Hậu quả khôn lường…
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 11% thuốc chữa bệnh tại các quốc gia đang phát triển là thuốc giả và có thể là nguyên nhân mỗi năm gây tử vong cho hàng chục nghìn trẻ em mắc các chứng bệnh như sốt rét hay sưng phổi. Theo đó, qua 100 cuộc nghiên cứu liên quan đến 48.000 loại thuốc chữa bệnh, các chuyên gia kết luận, trong số các loại thuốc giả, thuốc chữa trị sốt rét và nhiễm trùng chiếm gần 65%. Riêng tại Việt Nam, tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng trong thời gian gần đây khiến khá nhiều người băn khoăn, lo lắng.
Thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho hay, trong năm 2021, hệ thống kiểm nghiệm toàn quốc đã kiểm tra chất lượng trên 500 hoạt chất tân dược và 300 vị dược liệu; phát hiện 338 mẫu không đạt chất lượng. Về chất lượng thuốc, có 118/28.659 mẫu thuốc trong nước không đạt tiêu chuẩn chất lượng (chiếm 0,41%) và tỷ lệ này ở thuốc nhập khẩu là 26/3.042 thuốc nước ngoài (chiếm 0,86%). Bên cạnh đó, qua kiểm nghiệm, đã phát hiện 20 mẫu thuốc nghi ngờ là thuốc giả, tăng 11 mẫu so với cùng kỳ năm trước.
Gần một tuần cấp cứu và điều trị do dùng phải thuốc kém chất lượng, anh Đặng Văn Tuấn (Yên Mỹ, Hưng Yên) mệt mỏi chia sẻ, “Tôi bị viêm phế quản cấp, sau khi đi khám được bác sĩ kê đơn cho thuốc kháng sinh Amoxilin. Tôi đã đi mua thuốc tại một hiệu thuốc khá lớn ở thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên). Sau khi uống thuốc, tôi bị dị ứng và khó thở, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ cho biết là tôi đã uống phải thuốc không bảo đảm chất lượng, có độc tố nên đã bị phản ứng thuốc…”.

Trong khi đó, bà Đinh Thị Nga (Nghệ An) không kiềm chế được bức xúc, “Cháu tôi suýt chết vì uống phải thuốc giả. Cháu bị cảm cúm thường thôi mà khi mua thuốc về cho uống thì thằng bé nôn trớ, đau bụng quằn quại, phải đưa đi cấp cứu. Bác sĩ cấp cứu ở bệnh viện cho biết là do uống phải thuốc không bảo đảm chất lượng nên cháu đã bị tổn thương dạ dày”.
Mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trên thị trường dược phẩm nhưng mỗi năm ở Việt Nam vẫn có tới hàng chục lô thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị phát hiện và đình chỉ lưu hành. Trong đó, có không ít loại thuốc kháng sinh và đặc trị bị làm giả tinh vi.
Bác sĩ Cao Thị Hằng, Bệnh viện Đa khoa TTH (Hà Tĩnh) cho biết, hiện nay thuốc giả, thuốc kém chất lượng có rất nhiều trên thị trường. Mặc dù, số trường hợp ngộ độc, dị ứng thuốc do dùng phải thuốc kém chất lượng không phải quá phổ biến nhưng khi người bệnh uống phải thì cơ thể có thể gặp tình trạng dị ứng, phản ứng thuốc như: buồn nôn, nôn, tiêu chảy… đây là các biểu hiện của tác dụng phụ phổ biến. Các thành phần phụ gia trong thuốc có thể gây triệu chứng phản vệ bao gồm suy giảm chức năng tim, hạ huyết áp, khó thở, tím tái hay nặng hơn có thể gây suy đa tạng thậm chí có thể sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Điều đáng nói, thuốc giả, kém chất lượng rất đa dạng chủng loại từ kháng sinh, thuốc đặc trị, thuốc bổ vitamin cho tới các thuốc có nguồn gốc từ đông dược, thậm chí là cả thực phẩm chức năng.
Đặc trị căn bệnh mang tên “thuốc giả”
Hiện nay, hầu hết các sản phẩm thuốc đều có nguy cơ bị làm giả. Từ thực phẩm chức năng, thuốc bổ đến các thuốc chữa bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc kháng sinh, thuốc ung thư, thuốc kháng virus… Với công nghệ tinh vi, các thuốc giả này có thể được sản xuất với hình dáng, bao bì, nhãn mác giống như thuốc thật mà bệnh nhân rất khó phát hiện. Bởi, thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng cả bác sĩ và người bệnh gặp thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng tình trạng kháng thuốc, thậm chí gây tử vong.
Trưởng Khoa Dược, Trung tâm Y tế TP. Đồng Nai, Dược sỹ Trịnh Thị Vân Anh cho biết, tại Khoản 33, Điều 2, Luật Dược 2016 quy định, thuốc giả là loại thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp sau: không có dược chất, dược liệu, có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu. “Mình không thể biết được những người làm thuốc giả, thuốc kém chất lượng cho những gì vào để làm thành thuốc nên nếu như người bệnh uống phải sẽ gây ra rất nhiều tác hại. Cụ thể, người uống phải thứ thuốc đó sẽ không khỏi bệnh; tác dụng phụ của thuốc gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng như bị tiêu chảy, nôn, ói…; gây tổn hại về mặt kinh tế. Nguy hiểm ở chỗ, người mua rất khó có thể phân biệt được thuốc giả với thuộc thật bởi vì hiện nay thuốc giả họ làm rất tinh vi nên nếu chỉ nhận biết bằng mắt thường là rất khó. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp để siết chặt trong công tác quản lý”, dược sĩ Vân Anh nhấn mạnh.
Nhằm ngăn chặn tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) và các cơ quan chức năng đang thực hiện việc kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại Việt Nam. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, cũng như đẩy mạnh việc lấy mẫu và hậu kiểm thuốc sau khi đăng ký lưu hành.
Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc mà cần mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ và nên đến các địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không nghe theo quảng cáo, truyền miệng, mua thuốc bán trên mạng. Khi mua thuốc cần quan sát kỹ bao bì, hạn sử dụng. Khi sử dụng thuốc, nếu có sự nghi ngờ về tác dụng, hiệu quả nên dừng ngay và nhờ các dược sĩ, bác sĩ tư vấn.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Đào Văn Tài (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng mà hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, kém chất lượng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả với số lượng lớn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức án có thể lên tới 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình”.