>> Trên kia là bầu trời (Phần cuối)

Điện thoại không biết đã réo lên từ những lúc nào mắt vẫn nhắm nghiền quờ quạng mãi tôi mới vớ được cái ống nhựa phiền toái. “Alô…” Không lời đáp.”Alô!”- Tôi lầm bầm, mắt nọ vẫn dính vào mắt kia. “Alô, tôi nghe!” Đầu kia vẫn lặng ngắt. “Chết tiệt!” Tôi dập máy. U mê tan biến ngay sau câu rủa đầu ngày. Nhắm mắt chưa đầy bốn tiếng đã bị cái đồ điên nào đó phá rối. Bỗng nghĩ cái tin đang chờ đã có. Tôi mở email. Vẫn chẳng có gì, thế vào đó là hai thư của cùng một địa chỉ. “Chị đừng nhổ R 36, nó sẽ bình phục. Phần chân của R 13 đủ để làm răng giả.” Sao thế này? Một lời can đúng vào buổi sáng tôi đã định đến Trung tâm y tế Tân Định để nhổ chúng theo lời khuyên của Nha khoa Điệp và chồng sau mười ngày điều trị tất tật những cái răng còn có trong miệng tôi. Thư thứ hai: “Nếu nghi ngờ chị có thể đến bác sĩ Phùng Lộc kiểm tra lại, số máy cầm tay của ông ta: 090 366 653…” Tôi đâu muốn nghi ngờ, kinh khủng nhất cái vụ nhổ răng, nhưng sự ân cần giữa đêm hôm khuya khoắt ít nhiều gây thắc mắc, đêm qua quá mười hai giờ tôi mới chui ra khỏi mạng?... Vội vàng bấm số máy di động nào đó. “Alô, nha khoa Phùng Lộc nghe!” Tôi hốt hoảng dập máy. Giọng đàn ông, người Nam!... Thừ người rồi chợt thấy buồn cười nhưng đúng là ngoài Nha khoa Điệp và chồng bất ổn của tôi chưa hề bộc lộ ở đâu trong thành phố này, không lẽ Hà Nội còn nhớ đến răng với lợi của tôi?
“Tôi tin. Nhưng Hà Nội hay Sài gòn vậy?”
Sent to: trenkialabautroi@yahoo.com. Mắt tôi như dính chặt vào màn hình. Ồ, cái email ngộ thật, sao lúc này mới để ý tới nó nhỉ? Cùng lúc cái đầu “thiểu năng” chợt “nhận thức” thêm: sáng mai là hẹn cuối cùng của bài cho số báo tuần này!
Tường Vân vui vẻ nhận lời nhưng cho một cái hẹn đến oái oăm, 7 giờ gặp nhau ở nhà ông. Còn đúng 20 phút! Cái kiểu đi xe của tôi đến được đầu kia thành phố chắc phải ba lần 20 phút quá. Đã thế còn mất đến dăm phút toát cả mồ hôi mới tìm thấy “Văn học và suy nghĩ”, với lũ thơ tình hình đơn giản hơn chúng đang nằm lung tung trên sàn nhà vơ một cái là xong, những lúc răng không đau tôi thường vớ một bài bất kỳ và đọc, khá lý thú, thậm chí có một bài còn đọc đi đọc lại. Cuống cuồng nhét sự nghiệp của nhà lý luận phê bình văn học, máy ghi âm, băng trắng, pin Con ó vào túi tôi lao ra đường vẫy xe ôm.
*
Sau tí chút phiền toái tôi bước vào tiệm vàng đúng khít giờ hẹn. Tên ông vừa đủ để người chủ tiệm hất cằm về chiếc cầu thang phía cuối. Chắc cậy vào cái tiệm vàng này gia chủ không cần lo giữ nhà, mỗi lầu một phòng, trừ phòng ngay lầu một cửa khép hờ có cái chuông đỏ chót nhấn năm lần chả phát ra một tiếng kêu ba phòng còn lại cửa mở toang giày dép vất bừa bãi bên ngoài chỉ người là không thấy. Đành trở lại với cánh cửa, gõ mấy tiếng. áo pull quần xà lỏn một cậu mập mạp trẻ măng ló ra. Nghe xong lý do cậu cười ngượng nghịu: “Mời chị vào nhà, ông già xuống đường ăn sáng chứ đã có hẹn thì chị cứ yên tâm chờ đi.”
Căn phòng bừa bộn khủng khiếp, nó được ngăn thành hai bởi một giá sách khổng lồ. Phần ngoài hẹp hơn, đi văng, ghế bành nệm cỏ cồng kềnh chất đống lên nhau, lên cả mặt chiếc bàn tròn gỗ lim khá rộng, còn đúng một chiếc ghế ngay sát cửa có thể ngồi và một góc bàn đủ để cậu chủ còn đang lúng túng bởi chiếc xà lỏn đặt cốc nước mát mời tôi. Từ phần trong ló ra một phần của tấm nệm vẫn buông mùng nơi Áo pull quần xà lỏn vừa chui tọt vào. Có tiếng trò chuyện se sẽ rồi im lặng. Không chỉ dưới đất trên mấy cái kệ thấp dọc tường mà phích lớn phích nhỏ đồ ăn thức uống các vật dụng của trẻ mấy tháng tuổi còn tràn lên cả chiếc tủ sách khá cao kê áp tường dọc theo lối cửa. Ba tầng lầu tôi đã lên tuy lộn xộn nhưng đồ đạc rất sơ sài không lẽ việc đôi vợ chồng trẻ đổ bộ vào căn phòng hẳn trước đây là nơi làm việc và tiếp khách của Tường Vân chỉ vì…. cho đỡ phải leo thêm?
*
Tường Vân là một nhà lý luận phê bình văn học, không “xuất thân” từ khoa ngữ văn của trường đại học nào nên khi được phân công viết bài tôi chỉ biết về ông có thế. Ông đã viết những gì, tuổi tác, tính tình ra sao? Chịu. Ở chỗ hẹn gặp ngay khi xuất hiện ông già đã qua lục tuần tóc đen ria lộn xộn và bạc đến quá nửa có đôi mắt cười cười trên gương mặt nửa thật thà nửa ranh mãnh đã lập tức gây ấn tượng dễ chịu. Kêu cam vắt cho tôi, phần mình thì xin một cốc nước nóng. Ông nói tối qua nhậu xỉn, giờ chỉ uống được thứ này. Rút từ một túi bạt nhỏ đưa tôi cuốn tiểu luận “Văn học và suy nghĩ”, hơn hai trăm trang in, xuất bản từ đầu những năm bảy mươi. “Tôi còn dăm cuốn nữa, nhưng cô cứ đọc vậy đã, có khi thế cũng là nhiều.” Lại đưa thêm một xấp đánh máy vi tính: “Thơ tôi đấy!” Hàng ria lộn xộn chợt động đậy, đôi mắt ánh lên tinh quái. “Cô sẽ đọc chúng chứ?” “Bổn phận của tôi mà”. “Không, không phải cuốn tiểu luận mà là những bài thơ kia…” Không đáp tôi bắt đầu lật nhanh từng trang trong xấp giấy khổ A4, tên các bài thơ, ấn tượng thị giác tạo bởi sự sắp xếp các con chữ các khoảng trắng ở mỗi bài… Có cái gì đó khác biệt, khiến người ta hứng thú. Chúng có vẻ giống ông. Tôi nói mấy điều này với Tường Vân. Rồi đọc bài cuối cùng trong xấp thơ: “Tôi, Anh, Nó, Chúng ta, và…”
Một quán cà phê giản dị yên tĩnh rất dễ thương. Cha và con. Một bàn gỗ nhỏ sơ sài, một bao Mai, một phin cà phê bắt đầu nhỏ các giọt đầu tiên, một ly đen mà màu cà phê còn chưa kịp loang xuống phần đá trong vắt đầy vun bên dưới. Những đối thoại lúc ngập ngừng lúc sôi nổi, nó cho thấy cuộc tranh luận xung quanh thắc mắc này đã diễn ra không chỉ một lần: linh hồn con người còn tồn tại hay không sau khi người đó chết? Gió thổi, lá me bay loạn xạ, một chiếc lá xanh ngắt bé xíu rụng xuống ly cà phê đá của người con. Nhìn nó anh ta chợt thốt lên như một phát hiện, rằng nếu linh hồn còn tồn tại thì trong 49 ngày sau khi chết nhất định sẽ tìm về gặp bố, có điều cần phải “thống nhất” trước, theo ông họ sẽ gặp nhau thế nào? Ở đâu?
Bài thơ lẽ phải rất buồn, nhưng không. Vọt lên từ lời cam kết, từ câu hỏi thật ngây thơ về cách thức, chỗ gặp nhau của người con, là niềm khao khát khôn cùng được bước qua những giới hạn, những chật chội tầm thường luôn khiến con người phải thấy rằng mình đã chỉ được sống một cuộc đời trùng khít với số phận. Tôi nói cảm giác này với Tường Vân. Nói đây là một bài thơ nhưng thấy như nó cũng là một câu chuyện của đời ông. Nếu thật thế ông có thể cho tôi biết đã hẹn gặp người con ở đâu, tôi thích bài thơ bởi lẽ nó đã dừng ở đây, một người cha mà nói to lên, nói bằng thơ một hẹn hò kiểu này thì thật là kinh khủng. Tường Vân chợt nhìn tôi chăm chú:
- Cô vẫn thường thế à? - Thấy tôi im nhưng nhìn lại theo cách “thường thế là sao”, ông tiếp - Tôi hẹn gặp nó trong chiêm bao.
- Chiêm bao? Sao lại trên cái lối mòn nhẵn này? Tầm thường quá so với bài thơ. Anh ấy cũng đồng ý chứ? – Thốt lên điều đó rồi chợt hiểu ra cái gọi là thường thế, tôi thấy nóng mặt cho sự bốc đồng của mình. Lại cũng ngán Tường Vân sẽ nổi điên vì mấy lời báng bổ này.
Cô bé tóc nửa vàng nửa đen mang nước sôi cho Tường Vân, một cốc to bự chảng Fanta đá cho tôi. Ông bê cốc nước nóng uống từng ngụm nhỏ. Khá lâu sau thì bất chợt lên tiếng giọng buồn buồn không có gì bực bội cả:
- Đồng ý, nhưng tất nhiên nó đã không trở về. Linh hồn? Một tào lao như rất nhiều tào lao khác, thế thôi!... Nhưng với con tôi thì lại khác, tất cả đều nghiêm túc, rất nghiêm túc. Đứa con trai duy nhất của tôi. Một bác sĩ. Lúc đó nó đang điều trị một khối u. Cho đến lúc chết nó vẫn cứ là một người chưa trưởng thành, nghiêm túc và thành thật?…
Câu chuyện tới đây thì kết thúc. Mỗi người đều uống hết phần nước của mình rồi chia tay.
*
Trong một không gian có phần kỳ cục những điều này đã hiện về thật rõ nét. Tôi rời ghế thơ thẩn tới bên tủ sách. Nửa dưới cửa gỗ, nửa trên cửa kính. Các cửa đều có khóa, nhưng ổ khóa nào cũng cắm sẵn chìa, chẳng cần tinh ý cũng thấy được cả ổ lẫn chìa được làm từ thuở inox còn khan hiếm này đều đã gỉ. Từ điển, rất nhiều từ điển, chúng chiếm gần hết nửa trên một bên tủ, phần còn lại hiện qua kính là các tuyển, các tổng tập thơ văn những năm sáu, bảy, rồi tám mươi. Và văn học Nga, Nga Xô viết. Tôi chợt mỉm cười với một gáy sách quen thuộc thuở nhỏ, đúng ra là với lời thơ ru ngủ đang vọng ra từ đó: “Đức vua áctua, Ngài ngủ rồi. Những hiệp sĩ bàn tròn họ đều ngủ cả rồi…”
Chiếc tủ không chỉ có sách. Một bộ sưu tập đồng hồ, 15 chiếc, đặt ở các nơi có thể. Chúng quá độc đáo, tôi chưa từng thấy. Thời gian lặng lẽ trôi trong mỗi chiếc đồng hồ, những thời gian thật khác biệt, 1 giờ 0 phút, 8 giờ 10, 9 giờ, 9 giờ 45, 3 giờ 25, 6 giờ 30… Thật khó phân định nổi những giờ này là của thời gian nào, đêm, sáng? Hay là chiều tối đây?... Chiếc ghế bành quá rộng rãi, thoải mái và dễ chịu. Tiếng ngáy đều đều của đôi vợ chồng trẻ, mùi thơm của sữa của những vật dụng cho các bé thơ chợt xộc vào khứu giác, choán hết tất cả, êm đềm mộng mị... Cùng với giấc ngủ còn sót bởi cú điện thoại chết tiệt đang trồi lên cùng với Đức vua áctua và các hiệp sĩ bàn tròn… Tôi bắt đầu trôi…
*
- Chị ơi, chị!...
Chết tiệt! Tôi ngượng muốn chết và nguyền rủa Tường Vân khi choàng tỉnh trước bộ mặt no ngủ tươi cười của gã bố trẻ. “Ba em gửi lời xin lỗi chị. Việc đột xuất quá mà chị lại không dùng di động. Cần gì chị gửi qua email ba em sẽ trả lời.” 10 giờ 30 trên đồng đeo tay của cậu ta. “Chị có thể nói chuyện với ba?” “Ba em tắt máy rồi. Mà ổng cũng nhắn tin lúc chưa đến 8 giờ”. Gương mặt đối diện cũng ngượng ngập lúng túng chả khác gì tôi. “Nhỏ nhà em toàn ngủ ngày thức đêm. Em mới đi công tác về mệt quá. Ngủ thiếp đi lúc nào chả hay, cả vợ em nữa, trong khi lẽ ra phải tiếp chị. Thật chả ra sao…” “Thôi, thôi… chính tôi cũng vậy mà” - Tôi xua tay, rời khỏi cái ghế “ma làm”, trước khi thoát ra ngoài cố nói một câu đùa nhạt nhẽo về những giờ giấc lung tung trong bộ sưu tập đồng hồ, nhiều thời gian quá nên lẫn lộn hết… Thấy cậu có ý định tiễn tôi quày quả xua tay, xỏ nhanh chân vào dép, lúng túng đến mức không kéo nổi quai hậu.
*
Ra khỏi tiệm vàng mặt vừa hết nóng đã lập tức xây xẩm, chân tay rã rời theo mỗi bước đi. Thì còn gì nữa ngoài đói, gần trưa rồi mà dạ dày mới chỉ có nửa cốc nước lọc. Quanh đây mà không có máy rút tiền của VCB thì chỉ có nước khóc. Nhưng mà gì thế kia? Tôi có hoa mắt quá không? Ngay trước mũi tôi dưới một chiếc dù sặc sỡ Tường Vân đang ngồi thản nhiên bên chiếc bàn nhựa xanh dợt lộn xộn những vỏ bia Sài Gòn, ly dơ và những vũng nước, dưới chân ông là một bụi sâm đất hiền lành trồi lên vô số những bông hoa hồng hồng nho nhỏ tươi tắn. Hàng ria mép lộn xộn rung rung một nụ cười. Hẳn ông ta đã khoái trá quan sát những bước đi thất thểu vẻ mặt thất thần của tôi từ lúc ra khỏi tiệm vàng? Tức điên, tôi gần như xông thẳng vào chiếc dù, kéo ghế đối diện với nhà lý luận phê bình.
- Ông tắt máy di động và ngồi đây uống bia?
- Còn cô thì đang đói mềm lại không một xu dính túi?
- Đi hơn chục cây số ông cho tôi đúng 20 phút, ăn gì cho kịp? Đến đi xe máy tôi còn không dám. Nhưng nó cũng chỉ là chuyện vặt, nếu ông biết tôi đã rơi vào tình trạng dớ dẩn thế nào trong mấy tiếng ngồi chờ ông. Có giàu tưởng tượng đến mấy ông chắc cũng không hình dung nổi tôi đã ngủ ngồi ngay trong cái ghế bành nhà ông, không chừng còn ngáy nữa là khác... Đói mềm thì quá rõ, nhưng sao ông biết tôi quên ví, chẳng lẽ lúc tôi xuống xe móc hết túi trước đến túi sau quần mà vẫn thiếu anh xe một ngàn ông đang ở đâu quanh đó? Vô lý. Cả quãng phố lúc đó rất vắng mà…
- Cô không nhầm đâu. Giờ đó tôi đang phi xe máy. Còn ví tiền, trong túi cô lúc này làm gì có nó? Mà cô nói chầm chậm thôi cho tôi nghe với…
Tôi bất giác thu cái túi vào lòng, cảm giác bực bội tan biến.
- Ông cứ như ma xó ấy. Mà về rồi sao ông không lên nhà? Không khoái tôi viết bài thì thôi tránh né làm gì cho rối việc…
Không hiểu sao vẻ tươi cười ranh mãnh vụt tắt, trên gương mặt đối diện xuất hiện một vẻ âm thầm nào đó, cái vẻ này “ăn” cả vào giọng ông đang đều đều cất lên:
- Có tránh né gì đâu, có việc đột xuất kéo ra khỏi nhà tưởng rồi về ngay ai dè…
- Kêu cho tôi một chai Twister rồi làm ơn chỉ dùm một máy ATM gần nhất, còn may tôi không nhét cái thẻ trong ví.
- Có người bán nào đâu? Họ về hết rồi. Đứng lên đi tôi dẫn đến máy rút tiền. Dọc đường sẽ kiếm cho cô một chai.
Dù Tường Vân đã cố giảm tốc độ tôi vẫn phải vừa đi vừa chạy mới theo kịp ông. Đang nhiên một gã trai to lớn áo pull đỏ rực tóc buộc túm lao ra từ một con hẻm, cánh tay to bự thúc rất mạnh vào bụng Tường Vân. Tưởng đâu ông sẽ loạng choạng sẽ hét toáng lên, nhưng chẳng có gì xảy ra, gã trai vẫn tiếp tục đi như lao trên hè phố, còn người “bị nạn” vẫn tỉnh khô rảo bước. Còn chưa kịp hỏi “chưởng” gì đã khiến bụng ông chịu nổi cú thúc kinh hoàng đó thì một cửa hàng tạp hóa đã xuất hiện. Những két Pepsi rồi Twister chồng lên nhau xếp tràn ra cả vỉa hè. Thoắt cái một chai Twister đã rời két, bật nút chai bằng cách kề nó vào miệng thùng rồi giật khẽ, trao nó cho tôi ông nói: “Cô phải “tu” thôi không cốc kếch gì đâu mà bước rảo rảo lên sẽ mưa đấy…”
Cầm chai Twister ngửa cổ tu xong một hơi tôi đã thấy Tường Vân cách mình cả quãng dài. Thật chả hiểu gì cả, ông ta bay chắc? Lại còn chai Twister, nó đâu được trả tiền, mà người bán hàng thì không thể không nhìn thấy? Nhưng đúng là sắp mưa thật, ánh sáng vừa bừng lên chói lọi ở chỗ này đã vụt tắt ở chỗ kia. Bầu trời thấp hẳn hỗn độn ngổn ngang những đám mây khổng lồ. Lạ lùng là bên dưới những dịch chuyển có vẻ chậm chạp của những đám mây ấy thì dòng người với những xe cộ ồn ĩ đang vùn vụt lao ngược lao xuôi hầu như đứng yên, bé nhỏ đến bất lực?...
(Số sau đăng hết)