Xuyên thấu gần như tất cả mọi cung đoạn sáng tác, nghề thư ký trường quay giống như “trung tâm giám sát” các sự cố. Nếu ví phim như văn học thì nhiệm vụ của thư ký trường quay là hiệu đính “mo-rát”. Tuy nhiên nếu việc hiệu đính văn chương tiến hành sau rốt thì trong điện ảnh công việc đó phải làm ngay ở hiện trường để nhắc nhở, phòng xa lỗi chính tả, “văn phạm” mà có thể quá lu bu đạo diễn không lưu ý. Do tính chất công việc, thư ký trường quay phải luôn luôn “kè” sát đạo diễn, từ lúc quay cho đến hết hậu kỳ. Nếu các bạn tình cờ gặp nhóm làm phim, trông thấy một cô em đèm đẹp đứng bên đạo diễn, mắt đăm chiêu, tay liên tục ghi ghi chép chép... thì đích thị đó là nàng. Thư ký trường quay là một nghề tỉ mỉ, đòi hỏi tính cẩn thận, tính tập trung cao nên thường thích hợp với giới nữ. Ở Âu Mỹ thư ký trường quay còn được gọi là script-girl. Người thư ký trường quay lý tưởng phải là một chuyên gia thực sự với tất cả tinh thông nghề nghiệp và một sức khỏe dẻo dai để có thể “theo” đạo diễn đến khi phim hoàn tất.

Công việc của thư ký trường quay bắt đầu ngay khi có phân cảnh. Cùng với trợ lý đạo diễn, thư ký trường quay sẽ tiến hành lọc cảnh. Như đã giới thiệu trong mục “Trợ lý đạo diễn”, lọc cảnh là cung đoạn bắt buộc, đầu tiên của quy trình sản xuất. Nếu mục đích lọc cảnh của trợ lý đạo diễn là thu gom bối cảnh thì đối với thư ký, bảng lọc cảnh còn giúp họ theo dõi tiến trình quay, tránh việc quay sót cảnh. Công việc lọc cảnh lắt nhắt nhưng dẫu sao vẫn còn thanh thản; nhiệm vụ của thư ký trường quay chỉ thực sự phức tạp, căng thẳng khi bước vào giai đoạn quay. Ở giai đoạn này thư ký phải hoàn thành hai trọng trách: theo dõi cảnh quay đúng nội dung phân cảnh (đặc biệt đối thoại); bảo đảm đúng “Rắc-co” và “Trục”.
Rắc-co
Rắc-co (raccord) là thuật ngữ quy phạm điện ảnh, diễn tả sự tương thích của các cảnh đứng liền nhau; sự tương hợp tối đa của mọi thứ trong các cảnh đó từ trang phục, tâm lý đến đồ vật, màu sắc, tốc độ chuyển động... Như chúng ta đã biết: để tiết kiệm thời gian và kinh phí, điện ảnh không quay theo diễn tiến câu chuyện mà quay nhảy cóc, gom cảnh, gom góc máy... Nhiều cảnh khi lên phim đứng liền nhau nhưng vì lý do nào đó trên thực tế phải quay cách xa hàng tuần, hàng tháng; quay đảo lộn thứ tự.
Trong gián cách, lộn đảo trình tự đó các chi tiết rất dễ bị quên lãng, nhầm lẫn. Không ai nhớ nổi trong cảnh quay trước trên bàn tiệc có những gì, vị trí ở đâu? Nhân vật A khi đó cột tóc ra sao, nữ trang, xống áo kiểu gì? Điếu thuốc của nhân vật B cháy đến đâu?... Tất cả những chi tiết đó nếu không được ghi nhớ chính xác thì khi ráp cảnh sẽ hết sức... hài hước: thí dụ B hút thuốc trên phim, trong cảnh trước (nhưng quay sau) điếu thuốc cháy gần hết, sang cảnh sau (nhưng quay trước) điếu thuốc bỗng... dài ra như thần thoại! Tương tự: nhân vật trong nhà mặc áo xanh, bước ra ngoài bỗng dưng thành áo tím. Hoặc ly nước trên bàn đang cạn bỗng... đầy!
Tóm lại, sự sai lệch có thể xảy ra với mọi lĩnh vực từ phục trang, hóa trang, bối cảnh, đạo cụ, ánh sáng đến... nội tâm nhân vật. Thí dụ cảnh trước nhân vật bị đánh nhừ tử, nhưng cảnh sau – do quay trước hoặc sau quá lâu – không thấy... mệt dù hóa trang đầy máu. Điện ảnh gọi các sự cố như thế là sai rắc-co. Người thư ký có nhiệm vụ phòng tránh, phát hiện những sai sót đó. Ở các nước điện ảnh giàu, thư ký trường quay được trang bị máy móc để lưu giữ tư liệu; điện ảnh ta nghèo nên nhiều năm tháng thư ký phải căng đầu ghi nhớ, ghi chép vô sổ sách. Nếu sai rắc-co là vấn nạn thường xuyên của nghề thư ký thì sai trục cũng là... ám ảnh.
Trục
Trục là đường thẳng tưởng tượng kéo từ ống kính - đại diện mắt người - ra phía trước. Đường thẳng quy ước này giữ vai trò trục mốc để phân định hai hướng trái - phải của khung hình. Thí dụ: để khẳng định hai nhân vật A, B đang đối diện; khi quay A nhìn sang cánh phải khung hình thì B nhất định phải nhìn sang cánh trái. Trong đời sống điều đó đương nhiên, nhưng trong điện ảnh đối diện có thể biến thành... đối lưng trong tích tắc nếu máy quay nhảy trục.
Các bạn cứ thử quan sát tấm phim âm bản chân dung của chính bạn, trong đó bạn đang nhìn sang hướng trái, nhưng nếu lật ngược tấm phim bạn sẽ thấy mình hướng sang phía phải. Tức diễn viên dù đứng yên một chỗ nhưng nếu máy quay đổi chỗ 180 độ thì hướng nhìn của diễn viên cũng đổi thay 180 độ. Bạn cũng có thể khảo sát trục này qua ống kính máy ảnh của bạn: thí dụ trước bạn là cô em nào đó đang mộng mơ nhìn ra phố. Khi bạn đứng bên trái của cô em bạn thấy mắt cô em nhìn sang trái, nhưng nếu bạn “nhảy" qua vai phải của cô em bạn sẽ thấy mắt em nhìn sang phải, dù trên thực tế hướng mắt cô em không đổi.
Trục là một trong những nguyên tắc điện ảnh nghiêm nhặt. Sự uyển chuyển khôn lường của trục giống như con dao hai lưỡi: có thể giúp đạo diễn biến hai kẻ trên thực tế nhìn một hướng trở thành đối diện trên phim; giúp đạo diễn biến hai kẻ xa lơ xa lắc “nói chuyện” với nhau như gần gụi. Ngược lại trục cũng có thể đẩy hai kẻ đang đối diện yêu thương thành... mạnh ai nấy ngó. Với các phim chiến tranh thư ký càng phải giám sát trục, bởi nếu sơ sẩy thì trên màn ảnh sẽ thấy ta bắn... ta thay vì bắn địch như chơi. Về nguyên tắc những sai sót rắc-co, trục có thể cứu vãn trên bàn dựng1, nhưng đó là sự cứu vãn thô thiển, thiếu chuyên nghiệp.
Trục, rắc-co là hai trọng trách thót tim, nhức óc của nghề thư ký; nhưng chưa hết: thư ký trường quay còn đảm nhiệm thêm chức năng hành chính thông qua hai báo cáo:
- Báo cáo hình ảnh: Trong điện ảnh không phải cú quay nào cũng tốt do đó thư ký phải thông báo với phòng in tráng những cảnh - theo ý đạo diễn - sẽ sử dụng để không phải in toàn bộ ra dương bản tốn kém. Báo cáo hình ảnh cũng là tư liệu cho thư ký sử dụng lúc hậu kỳ: giúp đạo diễn và người dựng phim chọn cảnh quay tốt nhất, cung cấp lý lịch cảnh quay - quay ở đâu, ngày nào, số thứ tự - khi cần thiết. Ở các nước điện ảnh âm thanh đồng bộ (không lồng tiếng như ta) thư ký trường quay còn đảm nhiệm thêm báo cáo âm thanh.
- Báo cáo sản xuất: Là bản văn ghi chép tiến độ quay mỗi ngày, khối lượng cảnh quay, tỷ lệ phim quay theo tiêu chuẩn và cả những sự cố ngoài ý muốn. Hoàn toàn không mang ý nghĩa tài chính, báo cáo sản xuất của thư ký chỉ có giá trị biên bản sản xuất. Có thể nói trong đoàn phim, ngoài chủ nhiệm ra, thư ký trường quay là người rành rẽ nhất “nội tình" sản xuất.
Đến đây hẳn các bạn đã hình dung mức độ rất quan trọng của nghề thư ký điện ảnh. Vào cái thời phim mì ăn liền xứ ta nở rộ, có biết bao ông chủ nhảy ra làm... đạo diễn, nhưng thư ký trường quay thì không ai dám tiếm danh. Thế mới biết nghề thư ký còn bài bản, căn cơ hơn nghề đạo diễn. Nếu bạn chưa đánh giá cao vai trò thư ký xin cứ thử một lần làm việc với thư ký tay ngang - mà hậu quả là hàng đống lỗi “vô duyên" trên bàn dựng - thì bạn sẽ hiểu vai trò thư ký trường quay quan trọng thế nào.
(1) Xem phần Dựng phim