Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết vừa phát hiện và điều trị 2 bệnh nhân mắc liên cầu lợn.
Trường hợp đầu tiên tên Đ.T.D., 51 tuổi, quê ở huyện Vụ Bản, Nam Định. Ông D. có tiền sử tăng huyết áp, xơ gan, uống rượu nhiều năm (~300-500ml/ngày). Trước khi bị bệnh, người đàn ông có ăn tiết canh và tham gia thái thịt lợn hộ đám cưới. Chỉ sau một đêm ăn tiết canh, bệnh nhân sốt cao 40 độ, kèm biểu hiện mệt mỏi, rét run, được gia đình đưa nhập viện Đa khoa tỉnh Nam Định.
Tại đây, ông D. nhận chẩn đoán: sốc nhiễm khuẩn - xơ gan, chỉ định truyền dịch, duy trì thuốc vận mạch, kháng sinh liều cao.
Do tình trạng ít cải thiện, người bệnh được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp tục điều trị. Thời điểm nhập viện, người này biểu hiện mệt mỏi nhiều, da niêm mạc tái nhợt, môi khô lưỡi bẩn, sốt cao, khó thở, nghe phổi có giảm thông khí.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết có sốc, viêm phổi, cấy máu phát hiện vi khuẩn Streptococcus suis (liên cầu khuẩn lợn).
Bác sĩ đã tiến hành điều trị kháng sinh tĩnh mạch liều cao, giảm đau, chống viêm, hạ sốt. Những ngày đầu điều trị, người bệnh còn sốt cao, rét run liên tục, nhiệt độ thường xuyên ở mức 39 - 40 độ. Đến nay, sau 11 ngày điều trị, bệnh nhân đã cắt sốt, hết khó thở, tình trạng nhiễm trùng giảm.
Trường hợp thứ hai tên Đ.T.C., nữ, 44 tuổi, ở Giao Thuỷ, Nam Định, làm nghề giết mổ lợn. Bà C. nhập viện trong tình trạng giảm ý thức.
Theo lời kể của người nhà, trước đó, bệnh nhân mệt mỏi, sốt không rõ nhiệt độ; được người nhà phát hiện trong tình trạng kích thích, vật vã, gọi hỏi không trả lời, sau đó nhanh chóng rơi vào hôn mê, suy hô hấp. Khi nhập viện Đa khoa tỉnh Nam Định, người bệnh đã được đặt ống nội khí quản và được chẩn đoán: viêm màng não, chuyển Bệnh viện bệnh Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp tục điều trị.
Thời điểm này, bà C. đã ở trong tình trạng hôn mê sâu; ban xuất huyết dạng đám, dải vùng cẳng bàn tay, bàn chân 2 bên; phổi có tình trạng viêm.
Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chẩn đoán người bệnh nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ, viêm phổi. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được chọc dịch não tủy để đánh giá, dịch não tủy chảy ra đục mủ như nước vo gạo. Trường hợp này cũng phát hiện vi khuẩn Streptococcus suis sau khi cấy máu.
Sau thời gian điều trị thở máy, tới nay, bà C. đã tỉnh và được rút ống nội khí quản. Bệnh nhân qua cơn nguy kịch sau 17 ngày điều trị, hiện thở khí phòng bình thường, huyết động ổn định.
Thời gian gần đây, các bệnh viện ở phía Bắc tiếp nhận nhiều ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Trước tình hình trên, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tuần trước đã có đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương thực hiện một số nội dung trọng tâm để phòng bệnh liên cầu lợn lan rộng.
Theo đó, Cục Y tế dự phòng yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch. Các cơ sở khám chữa bệnh cần đặc biệt chú ý những trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm liên cầu lợn, khai thác tiền sử dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh nhân kịp thời để tránh tử vong. Ngoài ra, cần thông báo cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch.
Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông các biện pháp phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người: không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn. Có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố cũng cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trong việc giám sát phát hiện các dịch bệnh trên đàn lợn mà thuận lợi cho liên cầu lợn bùng phát như dịch bệnh tai xanh, kịp thời chia sẻ thông tin để có những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang người.
Đồng thời, sẵn sàng vật tư, hóa chất, phương tiện, bảo đảm triển khai các biện pháp giám sát và xử lý ổ dịch; rà soát các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật trong giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh liên cầu lợn để củng cố năng lực cho cán bộ chuyên trách;
Thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27.5.2013 của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.