Trầm hương (Phần 1) <br><i>Truyện ngắn của Nguyễn Trí</i>

>> Trầm hương (Phần cuối)

Tìm trầm, dân chuyên nghiệp gọi lóng là đi “địu”. Địu là gì? Tại sao phải gọi muối là “diêm” và gạo là “mễ’’? Tại sao phải gọi “xuôi” hoặc “ngược” ngàn mà không gọi đi - về? Điều nầy thuộc bí ẩn của rừng xanh núi bạc. Muốn đi địu, tiêu chuẩn đầu tiên là ít nhiều biết võ, nếu không muốn nói là phải giỏi.

 Đã lên rừng - rừng cao - phản xạ không nhanh, tai mắt không tinh tường rất dễ bỏ thây lại cao xanh. Thâm u có nghìn vạn hiểm nguy không lường nổi. Hùm, beo, rắn, rết luôn chực chờ trên lối đi qua. Sự nhanh nhẹn là một tất yếu không thể thiếu, nó giúp ta lên đỉnh cao nhanh hơn. Len lỏi cả ngày trong mịt mùng không chấp nhận sự chậm chạp. Chỉ có người giỏi võ mới đương đầu được với “nghìn thước lên cao, nghìn thước xuống” và “khúc khuỷu dốc thăm thẳm”. Tìm trầm, một bầu trong con số bốn người chỉ đi, đi và đi. Dừng chân trong một điếu thuốc rê quấn kèn là hết. Giỏi võ còn giúp ta chống lại sơn tặc. Rừng cũng như biển, mạnh được yếu thua. Những giang hồ máu lạnh phục dân địu trên đường về lột sạch cả dó kiến, nói chi đến kỳ. Không giỏi võ, đừng có lên đường.

Trầm hương (Phần 1) <br><i>Truyện ngắn của Nguyễn Trí</i> ảnh 1
Minh họa của Thanh Huyền

Tiêu chuẩn kế tiếp, phải là một nghệ nhân trong nghệ thuật cầm rìu. Búa rìu làm gì mà đưa lên hàng nghệ thuật dữ vậy? Xin đừng tưởng vôi - vữa và chàng - đục mới là nghệ thuật. Đừng nhầm búa như rìu. Thiên hạ thuận miệng nói búa rìu nầy nọ, con em cứ thế mà theo. Dân phố xá, có người cả đời chưa biết cái rìu toàn vẹn ra sao. Ai cũng nghĩ công dụng của nó chặt chém là hết phép.

 Để có một cái cối giã gạo, có tai, có họng, muốn có một bộ cây cất nhà phải dùng rìu để đẽo. Người thợ rèn có thể dùng thép bất kỳ để tạo hình búa, nhưng rìu phải được tạo từ thép cực tốt, tôi đi tôi lại cả chục lần, bao nhiêu tạp chất được lửa đốt cháy sạch. Một lưỡi rìu tốt chỉ cần phớt vài đường trên đá mài là cạo râu ngọt hơn dao cạo. Lưỡi rìu dài mười lăm, ngang bốn phân, thợ rèn khoét một rãnh ba phân, dài mười phân và tra vào đó một tay lái. Tay lái phải là một gốc mây song càng già càng tốt. Cán rìu được làm bằng gỗ của cây rỏi, một loại cây vừa dẻo vừa dai, người đóng ghe tàu đi biển dùng nó làm chốt gài mộng thế cho đinh hoặc bù loong thép. Hoàn tất, rìu sẽ giống như cái nỏ của người dân tộc nhưng chỉ có một cánh.

 Muốn cầm được lưỡi rìu phải tập, đâu như búa ai cũng sử dụng được. Lơ mơ không tập, rìu ăn vô chân đứt cả gân là chuyện thường. Chỉ cầm thôi đã khó, nên để đẽo được là một quá trình lâu dài. Một bộ cây từ cột, kèo, xuyên, trính, đòn tay cây nào cũng sáu cạnh đều như nhau mới gọi là nghề... Ủa, làm trầm mắc gì dính đẽo cây vô đây? Xin thưa đi địu chín mươi chín phần trăm về tay không, còn một phần trăm là may mắn. Vì vậy khi “mo trắng” phe ta xuống một vùng miền nào đó. Dân sở tại sẽ thuê những kẻ thất bại giá rẻ lấy cho bộ cây cất nhà. Ta hạ, đẽo, kéo xuống kiếm cái ăn tiếp tục hành trình “ngậm... diêm mễ tìm trầm”.

 Nếu tạt xuống một khu dân cư nào đó mà họ không cần đến tay rìu, bầu địu thì làm sao? Lúc đó anh phải lấy tài sản mang theo để sắm chuyến. Thành viên nào cũng phải có ít nhất năm phân vàng trên ngón tay. Phải có, không có không ai cho theo. Trong ba lô cóc, mỗi người chỉ một tuần lương. Đến ngày thứ sáu chưa tìm ra được hồn linh của sự sống họ phải xuôi để làm lại.

 Sau giỏi võ, đẽo cây và vàng, ai cũng phải biết và phải có một bộ xĩa.

 Xĩa là gì?

 Là đồ nghề trong nghệ thuật nạo trầm. Bộ đồ nầy gồm bốn đến sáu cái. Từ nhỏ tí và mảnh như cái móc, cái báy để làm vệ sinh tai của thợ hớt tóc, đến lớn như cái đục vũm của thợ mộc. Tất cả phải ngọt, ngót và bén khủng khiếp để có thể nạo từng li, từng dem kỳ nam bám vào trong phần thịt của cây dó. Những người đã từng bôn ba theo nghiệp trầm mới có điều kiện để mục sở thị một bộ xĩa. Ai chưa biết khó hình dung lắm. Hãy nhìn một nghệ nhân dùng vôi vữa đắp tượng, họ có nghìn lẻ một loại bay, có cái mỏng mảnh và bé tẹo để tạo hình mi mắt, hoặc nếp nhăn tà áo. Trầm Hương, trong đó có Bạch, Thanh, Hoàng, Hắc kỳ. Gọi chung là Kỳ Nam. Kỳ Nam là nghĩa chi? Xưa lăng lắc giải thích là điều kỳ diệu ở phương nam. Sự kỳ diệu nầy luồn trong thịt của cây dó, tạo muôn hình vạn trạng và mỏng mảnh như sợi chỉ, xỉa và móc phải len vào, bàn tay phải dịu dàng để thánh thần rời nơi phàm tục. Mắt phải tinh để Thanh, Hoàng, Hắc đâu ra đó, vì mỗi loại là một giá trị vật chất khác nhau. Khó vậy sao? Mảnh dẻ vậy sao? Vậy mà nghe có ai đó trúng ký nầy ký nọ, sau một chuyến có khả năng thành triệu phú đô la. Ồ, có chứ, có bầu vô cả đôi chục ký không gì lạ cả. Nhưng - như đã nói - chỉ một phần trăm may mắn. Rất hiếm hoi kẻ ngậm ngải tìm trầm được phước. Nguyên một dải Trường Sơn bầu địu đếm vẫn còn dư ngón tay. Nguy hiểm lắm, gian khổ lắm. Đi địu tức là đi để đối diện sự chết, sống sót được là mạng lớn lắm, có trầm để làm giàu là nhị thập bát tú chuyển thế đầu thai.

 Bạch kỳ?

 Người chuyên sử dụng trầm trong những lễ cúng tầm cỡ quốc gia chưa chắc đã biết. Bạch kỳ, chỉ là một huyền thoại. Có kẻ bôn ba nguyên một dải Trường Sơn qua tận rừng Ăngko rừng Vạn Tượng, đốn ngã hàng trăm cây dó mà nào có biết đến Bạch kỳ. Thanh, Hoàng, Hắc là đại quý rồi.

 Trầm hương được tạo bởi cây dó, loại cây nầy cực nhẹ. Chính xác là nó gần như vô tác dụng, đã nhẹ lại mềm như bún, chả ai dùng nó để làm củi, đốt than, nói chi đến làm nhà. Một lóng cây dó tầm một người ôm, dài một mét, chỉ một tay là đỡ lên nhẹ nhàng, nhưng chính loại cây nầy lại cho ra một sản phẩm cực kỳ quý giá. Sự kỳ lạ nằm ở đó, đi tìm trầm ai cũng ngộ ra, chả có ai là đồ bỏ, chỉ có những kẻ không tìm ra được đường đi của mình, hay bước nhầm vào vũng tối rồi không rút ra được.

 Vậy mà trầm hương lại nặng và đó lại là một kỳ diệu khác mà loài người không thể giải thích. Một loại cây nhẹ tênh khi đóng kỳ lại nặng nhiều lần hơn. Có vào rừng mới biết sự linh thiêng của thâm u. Có làm trầm anh mới biết điều kỳ diệu của tự nhiên.

 Làm sao để nhận ra cây dó, và cây dó nào có trầm? Dó không khó nhận, nó thẳng băng và sừng sững, da loang lổ hai màu xanh xám, vỏ mỏng và thịt trắng như bông bưởi. Ta phải rọc rừng để truy. Có ngày rụng rời cả hai chân mà không ra lấy một cây. Có ngày tìm được nhưng cây không đóng trầm cũng đành chịu. Chiều đến phải ghé vào một con suối, cơm nước xong, lên lưng chừng giăng võng ngủ. Trưởng bầu luôn nằm riêng để nghe chim lịnh kêu.

 - Chim lịnh là chim gì? Mà sao trưởng bầu phải nằm riêng?

 - Không ngủ sát suối vì đêm, muông thú như heo rừng và các loài khác xuống uống nước, nguy hiểm lắm. Chim lịnh là con chim ăn trái dó. Tục truyền rằng loài chim nầy luôn theo ông ba mươi kiếm tí thịt thừa, và làm sạch sâu bọ trên ria của ngài. Có hay không vụ nầy không ai xác định, nhưng ai cũng tin vậy, và chắc chắn nơi nào có tiếng boong - boong - boong - khỏi - khỏi -khỏi là có cây dó. Trưởng bầu phải nằm riêng để nghe và định hướng tiếng kêu. Cái quan trọng của thủ lĩnh là ở đó. Sau một ngày băng rừng lội suối, cơm nước và đôi chén rượu là các thành viên ngủ khoèo, riêng trưởng bầu phải tỉnh theo từng tiếng động...

 - Có rượu à?

 - Có chứ, trong ba lô của mỗi người đều có bình tông rượu một lít bảy mươi độ cồn, rượu nếp nguyên chất. Một nắp bình hòa một chén nước suối, hiểu không?

 - Hiểu. Sau đó thì sao?

 - Cứ theo trưởng bầu mà tiến. Rừng sâu đâu có đường. Bạn phải rọc rừng bằng rựa ngọn. Định hướng và cắt cho nhanh không ai qua nổi dân trầm, đặc biệt nhất là trưởng bầu. Gặp cây dó có đóng kỳ rồi...

 - Làm sao biết cây dó có đóng kỳ?

 - Bằng mắt thường ta sẽ thấy có kiến dó xuôi ngược trên cây...

 - Kiến dó?

 - Vâng, là loại kiến đen, nhỏ xíu, chân lêu khêu ta vẫn thường thấy trong nhà. Cây nào có loại kiến nầy chắc chắn có trầm. Nhiều ít khi cây nằm xuống mới biết được.

 - Vì sao có cây có, có cây không?

 - Dân địu có câu thành ngữ rằng “có đau thương dó mới hóa thành trầm”. Cây dó đóng trầm là những cây bị gió bão làm cho bị thương. Tự trong thân sẽ phát tiết ra một hoạt chất để làm lành vết thương. Chất đề kháng đó tạo ra sự kỳ diệu... và cũng đóng đầy may rủi. Cây ngã xuống, khấn trăm thần rừng, ngàn thần suối, triệu bà bảy, ông ba, chỉ kiếm được vài ký dó kiến để làm nhang.

 - Dó kiến?

 - Là loại cuối cùng, giá trị bèo bọt nhất. Nghĩa là kỳ chỉ mới đóng, chỗ bị thương mới phớt một ít tinh dầu, ta gọt lớp tinh dầu đó bán cho dân làm nhang, vậy thôi.

 - Chán nhỉ?

 - Ừ, nản lắm, nhưng khi đến chỗ tập trung của Tào Kê thì niềm hy vọng sống lại?

 - Tào Kê?

 - Là một loại đầu nậu trong thu mua trầm kỳ. Họ đóng chốt rải rác dưới chân Trường Sơn từ Nghệ Tĩnh vào tận Phú Khánh. Hầu hết là người Hoa vùng Chợ Lớn Sài Gòn. Họ là những đại sư trong việc phân chia và đánh giá từng loại kỳ. Lại nắm tay nhau như anh em một nhà để khống chế giá cả. Từ trên ngàn xuống, có hay không đều phải gặp họ. Tào Kê siêu đẳng lắm, bằng mắt thường, phớt qua họ đã định được hàng hóa bao nhiêu trọng lượng đến hàng li, không cần cân kéo. Giá trị của trầm kỳ, hơn cả vàng, nó là kim cương, là hồng ngọc.

 - Khủng vậy sao? Chỉ là hương thơm thì không hẳn vậy?

 - Tất nhiên, nếu là hương thơm làm sao qua nổi hoa hồng Bungary. Công dụng của Kỳ nam nằm ở chỗ khác, chắc chắn nó được dùng để chế biến dược liệu, một thành phần trong loại thuốc quý nào đó mà phe ta không biết. Ta chỉ biết đến đau bụng, tháo dạ là hết phép. Kỳ nam cực hay. Tháo dạ chỉ vài giọt rượu ngâm hắc kỳ tức khắc ngừng lại. Cảm, trúng gió dùng rượu đó để đánh gió thì sảng khoái vô song.

 - Nghe nói Kỳ nam tinh chất đốt lên, hương của nó kích thích như sử dụng ma túy, có không?

 - Xạo. Làm gì có chuyện đó. Kỳ nam đắt hơn ma túy, hiếm hoi như hồng ngọc, mấy ai trên thế giới nầy tận hưởng được hương thơm của nó. Đức Giáo hoàng, Giáo chủ Hồi giáo và các Đại Sư chưa chắc hưởng được mùi hương nguyên thủy, ngoại trừ dân địu. Nó chỉ thơm và cũng có hơi sảng khoái một tí nhưng không hề gây nghiện.

 - Anh bảo gặp Tào Kê thì niềm hy vọng sống lại là sao?

 - Nơi nào có họ, nơi đó có dân trầm kỳ. Có kẻ “mo” nhưng cũng có bầu trúng. Có bầu sau một chuyến chia nhau người vài cây vàng. Kẻ thất bại luôn nghĩ rồi sẽ đến phiên mình... kẻ trúng sẵn sàng ra tay giúp đỡ anh em vài đồng sắm chuyến khác. Nhưng hy vọng và thất vọng luôn đi bên nhau

 - Là sao?

 - Dân địu là bụi đời chính thống. Họ gái gú, nhậu nhẹt, bài bạc... Tứ đổ tường không từ một món nào. Luôn luôn có những sòng bạc sát phạt nhau ở nơi thu mua trầm. Kẻ ăn bạc về thăm phố, kẻ thua lại tiếp tục hành trình. Có cả bi kịch xẩy ra. Bi lắm, không đùa đâu?

 - Kể thử một bi kịch nghe chơi.

 - Đơn giản thôi, thằng gian lận bị thằng thua phạt một lưỡi rìu. Hãy tưởng tượng sức mạnh của một tay băng rừng lội suối, và lưỡi rìu xuyên suốt từ bụng qua lưng. Dưới chân núi, xa lộ lớn hàng chục cây số. Kẻ thủ ác chạy ngược lên rừng, người bị nạn đành chấp nhận chết và bằng hữu sẽ vùi thây kẻ xấu số lại tại đó...

 - Trời ơi! Rồi bầu địu đó nói với gia đình kẻ tử nạn làm sao?

 - Bị tai nạn, qua thác, qua ghềnh sẩy chân rớt xuống vực. Rắn cắn, heo rừng húc... Đành gửi xác lại cao xanh. Vậy thôi. Đã nói nghề đi địu là đi tìm sự chết...

***

 Ba Thùy, Dũng Đen, Phi Long và Ngọc chung một bầu địu.

 Họ dư tiêu chuẩn để vượt núi băng ngàn. Trong mắt họ, không gian toàn hình chữ V ai đã từng lội núi băng non, trong đôi mắt toàn chữ V đứng ngược. Võ nghệ cao cường. Rừng, với họ là hơi thở. Cả bốn chung một tham vọng làm giàu, và cùng chung thất nghiệp. Trừ bán sức có nghề nào đâu mà thất với chả bát.

 Ba Thùy, Dũng Đen và Ngọc độc thân nên vui tính, sống kèm câu xả láng sáng về sớm. Riêng Phi Long một vợ bốn con. Long là giang hồ thứ thiệt. Gặp Ngọc trong một sòng bạc ở Pleiku, chơi tiến lên Long lột sạch. Giang hồ Pleiku đâu phải tay mơ, Long ăn nhưng không ra được khỏi sòng. Ngọc vung tay đả bại bọn ăn vùa thua giật, xong, cả hai chạy một hơi về duyên hải. Ngọc dẫn Long lên một miền kinh tế mới. Mai. Tên cô gái mới lớn nghe cái miệng dẻo quẹo, và nét hào hoa cờ bạc ngã vào tay Long. Chín tháng sau cô cho ra đời hai hài nhi, lần thứ hai cũng sinh đôi, tổng một lốc bốn con vịt trời. Long giao tất cả cho bên vợ, mặc kệ anh vợ chửi rầm trời đất. Hoàn cảnh nầy chỉ có trầm hương, vàng và đá quý mới có cơ may đứng được với đời, thôi thì đành chấp nhận nghe chửi bới. Tài sản ở dưới đất và trên rừng. Cứ tìm, một ngày nào đó ta sẽ gặp nhau.

 Mỗi chuyến đi của họ ít nhất là ba tháng, mỗi lần về tay trắng là chắc. Họ phiêu lưu vì tư tưởng phiêu lưu, sống vô bến bờ nên gia đình cầm bằng như bỏ. Về đến nhà là bị xem như gánh nặng. Thời khó khăn ai cũng lao vào kiếm sống, còn mình cứ rừng mà du lịch là sao? Bồ già chửi: “Đồ ích kỷ, đồ khốn kiếp…” Mẹ già? Lúc đầu cũng thương lắm, khuyên riết cũng mặc kệ mày luôn. Còn Phi Long? Ngoại trừ vợ thở dài, con khóc, chao ôi, bốn cái loa nó khóc. Còn thêm ông anh vợ đù tất tần tật từ dưới đất lên đến tận trời.

 Trời ơi! Đâu có ai hiểu cho băng ngàn lội suối nó cực khổ thế nào? Ai mà muốn cuộn mình giữa rừng sâu? Sướng ích gì đêm nằm nghe tiếng suối chảy, cọp gầm, vượn hú. Ma trơi thét lanh lảnh cả tràng. Có đêm ông ba mươi gầm gần quá phải bỏ võng trèo lên cây, kiếm cái chạc ba mà gục đầu mong trời mau sáng… Chưa hết. Có lần hết lương ăn bộ tứ bò xuống bị công an hốt về đồn vì tóc tai và râu ria, quần jean Mỹ áo pull không khác bọn phản động. Lôi cổ về, vỗ bàn: “Bọn mày ở đâu? Thủ lĩnh là ai? Khai ra. Trước đi lính ở đơn vị nào?” Không có vẫn bị nhốt lại. Tống ra tiệm hớt tóc. Công an dùng kéo xắt từ ót lên tận đỉnh đầu, chỉ còn nước cạo trọc. Rồi di lý về địa phương, gia đình lên bảo lãnh… thề không đi nữa… nhưng vẫn cứ lên đường.

 Sao quyến rũ thế? Ừ, quyến rũ lắm… Có mới đi chứ, không có ai mà đi… Và hiểu biết nhiều lắm… Nè, cái nghề đãi vàng bắt đầu từ dân địu đó nghe. Đi ngang một con suối, một dòng sông thấy các cô gái Lào ngâm mình, tay thoăn thoắt chao, đãi cái mâm gỗ. Dừng chân đứng xem chơi. À à… Có vàng nè, một chấm thôi, nhưng đích thị là vàng. Nói cho biết luôn, người dân tộc dùng mâm gỗ đãi vàng, trước khi người Kinh làm ra mâm sắt nắp thùng phuy.

 Có đá quý nữa đó. Đang đi bỗng hiện ra những hầm là hầm. – Ủa, làm gì đây mấy anh? – Đãi đá – Đá gì? – Đá quý. Bộ mấy anh không biết hả? – Có hông cho xem với? Vài viên đá đủ sắc màu từ trong lọ trút ra. Đỏ, xanh, trắng, trắng đục, vàng chanh…

- Viên vàng chanh nầy chừng năm ngàn.

- Năm ngàn mà cũng đãi sao?

- Năm ngàn đô đó cha nội.

 Trời, xứ sở mình giàu thiệt chớ chơi sao? Vàng, trầm hương, đá quý. Vậy mà mình nghèo là sao? Nhớ nghe, lớp đất như vậy là khả năng có vàng rất cao, còn đất như vầy là phải có đá quý. Để ý cho kỹ vào, rồi có một ngày phe ta sẽ gác rìu ôm mâm. Còn bây giờ ta rong ruổi.

(Số sau đăng hết)

Văn nghệ

Tự hào một dải non sông
Văn hóa - Thể thao

Tự hào một dải non sông

Những ấn phẩm ngợi ca vẻ đẹp quê hương đất nước, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng là điểm nhấn trong loạt ấn phẩm của nhà xuất bản Kim Đồng chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư, 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tạo không gian mở phát triển văn học
Văn hóa - Thể thao

Tạo không gian mở phát triển văn học

Văn học chưa có khung pháp lý thống nhất và chi tiết để định hướng, cụ thể hóa chính sách cho tác giả, tác phẩm, hoạt động trong lĩnh vực này. Việc xây dựng, ban hành nghị định về khuyến khích phát triển văn học vừa đáp ứng nhu cầu cấp thiết, vừa mang ý nghĩa quan trọng.

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng
Văn nghệ

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng

Tối mai, 12.12, tại Nhà hát Hồ Gươm sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Giai điệu tri ân” do Agribank tổ chức. Sự kiện là lời cảm ơn sâu sắc từ Agribank gửi đến những khách hàng, đối tác và cộng đồng - những người đã đồng hành, sẻ chia và cùng kiến tạo những giá trị bền vững trong suốt hành trình phát triển.

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G
Văn hóa - Thể thao

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP. Hồ Chí Minh chiều hôm nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.

Để điện ảnh Việt cất cánh
Văn hóa - Thể thao

Để điện ảnh Việt cất cánh

Để điện ảnh Việt Nam thực sự cất cánh và hội nhập thế giới, cần có một chiến lược toàn diện và đồng bộ; giải pháp không chỉ giúp nâng cao chất lượng phim mà còn phải thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này.

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc
Văn hóa - Thể thao

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc

Dù đã có cải thiện, nhưng vi phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải. Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), NSƯT, nhạc sĩ ĐINH TRUNG CẨN, để giải quyết vấn nạn này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng
Văn nghệ

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng

Ngày 3.10, tại không gian nghệ thuật 34 Châu Long, Hà Nội đã diễn ra mạn đàm văn chương có chủ đề về văn hóa, tinh hoa trong văn thơ xưa và nay, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học; được chủ trì bởi nhà sưu tập Thúy Anh - người khởi xướng nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đậm đà tính nhân văn và hướng tới cộng đồng.

Trong bão lũ
Văn hóa - Thể thao

Trong bão lũ

Bài thơ "Trong bão lũ" của tác giả Đặng Quốc Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, là tiếng lòng đầy xót xa trước cảnh thiên tai khắc nghiệt do bão Yagi gây ra. Với ngôn từ sâu sắc, tác giả khắc họa nỗi đau mất mát của người dân và tinh thần đoàn kết, sẻ chia của đồng bào cả nước, tạo nên niềm tin vào sự hồi sinh và vững bền của quê hương Việt Nam.