UBND TP. Hồ Chí Minh giao các đơn vị khẩn trương thực hiện kiểm tra chặt chẽ tiến độ triển khai, phối hợp với các địa phương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để tạm ứng và giải ngân vốn của các dự án theo hướng dẫn và quy định pháp luật, đảm bảo hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của đơn vị đã cam kết.
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm rà soát, đánh giá năng lực, uy tín của các nhà thầu đang triển khai dự án; đánh giá khối lượng thi công thực tế, khối lượng vật tư, thiết bị đã mua sắm, các cam kết bảo lãnh hợp đồng và các biện pháp ràng buộc để xem xét, quyết định tăng tỷ lệ tạm ứng thanh toán đảm bảo chặt chẽ, theo quy định.
UBND Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp chặt chẽ với các địa phương và chủ đầu tư dự án để hướng dẫn và tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền; báo cáo và phối hợp với Văn phòng UBND Thành phố đề xuất giải quyết đối với các vướng mắc vượt thẩm quyền.
Giao Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, Quận 12, quận Tân Bình, huyện Nhà Bè và Cần Giờ khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của các dự án trên địa bàn; chỉ đạo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng của địa phương phối hợp với các Chủ đầu tư dự án hoàn thiện các hồ sơ thủ tục và các văn bản cam kết theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường và Kho bạc Nhà nước Thành phố trước ngày 31.12.2023 để giải ngân vốn bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định.
Cụ thể, TP Thủ Đức là các dự án xây dựng đường kết nối từ đường Long Phước vào trường Đại học Luật Thành phố; nút giao thông An Phú; bồi thường giải phóng mặt bằng Khu Công nghệ cao.
Quận Tân Bình là dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa; mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa.
Quận 12 là dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Huyện Nhà Bè là dự án nạo vét chỉnh trị tuyến rạch Bà Chiêm - Bà Chùa - Lấp Dầu.
Huyện Cần Giờ là các dự án kè ven sông Nhà Bè, di dời bố trí dân cư phòng tránh thiên tai xã Thạnh An, hệ thống đê sông Hà Thanh, nâng cấp hệ thống thủy lợi khu vực Mốc Keo.
Đối với việc triển khai kế hoạch đầu tư công 2024, UBND Thành phố giao Sở KH-ĐT khẩn trương trình UBND Thành phố phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm.
UBND Thành phố đề nghị Các Cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết của từng dự án theo số kế hoạch dự kiến sau rà soát và cam kết giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 đạt 95% trở lên. Sau khi kết thúc năm ngân sách 2023, Sở KH-ĐT triển khai ngay việc rà soát tiến độ giải ngân, các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch năm 2024, đề xuất các dự án có thể đẩy nhanh tiến độ, có khả năng hấp thu thêm vốn.
UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chịu trách nhiệm hoàn thành bàn giao 70% mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 30.4.2024 đối với các dự án đã hoàn thành thủ tục chi trả bồi thường cho người dân trong năm 2023.
Về thực hiện thủ tục đầu tư các dự án được xác định giải ngân trong kế hoạch đầu tư công năm 2024, UBND Thành phố đề nghị các Sở ngành, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư dự án hoàn tất các thủ tục đầu tư liên quan, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án.
Cụ thể, đối với các dự án không phải thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng: tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu thi công, đảm bảo khởi công dự án trong Quý I năm 2024. Đối với các dự án có thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng: hoàn tất các thủ tục về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo có thể giải ngân số vốn bố trí cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong quý II năm 2024.
Năm 2023, tổng số vốn đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh là 68.634 tỷ đồng. Tính đến ngày 15.12.2023, số vốn giải ngân của Thành phố đạt 36.465 tỷ đồng. Qua rà soát cụ thể từng cơ quan, đơn vị, Sở KH-ĐT dự kiến kết quả giải ngân cuối năm của thành phố có thể đạt trên 48.500 tỷ đồng.