Là ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đầu tiên tham gia chất vấn tại Kỳ họp, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chia sẻ mối quan tâm đối với lĩnh vực công thương thông qua nội dung tranh luận về các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động thương mại điện tử. Đại biểu cho biết, trong nội dung trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đưa ra những giải pháp trọng tâm, song các giải pháp về kỹ thuật công nghệ thì chưa được nhắc tới. Do đó, đã đề nghị, Bộ trưởng cho biết nhóm giải pháp này có được chú trọng và coi là đột phá để tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động thương mại điện tử.
Nội dung tranh luận này đã nhận được sự tán thành rất cao từ phía "tư lệnh ngành" công thương. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Đây là một trong những giải pháp quan trọng; đặc biệt là trong thời đại công nghệ số hiện nay. Đồng thời, cho biết, việc triển khai giải pháp này là trách nhiệm phối hợp của rất nhiều bộ, ngành; nhất là ngành thông tin truyền thông, tài chính, khoa học, công nghệ và đặc biệt, cần có sự vào cuộc của cả doanh nghiệp, người dân.
Tiếp nối không khí sôi nổi của các đại biểu thành viên Đoàn, trong nội dung chất vấn về lĩnh vực kiểm toán, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà đã thẳng thắn đánh giá, còn khá nhiều kiến nghị của kiểm toán chưa được thực hiện, kéo dài qua nhiều năm. Qua đó, đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục?
Trước chất vấn đại biểu, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, tình trạng kiến nghị kiểm toán chậm được thực hiện có các nhóm nguyên nhân: từ đối tượng, đơn vị được kiểm toán; bên thứ ba; bên kiểm toán và một số nguyên nhân khác... Bên cạnh vướng mắc cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn định mức thì vướng nhiều ở khâu tổ chức thực hiện. Ý thức, tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực của người đứng đầu còn yếu, tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, công tác phối hợp giữa các đơn vị còn hạn chế. Về giải pháp khắc phục, Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định, sẽ quyết tâm, quyết liệt nâng cao kết luận kiến nghị kiểm toán, kiến nghị thật đúng, thật trúng để các đơn vị thuận lợi trong triển khai thực hiện. Đồng thời, tăng cường đôn đốc, công khai danh sách các tổ chức cá nhân chưa thực hiện các kết luận kiểm toán trên trang web của Kiểm toán Nhà nước.
Cũng liên quan đến lĩnh vực kiểm toán, ĐBQH Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, đã thẳng thắn chỉ rõ những mặt còn hạn chế trong công tác dự báo tình hình, thống kê tổng hợp đánh giá của cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm xây dựng báo cáo về ngân sách nhà nước và các cơ quan đơn vị liên quan; việc sử dụng ngân sách nhà nước có nơi chưa hiệu quả, còn lãng phí, nguồn lực bố trí cho nhiều nội dung không thực hiện được… Nêu bật thực trạng, đại biểu nhấn mạnh, những bất cập trong công tác lập, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước cần được đưa vào nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 và cần có giải pháp để khắc phục.
Theo dõi 2,5 ngày làm việc sôi nổi của Quốc hội, cử tri Quảng Ninh đánh giá rất cao sự sâu sát thực tiễn và bản lĩnh của các ĐBQH nói chung, Đoàn ĐBQH tỉnh nói riêng khi đã tiếp tục truyền tải được nhiều mối quan tâm của đông đảo cử tri đến nghị trường; thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, sự đồng hành đối với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan trong giải quyết những đòi hỏi từ thực tiễn của cuộc sống đặt ra. Từ những kết quả thu được trong phiên giám sát trực tiếp tại kỳ họp này, cử tri tin tưởng những cam kết mạnh mẽ trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ được hiện thực hóa thành các giải pháp phù hợp, quyết liệt, hiệu quả hơn để đất nước tiếp tục tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.