Tại Hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam đã báo cáo với cử tri về kết quả Kỳ họp thứ Sáu và một số hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tại kỳ họp.
Trước Kỳ họp thứ Sáu, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phối hợp Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trực tiếp tại 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, với tổng số 1.016 cử tri tham dự, có 56 lượt cử tri phát biểu và ghi nhận được 82 ý kiến, kiến nghị. Trong đó, có 5 nội dung liên quan đến các bộ, ngành Trung ương đã được Đoàn ĐBQH tổng hợp gửi các bộ, ngành xem xét, trả lời với cử tri; các ý kiến còn lại thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương và đa số các ý kiến đều được trả lời tại hội nghị tiếp xúc cử tri; riêng còn 6 ý kiến đã được tổng hợp chuyển đến các sở, ngành liên quan xem xét giải quyết trả lời đến cử tri.
Đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục nhận được 3 văn bản trả lời ý kiến cử tri của bộ, ngành Trung ương (trả lời 4 kiến nghị cử tri sau Kỳ họp thứ Năm, đạt 100% và 4 văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền của địa phương trả lời 6/6 ý kiến, kiến nghị cử tri trước Kỳ họp thứ Sáu).
Cử tri lực lượng vũ trang tỉnh Hậu Giang hoan nghênh đánh giá kết quả Kỳ họp thứ Sáu và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp. Cử tri kiến nghị Chính phủ tăng cường các biện pháp kiểm soát sim chính chủ và tài khoản ngân hàng; có cơ chế giám sát, quản lý để hạn chế tội phạm công nghệ cao; kiến nghị kịp thời bổ sung các chất ma túy và tiền chất ma túy vào danh mục.
Cử tri kiến nghị Quốc hội sớm thông qua dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (sửa đổi) để tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Hậu Giang, đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Cử tri cũng kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể với một số chức danh có thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông phù hợp với thực tế hiện nay, thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Nêu một số tồn tại, bất cập trong hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cử tri kiến nghị cần có giải pháp cụ thể, bảo đảm chất lượng các văn bản này.
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn biểu dương lực lượng công an, quân sự tỉnh Hậu Giang đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc giữ gìn an ninh trật tự; thời gian qua, Công an tỉnh Hậu Giang đã sáng tạo 60 mô hình có hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị sát thực tế, trách nhiệm của cử tri đại diện cho lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang sẽ tổng hợp đầy đủ, gửi đến cơ quan có thẩm quyền để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị lực lượng vũ trang tỉnh Hậu Giang tiếp tục quán triệt và bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2.4.2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Cùng với đó, cần chuẩn bị tốt cho công tác tiễn thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc năm 2024 và kế hoạch bảo vệ Tết dương lịch 2024, Tết nguyên đán Giáp Thìn. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong lực lượng. Thường xuyên, liên tục thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng để lực lượng vũ trang vừa trong sạch, vững mạnh vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác dân vận, tiếp tục phát huy mô hình, diễn dàn công an lắng nghe ý kiến người dân, phát huy vai trò của lực lượng dân quân tự vệ ở cơ sở, gần gũi, nắm sát địa bàn, chuẩn bị từ sớm, từ xa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, trấn áp các loại tội phạm nếu có, giữ gìn và bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.