Cụ thể, ngày 25.9, có 48 biển số xe ô tô được đưa ra đấu giá, trong đó, biển số 95A-111.11 chỉ ở mức 145 triệu đồng. Các biển số của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dù vẫn ở mức cao nhưng nếu so với phiên đầu tiên, đã giảm rất nhiều. Ví dụ như biển số 51K-899.99 ở mức 2,74 tỷ đồng; biển số 51K-979.79 ở mức 1,82 tỷ đồng; 51K-866.66 là 1,165 tỷ đồng và biển số 30K-599.99 là 1,79 tỷ đồng...
Hay như ngày 21.9, biển số trúng đấu giá cao nhất là 68A-299.99 của tỉnh Kiên Giang, với mức 2,55 tỷ đồng. Biển số 37K-222.22 và 75A-333.33 dù là "ngũ quý" nhưng cũng chỉ ở mức 810 triệu đồng và 745 triệu đồng. Các biển số khác dao động từ vài trăm triệu đồng đến trên dưới 1 tỷ đồng. Biển số trúng đấu giá thấp nhất là 45 triệu đồng.
Trước đó, ngày 22.9, 18 biển số "đẹp" được tổ chức đấu giá, trong đó mức giá cuối cùng dao động từ thấp nhất là 45 triệu đồng cho biển số 66A-233.33 và cao nhất là 4,860 tỷ đồng thuộc về biển số 51K-868.68.
Như vậy có thể thấy, sau phiên đấu giá đầu tiên ngày 15.9, mức giá ở các phiên tiếp theo đã giảm đáng kể, thậm chí có ý kiến còn cho rằng đã dần trở về giá trị thực. Tuy vậy, vẫn còn một vấn đề nữa đó là những người trúng đấu giá có "xác lập" quyền sở hữu của mình không?
Lo ngại này là hoàn toàn có cơ bởi mới chỉ có 7 người nộp với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng. Chỉ có một người hoàn thành thủ tục cấp biển số trúng đấu giá. Đặc biệt, người trúng đấu giá biển số 51K-888.88 và 30K - 555.55 vẫn chưa nộp tiền.
Tất nhiên đến thời điểm hiện tại chưa thể biết những người trúng đấu giá có "bỏ cọc" vì "lỡ" bỏ giá quá cao hay không. Hơn nữa, theo quy định, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả. Đồng thời người trúng đấu giá phải thực hiện thủ tục đăng ký xe ô tô để gắn biển số trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp văn bản xác nhận trúng đấu giá...
Vậy nhưng thực tế đã từng xảy ra tình trạng khi đấu giá, vì nhiều mục đích khác nhau, có người trả giá ở mức cao, thậm chí rất cao nhưng khi đến thời hạn chuyển tiền lại "bỏ cọc". Điển hình nhất là vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh. Do đó, bên cạnh việc tổ chức đấu giá thành công nhiều biển số xe với mức giá cao, ngân sách nhà nước có thêm nguồn thu, nhu cầu biển số xe "đẹp" của một bộ phận người dân được đáp ứng thì điều đặc biệt quan trọng là cần có chế tài mạnh hơn với những người "bỏ cọc". Có như vậy mới bảo đảm hiệu quả các phiên đấu giá, tránh tình trạng cố tình "thổi" giá lên quá cao, phi thực tế. Đây cũng là cơ hội để những người có nhu cầu thực sự được sở hữu biển số xe đẹp.