Nguy cơ chậm tiến độ hiện hữu
Dự án xây dựng cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre có tổng mức đầu tư 2.255 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư.
Công trình này thuộc dự án tuyến đường bộ ven biển đồng bằng sông Cửu Long nối các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh, có chiều dài khoảng 53 km, là một phần trong dự án tuyến hành lang ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng liên vùng; mang tính động lực đem lại sự phát triển cho Bến Tre.
Theo dự kiến, dự án xây dựng cầu Ba Lai 8 sẽ được khởi công vào quý II năm nay và sẽ hoàn thành vào quý II.2026. Tuy vậy, dự án đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu hụt vật liệu cát san lấp.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre Bùi Minh Tuấn xác nhận: Năm 2020, mỏ cát Cẩm Sơn trên sông Cổ Chiên thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam được cấp phép khai thác thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH XD TM DV Trung Hiếu Phát (đơn vị trúng đấu giá Quyền khai thác khoáng sản). Trữ lượng cấp phép là 510.000 m3, công suất khai thác 180.000 m3/năm. Tuy nhiên phải đến tháng 6.2022 đơn vị mới chính thức đi vào hoạt động, nguyên nhân chậm khai thác là do người dân khu vực mỏ chưa đồng thuận.
“Với trữ lượng còn lại, tính đến 12.2023 vào khoảng 449.000 m3, tỉnh Bến Tre không đủ khả năng cung cấp cho các công trình trên địa bàn tỉnh. Về chất lượng cát, qua tham khảo kết quả khảo sátcủa Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận, chất lượng cát trên lòng sông của tỉnh không đạt theo TCVN 4198: 2014, TCVN 8821: 2011, TCVN 9436:2012 cho thiết kế các công trình cao tốc (cát có nhiều tạp chất), chủ yếu chỉ phục vụ san lấp các công trình dân sinh”, ông Tuấn cho biết.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí hồi giữa tháng 2 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre cho biết, dự kiến năm nay, bên cạnh cầu Ba Lai 8, tỉnh sẽ khởi công xây dựng cầu Đình Khao kết nối với tỉnh Vĩnh Long; tập trung chuẩn bị khởi công nhà máy sản xuất hydroxanh. Tỉnh cũng sẽ hoàn tất các thủ tục để cuối năm nay và đầu năm sau sẽ khởi công xây dựng công trình cống âu thuyền An Hóa ngăn nước mặn từ sông Tiền vào sông Ba Lai… Như vậy, áp lực thiếu cát san lấp cho các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện rất lớn!
Mong sớm có giải pháp bảo đảm nguồn cát
Trước thực trạng thiếu hụt cát san lấp, tỉnh Bến Tre đã quyết liệt triển khai giải pháp. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn thông tin, tỉnh đang triển khai Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gồm 6 khu vực khoáng sản đưa ra đấu giá, tổng trữ lượng tiềm năng ước tính 14.917.068 m3.
Nếu triển khai bảo đảm về chất lượng, môi trường, công suất khai thác hằng năm ở từng mỏ thì dự kiến khối lượng khai thác 6 khu vực mỏ vào khoảng 3 triệu m3/năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu vật liệu cho các công trình trên địa bàn tỉnh (căn cứ các dự án, công trình theo Nghị quyết của tỉnh thì bình quân mỗi năm cần khoảng 10 triệu khối/năm; tuy nhiên, việc triển khai không như mong muốn nên nhu cầu thực tế mỗi năm tỉnh cần khoảng 4-5 triệu khối/năm), ông Bùi Minh Tuấn thông tin.
Hiện, tỉnh đang khẩn trương lấy ý kiến của người dân ở khu vực 6 mỏ cát này; đồng thời lấy ý kiến các đơn vị liên quan như Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Hàng hải, Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Tiền Giang. Nếu thuận lợi, dự kiến cuối tháng 6.2024, tỉnh sẽ tổ chức phiên đấu giá. Sau khi có đơn vị trúng đấu giá, tỉnh sẽ khẩn trương thực hiện cấp Giấy phép khai thác cho đơn vị để nhanh chóng có nguồn cát phục vụ cho các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh cũng như khu vực lân cận.
“Trong thời gian chờ đấu giá quyền khai thác khoáng sản 6 khu vực mỏ cát, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương tổ chức thực hiện bảo vệ các khu vực mỏ đưa vào đấu giá, bảo vệ mặt bằng, mốc giới khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tăng cường công tác kiểm tra xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép tại các khu vực mỏ cát này, bảo đảm nguyên trạng để bàn giao cho tổ chức, cá nhân trúng đấu giá”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn cho hay.
Dù phía tỉnh đã có quyết tâm sớm đưa các mỏ cát này vào đấu giá khai thác, song phía doanh nghiệp vẫn thắc thỏm lo ngại khi làm dự án nhưng chưa xác định rõ nguồn vật liệu, trữ lượng và giá theo thực tế, hơn nữa các thủ tục cấp phép không chỉ liên quan riêng tỉnh Bến Tre.
“Chúng tôi rất mong phía tỉnh Bến Tre cũng như các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục để đấu giá các mỏ cát, nhanh chóng đưa vào khai thác; đồng thời có phương án để bổ sung nguồn cát nếu như 6 mỏ cát dự kiến đấu thầu không đáp ứng đủ điều kiện. Bởi nếu để tình trạng thiếu cát san lấp kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ công trình cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương”, đại diện doanh nghiệp mong muốn.
Bến Tre không có định hướng về việc nhập khẩu cát từ Campuchia
Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh đã làm việc với đại diện có thẩm quyền Campuchia để cung cấp cát cho dự án giao thông trọng điểm của Thành phố, nhằm giải bài toán thiếu hụt nguồn cung cát.
Ngày 12.4, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản số 2396/BQLDAGT-VĐ3 gửi liên danh nhà thầu thi công, liên danh tư vấn giám sát, đề nghị các đơn vị liên hệ Bộ Tư lệnh Thành phố để được hướng dẫn các thủ tục liên quan về việc cung cấp thêm nguồn cát xây dựng và san lấp Campuchia đáp ứng chất lượng phục vụ thi công dự án.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn xác nhận, “Bến Tre không có định hướng này”.
Tại cuộc họp báo Bộ Xây dựng sáng 26.4, ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp cùng các bộ nghiên cứu việc nhập khẩu cát từ Campuchia.
Hiện, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu vật liệu thay thế, có thể dùng tro xỉ nhiệt điệt (Bộ đã ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn đầy đủ), cát biển (nhiều nước phát triển như Anh, Nhật, Hà Lan… đã sử dụng để làm đường giao thông). Như vậy, nguồn thay thế cát rất phong phú, nhưng khi triển khai diện rộng thì phải phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà thầu, nhà tư vấn.