Sẽ sửa luật để làm rõ việc thực hiện kết luận kiểm toán
Nêu chất vấn với Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) nêu rõ, đến nay, số lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện còn lớn, trong đó đáng lưu ý có nguyên nhân do trách nhiệm của KTNN chiếm 0,4%.
Đại biểu đề nghị Tổng KTNN cho biết, việc xem xét trách nhiệm với những kết luận kiểm toán chưa đúng quy định và giải pháp với những kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện được do chính trách nhiệm của kiểm toán?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh một số nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân thứ nhất là kiến nghị của kiểm toán chưa “tâm phục, khẩu phục” và đơn vị được kiểm toán đang khiếu nại theo quy định pháp luật. Nguyên nhân thứ hai là có những kết luận, kiến nghị kiểm toán đúng nhưng mà không thể thực hiện được. Và nguyên nhân thứ ba là đơn vị chưa thực hiện được kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Để hạn chế kiến nghị kiểm toán chưa chính xác, chưa "tâm phục, khẩu phục" mà đơn vị được kiểm toán đang khiếu nại, Tổng KTNN cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là nâng cao chất lượng đào tạo kiểm toán.
“Muốn thực hiện yêu cầu này phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; nâng cao năng lực, trình độ của kiểm toán viên; tăng cường kiểm tra, giám sát; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các đoàn kiểm toán để làm sao đưa ra các kiến nghị thật chính xác”, Tổng KTNN trả lời.
Về việc "có những kiến nghị kiểm toán đến bây giờ không thể thực hiện được", Tổng KTNN cho biết, có nguyên nhân do đơn vị phải thực hiện đã giải thể, phá sản hoặc có những thể nhân đã về hưu, đã chết, hoặc mất tích. Chỉ rõ, tình trạng này là một hạn chế, tồn tại trong Luật Kiểm toán Nhà nước hiện hành, Tổng KTNN nêu rõ, KTNN đang tiến hành tổng kết theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chương trình xây dựng văn bản pháp luật toàn khóa.
“Chúng tôi đã rà soát Luật Kiểm toán Nhà nước và 33 luật có liên quan. Qua đó, nhận thấy, đối với trường hợp pháp nhân đã giải thể, phá sản hay với thể nhân đã chết, mất tích, không thể thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách về thuế, phí, thì Luật Quản lý thuế đã có quy định, nhưng Luật Kiểm toán Nhà nước hiện hành chưa có quy định, thành ra vẫn phải theo dõi. Đây là nguyên nhân làm tăng thêm số kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện”.
Khẳng định thực tế này, Tổng KTNN cho biết, trong thời gian tới, KTNN sẽ báo cáo với Quốc hội sửa đổi Luật Kiểm toán Nhà nước, trong đó sẽ đưa ra quy định cụ thể xác định “thế nào là đã thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán”, góp phần khắc phục được hạn chế nêu trên.
Có chế độ đãi ngộ hợp lý, cán bộ sẽ không muốn và không cần tham nhũng
Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, cơ quan kiểm toán có vai trò và trách nhiệm đặc biệt quan trọng trong tham gia xác định hành vi tham nhũng. Trong những năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất lớn trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, nhưng ở đâu đó vẫn thấp thoáng căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh.
Nêu vấn đề này và với vị trí là người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm phòng, chống tham nhũng, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề nghị Tổng KTNN cho biết, phải làm gì để một mặt xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, cương quyết đưa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đi đến thắng lợi, nhưng mặt khác vẫn nuôi dưỡng niềm tin, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm và mong muốn cống hiến cho đất nước?
Để đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà không giảm tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói “làm sao đánh chuột mà không vỡ bình”, theo Tổng KTNN, phải làm tốt "ba điểm".
Một là, xây dựng thiết chế phòng ngừa hiệu quả và chặt chẽ để không thể tham nhũng. Hai là, xây dựng được thiết chế về phát hiện, xử lý nghiêm minh để không dám tham nhũng. Ba là xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý để cán bộ không muốn và không cần tham nhũng.
Về tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nêu rõ, có nguyên nhân thuộc về ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức; trình độ, năng lực của cán bộ còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu; và cũng có trách nhiệm do công tác lãnh đạo chưa thật sự sâu sát.
Để hạn chế tình trạng nêu trên, Tổng KTNN cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm, nâng cao trình độ, năng lực, đặc biệt phải hoàn thiện thể chế để quy định rõ quyền, nghĩa vụ của từng công chức… Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá để lượng hóa công tác đánh giá cán bộ, qua đó cũng sẽ tạo thuận lợi cho việc sử dụng cán bộ.