lào đã ký Tuyên bố chung lần đầu tiên thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội CLV với sự chủ trì, đồng chủ trì của Chủ tịch Quốc hội ba nước. Việc thiết lập cơ chế này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác 3 nước bên cạnh cơ chế hợp tác giữa Đảng, Chính phủ 3 nước, nhất là trong việc thực hiện các chương trình, dự án hợp tác giữa 3 nước, đồng thời tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa 3 nước, 3 dân tộc. Trong quá khứ, 3 nước chúng ta đã cùng sát cánh bên nhau đấu tranh giành độc lập dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày nay thì 3 nước càng phải tăng cường đoàn kết, tăng cường hợp tác để chúng ta cùng đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa, cùng nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự cường và hội nhập quốc tế. Hội nghị cấp cao Quốc hội CLV đầu tiên sẽ được tổ chức tại Lào vào năm 2023. Quốc hội Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Lào và Quốc hội Campuchia xây dựng chương trình nghị sự thực chất, hiệu quả, sát với tình hình thực tế của mỗi nước để chúng ta có những quyết sách hỗ trợ Chính phủ 3 nước triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác trong thời gian tới.
Trong các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo nghị viện các nước bên lề Đại hội đồng AIPA-43, Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Việt Nam tích cực, chủ động, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, chúng ta đã thúc đẩy qua kênh nghị viện quan hệ song phương với các nước đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả, trao đổi với các nghị viện bạn những biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác song phương và phối hợp lập trường về các vấn đề chung của khu vực cũng như quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan: Sẽ có chương trình hợp tác về thủy sản và nông nghiệp giữa hai nước
Việc hai nước ký kết chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản trên cạn và trên các lòng hồ là cụ thể hóa một bước biên bản hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam với Bộ Nông, lâm, thủy sản Campuchia. Đây là sự kiện hết sức quan trọng gắn kết nông nghiệp của hai nước. Thông qua đó, chúng ta còn làm được câu chuyện quan trọng hơn, đó là chuyển giao cho phía bạn công nghệ mà chúng ta có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản trên các dòng sông, các lòng hồ, đập. Điều này sẽ giúp ích thiết thực cho phía Bạn, trong điều kiện trữ lượng cá tự nhiên đã khan hiếm thì công nghệ của chúng ta mở ra cơ hội để Bạn nuôi trồng thuỷ sản giống như chúng ta đang làm, tạo ra sinh kế ổn định cho người dân do tập quán sống trên các hồ, bờ sông mà Chính phủ Campuchia mong muốn di dời để bảo đảm môi trường, trong đó không chỉ có người dân Campuchia mà còn có cả cộng đồng người Việt.
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã phối hợp với Bộ Nông, lâm, thủy sản Campuchia tiến hành khảo sát các khu vực mà chúng ta sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản, trong đó, cộng đồng người Việt chúng ta khá đông. Từ đó sẽ là mô hình mẫu để Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Nông, lâm, thủy sản Campuchia có một chương trình hợp tác trong lĩnh vực thuỷ sản nói riêng và hợp tác về nông nghiệp nói chung. Chúng ta sẽ giúp ổn định sinh kế cho bà con và tạo ra sự kết nối về thị trường thủy sản giữa hai nước. Vì Việt Nam rất có thế mạnh trong lĩnh vực này, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều doanh nghiệp chuyên về chế biến thủy sản. Sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này có thể tạo thêm vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, sau chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chúng tôi sẽ trao đổi với các doanh nghiệp trong nước để vừa hợp tác với bạn vừa liên kết, kết nối với vùng nuôi trồng thủy sản mà chúng ta đã chuyển giao cho bà con. Như vậy, chúng ta không chỉ chuyển giao một công nghệ mà sẽ kết nối thị trường, tạo đầu ra cho người nuôi trồng thủy sản Campuchia, trong đó có bà con người Việt của chúng ta.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến: Quyết tâm tìm giải pháp cụ thể tăng cường quan hệ Việt Nam - Philippines
Vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực ASEAN ngày càng được nâng cao. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Philippines đã khẳng định điều này. Thượng viện và Hạ viện Philppines đã có những hành động thực sự khác biệt và đặc biệt dành cho Chủ tịch Quốc hội và Đoàn.
Việc xích lại gần nhau giữa các nước láng giềng, các nước trong cùng khu vực, cùng lợi ích và cùng trình độ phát triển là xu thế tất yếu và là nhu cầu nội tại của mỗi nước. Việt Nam và Philippines đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, hai nước có rất nhiều điểm tương đồng và bổ sung lẫn nhau. Hai nước có sự bổ sung lẫn nhau rất rõ rệt, ví dụ, Philippines hàng năm nhập của chúng ta khoảng 2 triệu tấn gạo, 3 triệu tấn xi măng và nhiều mặt hàng khác nữa. Những mặt hàng này chúng ta cũng đang có điều kiện sản xuất tốt và như vậy cơ hội để tăng kim ngạch thương mại song phương trong thời gian tới là rất rõ nét.
Do đó, việc Quốc hội Việt Nam và Thượng viện, Hạ viện Philippines xích lại gần nhau là điều tất yếu, là thực tế đòi hỏi của cả hai nước. Thượng viện và Hạ viện Philippines đã thể hiện mối quan tâm rất đặc biệt bằng việc ra nghị quyết chào đón chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thể hiện sự đồng lòng của các Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ Philippines muốn thúc đẩy tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Philippines nói chung và giữa các cơ quan lập pháp hai nước nói riêng.
Những kết quả của chuyến thăm và các nghị quyết được Thượng viện, Hạ viện Philippines vừa thông qua, là cơ sở pháp lý quan trọng để hai bên cùng quyết tâm tìm giải pháp cụ thể tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Philippines. Đặc biệt, về hợp tác Quốc hội, Bạn đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Philippines với sự tham gia của rất nhiều Chủ nhiệm các Ủy ban của nghị viện nhằm tăng cường hợp tác với Quốc hội Việt Nam. Sau chuyến thăm, chúng ta cũng sẽ có những hành động tương ứng. Qua đó, chúng ta sẽ có những giải pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác hai Quốc hội và hai nước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông: Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Philippines
Trong chuyến thăm chính thức Philppines, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà lãnh đạo Philppines đã tập trung trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước bởi hai nền kinh tế của chúng ta có bổ trợ cho nhau, tiềm năng, dư địa hợp tác vẫn còn rất lớn. Nhân dịp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với các cơ quan của Philppines tổ chức Diễn đàn Thương mại - Đầu tư Việt Nam - Philppines với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước.
Các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp Philppines rất quan tâm và đánh giá rất cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, đặc biệt là việc trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch thì Việt Nam vẫn giữ vững ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, các giải pháp mà Việt Nam đã thực hiện để đưa đất nước vượt qua những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 để đạt được kết quả như hiện nay, khi nền kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta đã quay trở lại bình thường, tạo đà để phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp Philppines hết sức mong muốn tới đây Quốc hội, Chính phủ Việt Nam sẽ tổ chức nhiều hơn nữa các diễn đàn xúc tiến đầu tư, thương mại giữa hai nước như diễn đàn đã được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; thông qua nhiều kênh khác nhau để kết nối hai nền kinh tế, doanh nghiệp hai nước với những dự án đầu tư hết sức cụ thể. Các doanh nghiệp Philppines tham dự Diễn đàn đều khẳng định, tới đây sẽ đến thăm Việt Nam và tìm hiểu các cơ hội đầu tư thực tế tại Việt Nam.