Khắc phục tình trạng bát nháo tại các điểm trông, giữ xe
Năm nào cũng vậy, trong những ngày Tết Nguyên đán, tại các điểm vui chơi công cộng, đình chùa ở Thủ đô Hà Nội, nhu cầu trông giữ xe máy, ô tô tăng đột biến do lượng du khách tham quan, vãn cảnh đông.

Đơn cử tại Phủ Tây Hồ, từ khoảnh khắc giao thừa cho đến hết tháng Giêng, lượng người đi lễ, cầu may ngày đầu năm mới luôn rất đông, có ngày lên cả nghìn người. Như mọi năm, nơi đây luôn là tụ điểm phức tạp với nhiều điểm trông xe thu quá giá quy định dịp đầu năm, gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, kể từ Tết Giáp Thìn 2024, du khách thập phương đi ô tô, xe máy, xe đạp đến Phủ Tây Hồ, nếu gửi phương tiện ở các điểm trông giữ xe đã được cơ quan chức năng cấp phép theo quy định để vào phủ du xuân, lễ chùa hoặc vãn cảnh, thay vì phải trả phí bằng tiền mặt như trước kia, người dân chỉ cần quét mã QR code hoặc thanh toán tự động qua ví VETC.
Theo đại diện UBND phường Quảng An, quận Tây Hồ, nhằm bảo đảm nhu cầu trông giữ phương tiện của du khách thập phương đến với Phủ Tây Hồ, năm nay, quận đã bố trí 4 điểm trông giữ phương tiện xung quanh Phủ Tây Hồ; đồng thời, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với hoạt động trông giữ phương tiện. Theo đó, ngoài triển khai hình thức quét mã QR và thu phí không dừng, UBND phường cũng sơn kẻ ranh giới vị trí trông giữ xe, kiểm tra trang phục, thẻ nhân viên, nội quy trông xe, niêm yết bảng giá tại các điểm nêu trên để tránh tình trạng nhũng nhiễu về giá.
An toàn, tiện lợi hơn cho người dân
Theo Trưởng Công an quận Tây Hồ, Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh, thực hiện Đề án số 06/CP về chuyển đổi số Quốc gia, từ ngày 9.2.2024, Công an quận đã chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Bộ Công an, Công ty VETC, Công ty MK Vision và các đơn vị liên quan triển khai thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ phương tiện khu vực Phủ Tây Hồ.
Theo Công an quận Tây Hồ, thời điểm Tết năm 2023 đã xảy ra tình trạng mất xe máy của người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khu vực Phủ Tây Hồ với khoảng 1.000 xe ô tô, 4.000 - 5.000 lượt xe máy ra, vào/ngày, nhưng chưa xảy ra tình trạng trộm cắp, mất tài sản, phương tiện.
Theo đó, có 5 đầu chủ bãi xe để phối hợp thực hiện ứng dụng Đề án số 06 của Chính phủ chuyển đổi số quốc gia trong việc kiểm soát xe ra, vào; định danh xe, đặc biệt là thu phí không dùng tiền mặt. Đối với xe đã dán thẻ VETC khi vào đây qua trạm nhanh chóng được tích hợp, đánh giá luôn giờ vào, ra và thanh toán luôn ví của VETC. Đối với xe chưa cài đặt phí VETC, chưa có thẻ thì sẽ quét mã QR sẽ tính luôn số tiền và giờ ra, vào. Đối với ô tô sẽ là 20.000 đồng/giờ; xe máy là 5.000 đồng/ngày và 8.000 đồng/qua đêm.
Đối với Phủ Tây Hồ có 4 bãi xe, có 3 bãi xe ô tô (1 bãi khép kín có camera, máy VETC và 2 bãi ô tô mở); các đơn vị chức năng trông giữ xe đã được đào tạo về đăng ký qua APP và đưa thông tin của xe vào gửi lên APP thanh toán, chủ xe thanh toán qua QR. Tuy nhiên hiện nay, đối với xe máy vẫn phải phát vé do không có chip để ghi nhận được (phát vé sẽ dùng máy của Việt code in và triển khai thanh toán QR).
Theo ghi nhận của phóng viên vào trưa ngày 15.2 (tức mùng 6 Tết Giáp Thìn), hầu hết các điểm trông xe ở Phủ Tây Hồ thu theo hình thức trả tiền qua thẻ, ví đều chấp hành thu đúng giá quy định. Người dân đến lễ hoặc vãn cảnh nơi đây đều chấp hành nghiêm quy định và cảm thấy rất thuận tiện với hình thức mới mẻ này. Chị Nguyễn Minh Hiền (Xuân Đỉnh, Hà Nội) đi vãn cảnh chùa đầu năm tại Phủ Tây Hồ bày tỏ sự hài lòng: tôi thấy việc thu phí qua mã QR rất văn minh, không những thuận tiện, mà việc thu không thể gian lận, người thu không thể tăng giá, quản lý được doanh thu chống thất thu thuế.
Cùng với việc không thu phí trông giữ xe bằng tiền mặt, cơ quan chức năng quận Tây Hồ cũng đang vận động các nhà hàng, cơ sở kinh doanh hương hoa, ăn uống… xung quanh khu vực phủ Tây Hồ triển khai thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tạo thuận lợi, an toàn cho du khách và đơn vị kinh doanh. Các phòng, ban chuyên môn, UBND phường Quảng An đã xây dựng kế hoạch và có thông báo đến các cửa hàng kinh doanh tại tuyến phố phía ngoài Phủ Tây Hồ để triển khai lập tài khoản thanh toán và mã QR thanh toán kèm theo và in thống nhất mẫu logo nhận diện thanh toán không dùng tiền mặt của từng cửa hàng kinh doanh… Đến thời điểm này, hầu hết các hộ kinh doanh đã thực hiện nghiêm túc các kế hoạch đề ra.
Có thể thấy, việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ xe, các cơ sở kinh doanh, viết sớ cạnh Phủ Tây Hồ không chỉ thuận tiện với người dân, điều này còn tránh được tình trạng kẻ gian lợi dụng sự đông đúc trong lễ hội để thực hiện hành vi móc túi người đi lễ gây mất an ninh trật tự, an toàn và văn minh tại không gian linh thiêng, nơi thờ tự. Nhiều người dân bày tỏ, từ hiệu quả mô hình này ở Tây Hồ rất cần được nhân rộng tại các điểm trông giữ xe tại các khu vui chơi, chùa, đền thờ khác trên cả nước để hạn chế tình trạng lộn xộn, trục lợi, thu phí vé quá cao.