Đủ nghiêm khắc và bảo đảm nhân văn
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên được xây dựng nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm bằng áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội.
Cùng với đó, xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi hiệu quả, chuyên nghiệp, đơn giản, phù hợp với người chưa thành niên…
Dự thảo Luật gồm 5 phần, 11 chương, 166 điều, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Dự thảo Luật quy định 16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên trong tư pháp hình sự, như: bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; xử lý chuyên biệt; bảo đảm giữ bí mật cá nhân... Dự thảo Luật cũng mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trên cơ sở kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự và quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để bảo đảm trật tự xã hội, an toàn cho cộng đồng.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên và đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ của Tòa án nhân dân tối cao. Dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em; cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan và tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, với tính chất là một đạo luật chuyên biệt, dự thảo Luật quy định khá nhiều chính sách đổi mới về tư pháp người chưa thành niên. Điều này sẽ dẫn tới việc phải sửa đổi, bổ sung một số luật như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự… Nêu vấn đề này, Ủy ban Tư pháp đề nghị, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục rà soát đầy đủ, đề xuất sửa đổi các quy định có liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, bổ sung đánh giá tác động đầy đủ hơn đối với một số chính sách mới, phát sinh điều kiện bảo đảm thực hiện.
Cơ quan nào có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng?
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật như Tòa án nhân dân tối cao đã trình, chỉ điều chỉnh lĩnh vực hình sự, không điều chỉnh lĩnh vực dân sự, hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, dự thảo Luật cần điều chỉnh đồng bộ cả các biện pháp xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên, thiết kế các chính sách xử lý theo cách tiếp cận chuyên biệt, toàn diện, đầy đủ, thống nhất và đáp ứng yêu cầu bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên.
Dự thảo Luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng và làm rõ nội hàm của từng biện pháp để tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn, áp dụng biện pháp phù hợp nhất với từng đối tượng người chưa thành niên. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nếu dự thảo Luật chỉ điều chỉnh vấn đề xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, không điều chỉnh hai vấn đề cốt lõi về hình phạt và thủ tục tố tụng thì cũng không thể gọi đây là Luật Tư pháp người chưa thành niên, mà sẽ trở thành Luật Xử lý chuyển hướng, sẽ không phù hợp với phạm vi đã trình Quốc hội quyết định khi đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
"Trong tài liệu được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cung cấp cũng cho thấy, pháp luật của các nước đều điều chỉnh toàn diện và đồng bộ đối với xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng với người chưa thành niên phạm tội. Hơn nữa, về bản chất, các biện pháp xử lý chuyển hướng là các biện pháp thay thế hình phạt, nên nếu không sửa đồng thời các hình phạt liên quan thì sẽ khập khiễng, mâu thuẫn và không đáp ứng được mục đích ban hành luật", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.
Dự thảo Luật đã chuyển biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ biện pháp tư pháp giáo dục thành biện pháp xử lý chuyển hướng. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, quy định như vậy là khác với quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, biện pháp xử lý chuyển hướng cần tập trung vào việc phục hồi cho người chưa thành niên, khắc phục các thiệt hại và không liên quan đến bất cứ hình thức tước quyền tự do nào đối với người chưa thành niên. Do vậy, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị, cơ quan trình cần đánh giá, làm rõ việc chuyển biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng mà không phải là biện pháp tư pháp giáo dục như đã quy định tại Bộ Luật Hình sự.
Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, theo Tờ trình dự án Luật, do đây là vấn đề mới nên Tòa án nhân dân tối cao trình hai phương án gồm: Một là, giao cho cả 3 cơ quan (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) đều có thẩm quyền xem xét, áp dụng các biện pháp này; Hai là, chỉ giao cho Tòa án xem xét, quyết định.
Đồng tình với loại ý kiến thứ hai nhằm tránh nguy cơ bỏ lọt tội phạm và tránh lạm dụng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, việc giao cho Tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp này sẽ buộc phải cân nhắc xem xét kỹ lưỡng, cũng như thực hiện đầy đủ các thủ tục tố tụng của Tòa án trên cơ sở phiên họp công khai do Tòa án tổ chức với sự tham gia của người chưa thành niên phạm tội và đại diện các cơ quan tổ chức có liên quan giúp cho người chưa thành niên nhận thức rõ hành vi vi phạm của mình.
Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên; đánh giá cao Tòa án nhân dân tối cao trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật đầy đủ, chi tiết, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đã nêu chi tiết, đầy đủ, đề cập toàn diện các nội dung và đưa ra nhiều vấn đề gợi ý để tiếp tục thảo luận, hoàn thiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội, trong đó, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn đối với một số chính sách mới, báo cáo chi tiết hơn các căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để tạo sự đồng thuận của Quốc hội. Tòa án nhân dân tối cao cần hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật và gửi trước Kỳ họp 20 ngày để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu. Ủy ban Tư pháp hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra trên cơ sở dự thảo mới của Tòa án nhân dân tối cao để báo cáo đại biểu Quốc hội.