Bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch
Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Nhấn mạnh điều này, các ĐBQH đánh giá cao dự thảo Luật đã tiếp thu và giải trình đầy đủ các ý kiến của ĐBQH, bảo đảm 3 nội hàm: công tác quản lý của nhà nước; quyền lợi của Nhân dân; trách nhiệm và lợi ích của các tổ chức và doanh nghiệp.
Cho rằng dự thảo Luật trình Kỳ họp thứ Sáu cơ bản đã được sửa đổi và bổ sung theo hướng phù hợp hơn so với thực tiễn trên cơ sở rà soát, tiếp thu các ý kiến của các ĐBQH, các chuyên gia và toàn thể Nhân dân, ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) khẳng định, dự thảo Luật đã thể hiện rõ hơn vai trò của đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri đối với một dự luật quan trọng của đất nước. Cơ bản nhất trí với các nội dung trong dự thảo Luật lần này, đại biểu kỳ vọng, dự thảo Luật khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề đang đặt ra cho công tác quản lý, sử dụng đất hiện nay.
Góp ý vào quy định liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, đại biểu Trần Thị Vân chỉ rõ, hiện nay, các quy định này đang bị chia tách bởi hai luật, một nửa quy định tại Chương 5 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), còn lại được quy định tại Luật Quy hoạch. Đại biểu dẫn chứng, đối với quy hoạch về sử dụng đất quốc gia, các quy định về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất, căn cứ và nội dung kế hoạch sử dụng đất quốc gia được quy định tại Điều 65 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong khi đó, nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia lại được quy định tại Điều 24 Luật Quy hoạch. Vấn đề này cũng xảy ra tương tự đối với nội dung đất quốc phòng, an ninh và một số loại đất khác.
Như vậy, nếu giữ nguyên như dự thảo Luật thì sau khi ban hành việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật sẽ bị xé lẻ, manh mún. Đặt cương vị là đơn vị lập quy hoạch sử dụng đất thì phải áp dụng cùng một lúc hai luật bởi nội dung tuy nằm trong Luật Quy hoạch nhưng căn cứ lại thuộc Luật Đất đai (sửa đổi). Do đó, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị các quy định về quy hoạch sử dụng đất cần được sửa đổi, bổ sung vào ngay Chương 5 của dự thảo Luật lần này. Đồng thời, bãi bỏ các quy định về nội dung, quy trình đang bị chồng chéo tại Luật Quy hoạch.
Cũng quan tâm đến vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) cho biết, tại khoản 5 Điều 65 của dự thảo Luật quy định: Thành phố trực thuộc Trung ương không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ quy hoạch đô thị để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay các thành phố trực thuộc Trung ương vẫn có đơn vị hành chính là cấp huyện và cấp xã. Các đơn vị hành chính này lại không thuộc đối tượng quy hoạch đô thị theo như quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị. Vì vậy, nếu không lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thì sẽ không có căn cứ để lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện, xã.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị, sửa đổi Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị cho thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi), bổ sung quy định về lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp xã trong quy hoạch đô thị ở các thành phố trực thuộc Trung ương.
Xem xét sửa đổi thời điểm công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Quan tâm đến công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) nêu rõ, tại khoản 4 Điều 75 quy định: Thời điểm, thời hạn công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt, phải thực hiện việc công bố công khai. Quy định như vậy sẽ rất khó khăn cho các địa phương trong thực hiện, đặc biệt là với địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trên thực tế, sau khi cấp có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt, cơ quan lập quy hoạch và đơn vị tư vấn phải thực hiện phát hành và làm nhiệm vụ bàn giao hồ sơ nghiệm thu cho chủ đầu tư. Song, khối lượng hồ sơ lớn, phải thực hiện bàn giao trực tiếp, do đó, trong thời hạn 10 ngày phải thực hiện đồng thời vừa phát hành, sắp xếp, bàn giao hồ sơ và vừa phải công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là rất khó thực hiện. Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị xem xét sửa đổi thời điểm thực hiện công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ “chậm nhất là 10 ngày” thành “chậm nhất là 15 ngày” để bảo đảm tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời phù hợp với thời gian quy định trong Luật Quy hoạch hiện hành.
Về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khoản 7 Điều 76 quy định: Diện tích đất được xác định trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt thu hồi để thực hiện các dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 2 năm liên tục được xác định trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải xem xét, đánh giá để tiếp tục thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm tiếp theo hoặc hủy bỏ.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận nhấn mạnh, quy định như vậy đã mở và thuận lợi hơn cho quá trình triển khai tổ chức thực hiện, nhất là đối với các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn, dự thảo Luật chưa quy định rõ việc công bố hủy bỏ hay tiếp tục thực hiện đối với diện tích đất đã được HĐND cấp tỉnh thông qua trước đó nay có phải trình HĐND cấp tỉnh thông qua trước khi UBND cấp tỉnh ra quyết định hay không? Để bảo đảm thống nhất giữa các địa phương, đại biểu đề nghị, nghiên cứu bổ sung quy định “sau 2 năm không thực hiện đối với diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện của các công trình, dự án đã được HĐND cấp tỉnh thông qua thì UBND cấp tỉnh phải trình HĐND cấp tỉnh thông qua việc hủy bỏ hay tiếp tục thực hiện trước khi ban hành quyết định”.