Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng 18 lần sau 5 năm
Năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2% đến nay đã tăng 18 lần lên khoảng 3,6%. Đây là sản phẩm chưa được cấp phép sử dụng tại Việt Nam nhưng tỷ lệ sử dụng chung đã tăng lên 18 lần. Trong đó, nam giới tăng 14 lần, nữ giới tăng 10 lần (0,1% năm 2015, đến nay chiếm 1%).
Các sản phẩm thuốc lá mới được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay và người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới trên internet, các trang mạng xã hội… Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều có hại cho sức khỏe của cả người hút và người xung quanh tương tự như thuốc lá thông thường. Các sản phẩm thuốc lá mới có chứa nicotine là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư.
Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol và trên 15.500 loại hương liệu có nhiều chất độc (do đó rất khó ngăn được nguy cơ các đối tượng sẽ trà trộn ma túy tổng hợp vào trong thuốc lá điện tử). Propylene glycol có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên.
Gây ra các bệnh cấp tính
Ths. Bs Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, “mong muốn ban đầu của các nhà sản xuất là tạo ra nicotin tinh khiết, tuy nhiên để tạo ra được nicotin tinh khiết thì chi phí rất cao, dẫn tới tính cạnh tranh kém. Các dung môi để pha chế nicotin thường bị ô nhiễm, ví dụ như chất propylene glycol, dễ ô nhiễm vào glycerin để pha dung môi. Chúng ta thấy thuốc ho gây thiệt mạng hơn 100 trẻ nhỏ tại Zambia và Indonesia đều bị ô nhiễm bởi chất propylene glycol. Chất này gây suy thận và nó là thành phần chủ yếu trong thuốc lá điện tử”.
Theo ông Lâm, khi xét nghiệm khói các sản phẩm thuốc lá mới, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các chuyên gia cũng tìm thấy những chất độc rất giống với thuốc lá thông thường. Có thể kể đến như Formaldehyde, Carbon monoxide (khí CO) là các chất gây ung thư dễ nhận biết, bên cạnh đó là các kim loại nặng.
WHO kết luận rằng, mong muốn ban đầu là có một sản phẩm thay thế ít độc hại, giúp cai thuốc lá, nhưng cả hai điều này đều không chứng minh được và thất bại. Với thuốc lá thông thường, tiếp xúc trong thời gian lâu sẽ xuất hiện các bệnh mãn tính. Còn với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, sẽ gây tác động về sức khỏe một cách rất nhanh, gây các bệnh cấp tính, nguy hiểm nhất là hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử gây ra.
Số liệu từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cho thấy, từ tháng 12.2019 đến 12.2020 đơn vị này đã tiếp nhận 2800 ca nhập viện vì viêm phổi cấp do sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó có 68 ca tử vong. Điều này cho thấy sự nguy hiểm của thuốc lá điện tử bởi rất nhiều hoá chất độc hại.
Cũng theo Ths. Bs Nguyễn Tuấn Lâm, thuốc lá điện tử thậm chí còn gây suy tim. Các nhà nghiên cứu đánh giá, phản ứng tự miễn của cơ thể, khi tiếp cận với các hoá chất độc hại từ thuốc lá mới tạo ra phản ứng chống lại và nó làm tổn thương các tế bào của tim, phổi, não và đại tràng... Tác hại ngắn hạn khác là nguy cơ cháy nổ. Theo thống kê của các tổ chức nước ngoài, tại Mỹ năm 2015-2017 đã có 2.300 ca phải cấp cứu vì chấn thương do nổ pin thuốc lá điện tử, 1 trường hợp tử vong, 1 trường hợp vỡ hàm phải phẫu thuật chấn thương chỉnh hình.
Một tác hại nguy hiểm nữa tới giới trẻ đó là tác hại của nicotine tới việc hình thành xinap thần kinh trong não. Với những em bé ở trong bụng mẹ khi tiếp xúc với nicotine trong khói thuốc sẽ tăng 3 nguy cơ tai điếc giảm thính lực sau khi sinh; tai biến đột tử; nguy cơ béo phì.
Với trẻ vị thành niên khi tiếp xúc sớm với nicotine sẽ ảnh hưởng tới phát triển trí não, giảm tập trung, suy giảm khả năng nhận thức, suy giảm trí nhớ, kiểm soát cảm xúc kém hơn... Ngoài ra khi đã nghiện nicotine còn tăng nguy cơ nghiện những thứ khác như rượu, thuốc lá..., ông Nguyễn Tuấn Lâm thông tin thêm.