Tăng cường ứng dụng khoa học phát triển kinh tế hàng hóa
Trong sản xuất nông nghiệp, việc nâng cao nhận thức của người dân về ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất; tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể để người nông dân hiểu được mình cần làm gì, cần đầu tư trang thiết bị để đổi mới công nghệ, đổi mới cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao hơn, thu nhập cao hơn như thế nào… là một trong những nhiệm vụ quan trọng, yêu cầu lớn và mang tầm chiến lược trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhận thức sâu sắc yêu cầu trên, với vai trò vừa là người uy tín, vừa là trưởng thôn (thôn Cốc Pái, xã Tân Tú, huyện Bạch Thông), Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng, ông Hoàng Văn Lương cho biết: bản thân và các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng của thôn luôn tuyên truyền bà con trong thôn thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan đến kiến thức nông nghiệp; vận động nhân dân tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi phù hợp với địa phương. Vận động bà con mở rộng diện tích gieo trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa sang trong các loại rau củ quả cho năng suất và thu nhập cao. Tuyên truyền, hướng dẫn bà con xây dựng và cải tạo chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, khép kín, lựa chọn các con giống được lai tạo, tuyển chọn chất lượng, phòng chống dịch bệnh mang lại hiệu quả kinh tế cao; giới thiệu và bán các mặt hàng của các hộ gia đình trên các trang mạng như facebook, zalo…
Do vậy, trong năm 2022, trên địa bản thôn đã đạt được một số kết quả quan trọng: đã ứng dụng sản xuất thâm canh tập trung giống lúa nếp vàng với diện tích 1,2ha đem lại năng suất cao; các hộ dân tập trung trồng các loại rau, quả sạch cung cấp ra thị trường như rau bí, ngô nếp, dưa chuột…; hơn 10ha đất rừng được các hộ dân trồng các loại cây chủ lực như cây keo, cây mỡ, bạch đàn mang năng suất cao. Hơn 90% các hộ gia đình xây dựng chuồng trại bảo đảm hợp vệ sinh, chăn nuôi gà thương phẩm với tổng số hơn 2.500 con, hơn 1,6ha ao chăn thả cá, ốc nhồi. Từ áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất, các hộ dân trong thôn không chỉ cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm cho gia đình mà còn cung cấp ra ngoài thị trường tăng thêm thu nhập cho gia đình... Năm 2022, qua rà soát tại thôn mức thu nhập bình quân của thôn đạt 42 triệu đồng/người/năm.
Vận động người dân phát triển thế mạnh kinh tế trồng rừng
Thôn Bản Pá nằm ở phía Tây Nam của xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới với tổng diện tích đất tự nhiên 120ha, 25 hộ, 96 nhân khẩu gồm có 3 dân tộc: Tày, Kinh, Dao cùng sinh sống. Tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng luôn ổn định, kinh tế phát triển năm sau cao hơn năm trước. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội được thực hiện hiệu quả, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, việc tuyên truyền vận động nhân dân phát triển thế mạnh kinh tế từ trồng rừng được nhân dân hưởng ứng tích cực, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thiết thực xóa đói giảm nghèo bền vững.
Là người có uy tín, vừa là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, Trưởng thôn Bản Pá, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới Hà Đức Trưởng chia sẻ: căn cứ vào Nghị quyết của cấp ủy Đảng, chính quyền, UBND xã trực tiếp giao nhiệm vụ cho người có uy tín vừa là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn vận động nhân dân phát triển thế mạnh về kinh tế từ trồng rừng. Thuấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: rừng là vàng, biển là bạc; lực lượng của dân rất lớn, việc vận động nhân dân phát triển thế mạnh kinh tế trồng rừng rất quan trọng; vận động kém thì việc gì cũng kém, vận động khéo thì việc gì cũng thành công… bản thân tôi đã vận động nhân dân phát triển thế mạnh kinh tế về trồng rừng bằng nhiều cách làm phong phú đa dạng, được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia.
“Với phương châm vận động sâu sát cơ sở gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, bản thân tôi thường xuyên đôn đốc, vận động nhân dân kiểm tra, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng trồng; nhiều hộ trong thôn đã có thu nhập khá từ rừng” - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bản Pá nhấn mạnh.
Từ khi có chương trình trồng rừng theo Dự án 327, Dự án 661 phủ xanh đồi núi trọc, từ năm 1995, ông đã vận động các hộ gia đình trồng được 120ha các loại cây keo hom, keo Úc, mỡ... Hiện nay, cả thôn không còn đồi núi trọc, rừng đã được che phủ, giúp người dân có nguồn thu nhập cao từ trồng rừng. Năm 1997, ông đã được Ban Quản lý Dự án huyện Chợ Mới khen thưởng về công tác vận động nhân dân trồng rừng theo dự án.