Nhiều thách thức
Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin hiện nay đã làm cho các tranh chấp vừa nhiều lên vừa phức tạp hơn, đặt ra những thách thức mới đối với hoạt động giải quyết tranh chấp. Đó là giải quyết tranh chấp phải thực hiện với tốc độ nhanh hơn để có thể đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của các bên. Giải quyết tranh chấp cần giảm sự phụ thuộc vào yếu tố lãnh thổ quốc gia nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở pháp lý nên quy định pháp luật của các nước phải xích lại gần nhau hơn. Đồng thời giải quyết tranh chấp còn dựa trên các chứng cứ “phi truyền thống” nên các yêu cầu về tố tụng cũng cần thay đổi.
Một trong những phương thức giải quyết được coi là phù hợp với yêu cầu và thách thức của thực trạng tranh chấp hiện nay và trong tương lai là giải quyết tranh chấp trực tuyến (online dispute resolution - ODR). Song hiện còn cách hiểu khác nhau về nội hàm của phương thức này. Có quan điểm cho rằng ODR được sinh ra từ việc kết hợp giữa giải quyết tranh chấp lựa chọn (ADR) và công nghệ thông tin mà không cần sự giao tiếp trực tiếp giữa các bên liên quan. Quan điểm khác lại cho rằng ODR là tất cả các phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống (bao gồm cả phương thức tố tụng tòa án) được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin.
Theo các chuyên gia, dù hiểu theo cách nào và phát triển ODR ở cấp độ nào thì các quốc gia áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp mới này đều gặp phải không ít thách thức. Trước hết, thách thức về công nghệ, theo đó để thực hiện giải quyết tranh chấp trực tuyến được thông suốt, lý tưởng nhất là các bên sử dụng cùng một công nghệ, nếu không thì các công nghệ phải tương thích với nhau. Thứ hai là việc các đối tượng tham gia giải quyết tranh chấp chuyển từ giao tiếp trực tiếp sang giao tiếp trực tuyến đặt ra không ít trở ngại về thói quen và tâm lý ứng xử. Thứ ba, thách thức về tính an toàn (an toàn mạng, an toàn về bí mật riêng tư, an toàn về quyền công bằng và bình đẳng). Cuối cùng là thách thức về hàng lang pháp lý. Tất cả thách thức kể trên đều quy về một mối là pháp luật cần phải được sửa đổi, hoàn thiện để đảm bảo việc giải quyết tranh chấp trực tuyến được thực hiện một cách an toàn, hiệu quả, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mỗi bên.
Việt Nam cũng không nằm ngoài ngoại lệ trên. Các yếu tố ảnh hưởng, chi phối đến việc áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến ở nước ta cũng bao gồm yếu tố văn hóa, về tâm lý, thói quen, nhận thức; yếu tố kinh tế (cán cân chi phí - lợi ích); yếu tố khung pháp lý; yếu tố kỹ thuật (công nghệ thông tin; nền tảng giao tiếp/giải quyết tranh chấp (Platform); trí tuệ nhân tạo (AI); dữ liệu lớn (Big Data); công nghệ chuỗi khối (Blockchain)…).
Hoàn thiện đồng bộ pháp luật liên quan
Thời gian tới, cách mạng khoa học kỹ thuật sẽ phát triển nhanh hơn nữa, tác động ngày càng sâu sắc và nhiều chiều tới kinh tế thế giới, đặt ra nhiều vấn đề mới trong phát triển như cạnh tranh công nghệ trở thành mặt trận quyết định, trong đó làm chủ công nghệ mới là nhân tố quyết định; sức mạnh chính trị - kinh tế của các quốc gia phụ thuộc vào năng lực sáng tạo và làm chủ công nghệ mới của quốc gia đó.
Theo Ths. Cao Xuân Phong, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, bất kỳ quy trình giải quyết tranh chấp nào cũng đều phải dựa trên các chứng cứ của tranh chấp. Do đó, yêu cầu đầu tiên đối với việc hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp trực tuyến là hoàn thiện quy định về văn bản điện tử, chữ ký điện tử, chứng cứ điện tử. Muốn vậy cần rà soát, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật liên quan tới giao dịch nói chung, giao dịch điện tử và giải quyết tranh chấp nói riêng như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử và Nghị định 130/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật, Luật Trọng tài Thương mại, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự...
Tuy nhiên, trước thực tế việc liên tục xuất hiện các công nghệ mới cũng như ứng dụng của các công nghệ đó sẽ tiếp tục là xu hướng phát triển trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng: quan trọng nhất là việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phải đảm bảo tính mở tương đối để đạt được tính “trung lập” về công nghệ. Nếu không thực hiện được điều này, việc phải thường xuyên cập nhật, hoàn thiện pháp luật để “chạy theo” công nghệ sẽ là nỗi “ám ảnh” đối với cả các nhà làm luật và những người có trách nhiệm tuân thủ, thi hành pháp luật.
Mặt khác, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của các bên, cụ thể là trách nhiệm đối với an toàn thông tin, trách nhiệm đối với bảo mật dữ liệu, trách nhiệm cẩn trọng trong ứng xử, trách nhiệm trong các tình huống tranh chấp cụ thể. Có các biện pháp tuyên truyền phù hợp để các đối tượng liên quan nói riêng và xã hội nói chung hiểu rõ về phương thức giải quyết tranh chấp mới, từ đó thay đổi nhận thức và hình thành thái độ ứng xử phù hợp trong sử dụng phương thức giao tiếp, trao đổi thông tin khi tham gia giải quyết tranh chấp trực tuyến.