Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội...
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nghe lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động nói chung, trong đó có công tác đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như tình hình đào tạo và nghiên cứu khoa học lĩnh vực vi mạch tích hợp bán dẫn của ĐHQGHN.
Xây dựng khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội theo hướng mô hình “5 trong 1”
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) Lê Quân cho biết, ĐHQGHN hiện đã cơ bản hoàn thiện mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ với 9 trường đại học, 5 viện nghiên cứu thành viên và 22 đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ trực thuộc.
Trong số 2.251 giảng viên cơ hữu của ĐHQGHN có 62 GS và 414 PGS, chiếm tỉ lệ 20%; tỉ lệ cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học trên tổng số giảng viên cơ hữu của là 66%. Công bố quốc tế đã trở thành văn hóa học thuật của ĐHQGHN, với số bài báo quốc tế trong hệ thống ISI/SCOPUS không ngừng gia tăng theo các năm, từ 400 bài năm 2012 lên khoảng 1.600 bài năm 2022.
Tháng 5.2022, ĐHQGHN đã chính thức chuyển trụ sở làm việc tới Hòa Lạc, đánh dấu sự chuyển mình của hệ thống hướng tới một không gian phát triển mới cả về cơ sở vật chất, đời sống học thuật và quản trị đại học.
Năm học 2022-2023, ĐHQGHN tổ chức lễ khai giảng đầu tiên đón sinh viên chính quy tới học tập, sinh hoạt tập trung tại Hòa Lạc. Tới nay đã có 24/36 đơn vị trong ĐHQGHN chuyển trụ sở làm việc tại Hòa Lạc.
Giám đốc Lê Quân cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng khu đô thị ĐHQGHN theo hướng mô hình “5 trong 1”, ĐHQGHN đã xây dựng Khung hành động với các cấu trúc thành phần bao gồm: Khung cảnh quan đô thị; Khung hoạt động đô thị - kinh tế tri thức - giáo dục đại học và Khung hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) nhằm hướng tới mục tiêu: Tổ chức lại không gian tổng thể để thu hút đầu tư theo kinh tế thị trường; Kết nối không gian phát triển tổng thể với các hoạt động trong đô thị để kiểm soát quá trình hình thành và vận hành hoạt động của đô thị - không gian kinh tế tri thức - đại học - khu công cộng và nhà ở cho sinh viên và giảng viên, kết nối với các phân khu đô thị, công nghiệp cận kề, kết nối nhanh với Khu đô thị Hòa Lạc của thành phố Hà Nội...).
Đặc biệt, hàng năm, ĐHQGHN cung cấp khoảng 1.200 sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan trực tiếp đến thiết kế vi mạch và các ngành gần. ĐHQGHN hiện có 09 nhóm nghiên cứu mạnh, 06 phòng thí nghiệm được đầu tư trong lĩnh vực này. Tổng số sinh viên đã tốt nghiệp các ngành này tại ĐHQGHN vào khoảng trên 12.000.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân kiến nghị Chính phủ hỗ trợ ĐHQGHN thành lập Trung tâm Hỗ trợ Thiết kế và đo kiểm vi mạch quốc gia (IC Design House) đặt tại Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc để là nguồn lực dùng chung cho nền công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Quan tâm đào tạo nhân lực trong 3 lĩnh vực
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian phân tích, chia sẻ về những yếu tố nền tảng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Theo đó, Việt Nam đang thực hiện 3 trụ cột gồm xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (phát huy tối đa nguồn lực con người, tinh thần đại đoàn kết, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại); xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân (mọi chính sách đều hướng tới người dân và mọi người dân phải tham gia xây dựng, thực hiện chính sách); xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (tôn trọng các quy luật của thị trường nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết).
Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển; phát huy tối đa năng lực, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện các trụ cột phát triển, đối ngoại và hội nhập nói trên đều liên quan mật thiết, tác động sâu sắc tới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chúng ta vừa kế thừa, phát huy truyền thống của dân tộc coi "hiền tài là nguyên khí quốc gia", vừa giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu các thành tựu, đi theo các xu thế mới của thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại.
Thủ tướng lưu ý cần quan tâm đào tạo nhân lực trong cả 3 lĩnh vực: Nghiên cứu cơ bản, quản lý và ứng dụng, nhất là các ngành mũi nhọn, các xu thế phát triển mới để có thể "đi sau, về trước" như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước và tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, yêu cầu lại cao, thích ứng phải kịp thời, chúng ta phải đi đúng, đi trúng, phân bổ nguồn lực phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó để có thể phát triển nhanh, bền vững.
"Đào tạo nguồn nhân lực để thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực để chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện các mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước tới năm 2030, năm 2045. Đào tạo nhân lực vừa có tính chất bao trùm, phổ cập, toàn diện, xuyên suốt, vừa có trọng tâm, trọng điểm vào một số ngành mũi nhọn; phải kết hợp cả hai hướng này thì chúng ta mới có thể phát triển nhanh và bền vững", Thủ tướng nhấn mạnh.
Kế thừa, phát huy truyền thống và phát triển có đột phá
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao và chúc mừng ĐHQG Hà Nội về những thành tích đạt được, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển và sự nghiệp giáo dục đào tạo của cả nước, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao.
ĐHQG Hà Nội luôn bám sát khẩu hiệu hành động "Đạt đỉnh cao dựa vào tri thức", phát huy mạnh mẽ giá trị cốt lõi "Đổi mới sáng tạo - Trách nhiệm quốc gia - Phát triển bền vững" và có nhiều bước phát triển rất đáng ghi nhận trong thời gian qua, là nơi đào tạo nhân lực chất lượng cao, nơi bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Thủ tướng đề nghị, với vai trò là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có truyền thống, có đội ngũ cán bộ khoa học hùng hậu, đã và đang đào tạo nhiều lĩnh vực quan trọng, then chốt cả về lý thuyết hàn lâm và khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, ĐHQG Hà Nội tập trung vào một số nhiệm vụ.
Thứ nhất, phát huy bề dày lịch sử và những thành tựu đạt được, kinh nghiệm hay, bài học quý, những mô hình, cách làm hiệu quả; tiếp tục xây dựng và củng cố tập thể đoàn kết, vững mạnh, không ngừng đổi mới sáng tạo để xây dựng ĐHQG Hà Nội thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học theo mô hình hiện đại, có tầm cỡ, uy tín trong khu vực và quốc tế.
Phát triển toàn diện cả bề rộng và chiều sâu, tập trung vào một số lĩnh vực khoa học cơ bản, đào tạo chuyên ngành, mũi nhọn, chất lượng cao, có thế mạnh của Việt Nam, phù hợp với xu thế của thế giới, nhất là đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu,... phát triển nhanh và bền vững.
"Kế thừa, phát huy truyền thống và phát triển có đột phá", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ hai, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển đồng thời cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn, khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, đặc biệt là góp phần phát triển, hoàn thiện nền tảng tư tưởng, cung cấp luận cứ khoa học, tin cậy cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định chiến lược, xây dựng chủ trương, đường lối, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ ba, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, tập trung giải quyết những vấn đề lớn, điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc cả về lý luận và thực tiễn ở cấp quốc gia cũng như cấp địa phương. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thương mại hóa các kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học trên cơ sở tăng cường hợp tác công tư. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới xây dựng đại học số, đại học thông minh. Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.
Thứ tư, thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đồng hành, góp phần thực hiện khát vọng phát triển, mục tiêu đất nước tới năm 2030, 2045 và lan tỏa khát vọng vươn lên tới hệ thống các cơ sở giáo dục đại học. Tập trung phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên chất lượng cao, đẳng cấp khu vực, quốc tế. Đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học theo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Tiếp tục phát huy, nhân rộng các hình thức tuyển sinh phù hợp, hiệu quả, trong đó có hình thức Đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông. Có cơ chế khuyến khích sinh viên vào học các ngành khoa học cơ bản, ngành đặc thù, ngành hiếm để vừa phục vụ bảo tồn, phát huy bản sắc, giá trị riêng có của quốc gia, dân tộc, vừa phục vụ sự phát triển nhanh, bền vững đất nước. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ, góp phần đào tạo nhân lực cho miền núi phía bắc, miền Trung - Tây Nguyên, vùng Tây Nam Bộ, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.