
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ ra thực trạng khó khăn của ngành lúa gạo, trong đó nông dân phải đối mặt với tình trạng không ổn định về giá và sản lượng, đang gặp nhiều khó khăn do giá lúa gạo giảm, trong khi vẫn phải chịu nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, thời tiết.
Trước những khó khăn vừa nêu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần có đánh giá rõ ràng, từ đó đưa ra những giải pháp bằng chính sách, công cụ thực tế… Để khi thị trường lúa gạo có vấn đề, Chính phủ, ngành nông nghiệp có những phản ứng phù hợp, bảo vệ quyền lợi của nông dân, để họ không rời khỏi mảnh ruộng của mình. Đây cũng yếu tố góp phần phát triển ngành lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho rằng, thời gian qua Đảng, Nhà nước làm rất nhiều việc nên ngành lúa gạo Việt Nam luôn đứng hàng đầu thế giới. Và hiện nay, chất lượng hạt gạo Việt Nam không thua kém nước nào; gạo Việt có đặc điểm riêng và có thị trường riêng; do đó, không phải lo nước này, nước khác xả kho ảnh hưởng đến gạo Việt.

Theo ông Bình, để giải bài toán “được mùa mất giá” cho nông dân và cho ngành nông nghiệp, cần triển khai nhanh, rộng đề án 1 triệu hecta tại khu vực ĐBSCL. Vụ lúa chất lượng, dồi dào nhất là vụ đông Xuân, vì thế khi dự án sớm triển khai, chỉ cần các doanh nghiệp có kho chứa lượng lúa mùa đông Xuân là giải được bài toán căn cơ, không cần chính sách thu mua tạm trữ như bao năm qua.
Đại diện Hiệp hội lương thực Việt Nam cho rằng, giá lúa năm 2025 so với năm 2024 giảm hơn 2.000 đồng/kg, nguyên nhân do xu hướng thế giới thay đổi, một số nước thay đổi chính sách nhập khẩu, ngoài ra, một số doanh nghiệp nhỏ trong nước do có những khó khăn riêng, chào bán giá gạo thấp… Từ đó ảnh hưởng đến giá gạo giảm như hiện nay.
Để giúp ngành lúa gạo phát triển ổn định, bền vững, đại diện đơn vị này còn kiến nghị ngành ngân hàng xem xét lại hạn mức, thời gian cho vay dài hơn để các doanh nghiệp lớn có kế hoạch dài hạn trong việc thu mua lúa tạm trữ phù hợp và kịp thời cho nông dân.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho biết, diện tích gieo cấy lúa năm 2025 trên cả nước dự kiến đạt 7 triệu ha, giảm 132.000 ha so với năm 2024. Riêng khu vực ĐBSCL diện tích gieo cấy ước tính 3,793 triệu ha, sản lượng đạt khoảng 24 triệu tấn.
Trong đó, vụ Đông Xuân 2024-2025 đang bước vào giai đoạn thu hoạch chính với tổng diện tích thu hoạch dự kiến khoảng 1,5 triệu ha, sản lượng ước đạt 10,77 triệu tấn. Đến cuối tháng 2.2025, toàn vùng đã thu hoạch 605.000ha, sản lượng đạt gần 4,2 triệu tấn; diện tích còn lại khoảng 900.000ha, sản lượng ước đạt 6,6 triệu tấn.
Dù diện tích sản xuất có xu hướng giảm, song nhờ ứng dụng giống chất lượng cao và kỹ thuật canh tác tiên tiến, năng suất lúa được duy trì ổn định, bảo đảm tổng sản lượng không biến động quá lớn.
Cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành toàn diện

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, lúa gạo Việt Nam đã có thương hiệu, giá trị, phân khúc và thị trường riêng, chúng ta không bị ảnh hưởng, điều này chứng tỏ Việt Nam đã xây dựng được chính sách cho ngành lúa gạo.
Để nâng cao năng lực quản lý và điều tiết thị trường, Phó Thủ tướng đề xuất xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành toàn diện. Hệ thống này sẽ tích hợp thông tin từ nhiều khâu: sản xuất, khoa học công nghệ, chế biến, bảo quản, thị trường và dự báo. Mục tiêu là cung cấp thông tin kịp thời và chính xác cho các bên liên quan, từ nông dân đến doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Về mặt quản lý xuất khẩu, Phó Thủ tướng đề nghị sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP với những điều chỉnh quan trọng. Các doanh nghiệp muốn được cấp phép xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt, bao gồm năng lực liên kết sản xuất, hệ thống kho bãi và năng lực tài chính. Đây được coi là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của hoạt động xuất khẩu lúa gạo.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Ngân hàng nhà nước xem xét áp dụng chính sách cho vay ưu đãi tương tự như chính sách vay mua nhà xã hội. Đồng thời, ông kiến nghị miễn thuế thu nhập cho lĩnh vực nông nghiệp trong 2 năm, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển.
Vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu gạo Việt Nam, Phó Thủ tướng đặc biệt quan tâm. Ông yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ xây dựng chiến lược ngăn chặn việc các nước khác sử dụng trái phép nhãn hiệu gạo Việt Nam. Mục tiêu là xác lập vị thế và bảo vệ uy tín của gạo Việt trên thị trường quốc tế.

Phó Thủ tướng đề xuất có thể điều chỉnh từ 3 vụ xuống còn 1 hoặc 2 vụ để nâng cao chất lượng sản xuất. Bên cạnh đó, cần quy hoạch lại vùng sản xuất là một giải pháp quan trọng.
Đối với công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng cập nhật dự báo dài hạn về hạn hán, xây dựng các giải pháp chủ động ứng phó, đặc biệt là trong việc quản lý thời vụ và lựa chọn giống cây trồng phù hợp.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, các bộ, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ cụ thể để triển khai các giải pháp đã được thảo luận, với mục tiêu là ổn định sản xuất, bảo vệ lợi ích của người nông dân, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam. Vì đây là lĩnh vực có thể cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế, nhờ lợi thế về điều kiện tự nhiên, ứng dụng khoa học công nghệ và yếu tố con người.