Người đi ngược thời gian
Dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn F.Scottt Fitzgerald sáng tác năm 1921, bộ phim của đạo diễn David Fincher phần nào gợi nhớ đến Forrest Gump năm 1994, nhưng có cách thể hiện tình cảm hơn. Phim lấy bối cảnh thành phố New Orleans hồi Chiến tranh thế giới I kết thúc năm 1918, kéo dài cho đến tận thế kỷ XXI, mô tả cuộc phiêu lưu của Benjamin trong quá trình trải nghiệm cuộc sống, tình yêu, nỗi buồn khi đối mặt với cái chết không giống với một người bình thường...
Lọt lòng đã mang dáng dấp của một cụ già ngoại bát tuần, cậu bé Benjamin Button (do Brad Pitt thủ vai) bị gia đình chối bỏ và được đưa vào nuôi tại một viện dưỡng lão. Năm tháng trôi đi, Benjamin ngày một trẻ ra, anh kết bạn với Daisy, cháu gái một thành viên trong viện dưỡng lão. Năm 17 tuổi, Benjamin rời khỏi viện dưỡng lão và đi tìm tương lai trên một con tàu kéo. Thời gian vẫn tiếp tục xuôi theo dòng chảy muôn đời, Benjamin tiếp tục trẻ ra, và ở những năm tháng của tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống, anh tình cờ gặp lại Daisy, cô bạn gái năm xưa (do Kate Blanchett thủ vai). Tình cảm giữa hai người nảy nở, vượt qua sự cách trở, khác biệt của thời gian: Benjamin ngày càng trẻ ra, còn cô bạn gái lại già đi. Kết phim, mỗi người theo một hướng đi của tạo hóa về hai đầu của cuối con đường... Thông điệp lớn nhất của bộ phim là phải biết nắm bắt lấy tất cả những cơ hội mà cuộc đời ban cho, tận hưởng cuộc sống không chỉ bằng vui sướng, hạnh phúc mà bằng cả buồn đau, mất mát. Chuyện phim mang đậm yếu tố tình cảm và triết lý sâu sắc, pha lẫn hài hước…
Kỹ xảo và hóa trang đạt đỉnh cao
Song hành cùng câu chuyện kỳ lạ là nghệ thuật hóa trang và kỹ xảo hình ảnh đã đem lại những hiệu quả đáng kinh ngạc cho bộ phim. Mỗi khung hình đều mang màu sắc cổ kính của những năm 1930, pha sắc thái mờ ảo như những hình ảnh không rõ ràng được lấy từ ký ức.
Đội ngũ hóa trang cho The curious case of Benjamin Button từng làm việc trong Titanic của đạo diễn James Cameroon. Mỗi ngày, các kỹ thuật viên phải mất từ 2-4 tiếng hóa trang cho Brad Pitt. Từ ba hình mẫu khuôn mặt Pitt ở độ tuổi 60, 70 và 80 được đổ silicon, các kỹ thuật viên hóa trang đã thiết lập 180 biểu hiện tình cảm khác nhau trên khuôn mặt. Sau khi kết thúc phần quay ở New Orlean, Brad Pitt trở lại Los Angeles để tiếp tục diễn Benjamin trong dáng vóc một đứa trẻ nhưng mang khuôn mặt một cụ già. Các cơ biểu cảm trên khuôn mặt Brad Pitt được máy quay kỹ thuật số từ 4 góc khác nhau thu lại và đưa lên máy tính xử lý. Nhiều diễn viên đóng thế với cân nặng, chiều cao khác nhau đã được huy động để vào vai Benjamin trong nhiều thời điểm khác nhau. Khuôn mặt của Brad Pitt sau khi được xử lý sẽ được ghép vào thân của các diễn viên đóng thế này.
Khi Benjamin trẻ lại, ở tuổi 20 và 17, kỹ thuật máy tính lại được huy động để xóa hết các nếp nhăn, căng lại các cơ, tạo hình lại dáng khuôn mặt, mắt, mũi và cằm cho Brad Pitt. Ngay cả Daisy ở thời thiếu nữ và xế chiều cũng được các kỹ thuật viên dựng lại khuôn mặt bằng can thiệp kỹ thuật số. Hóa trang cho cả hai diễn viên chính là Greg Cannom, từng giành hai giải Oscar về hóa trang cho các phim Dracula (năm 1993) và Mrs. Doubtfire (1994).
Trước thềm lễ trao giải Oscar 2009, The curious case of Benjamin Button được đánh giá là một ứng cử viên nặng ký. Brad Pitt hoàn toàn có thể cạnh tranh trong hạng mục diễn xuất với vai diễn ngược dòng thời gian này. Ngoài ra, những thành công của bộ phim trong lĩnh vực hóa trang và kỹ xảo hình ảnh nhiều khả năng sẽ đem lại tượng vàng cho đạo diễn David Fincher.