Quan tâm đến chất lượng tăng trưởng
Theo ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên), tờ trình tăng trưởng kinh tế GDP 8% mà Chính phủ trình là rất đáng khích lệ, thể hiện quyết tâm cao độ. Với tầm quan trọng của năm bản lề 2025, đây sẽ là tiền đề để nền kinh tế tăng trưởng hai con số như kỳ vọng trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, kịch bản trên có thể đến từ việc khởi công 1 loạt dự án đầu tư công có tỷ suất đầu tư lớn liên quan đến hạ tầng giao thông vận tải, đóng góp trực tiếp vào chỉ số tăng trưởng. Do vậy, chất lượng tăng trưởng sao cho thực chất và bền vững vẫn là mối quan tâm đặc biệt, nhất là tiến độ giải ngân đầu tư công, không chỉ cơ chế cho dự án lớn mà còn công trình nhỏ và vừa đang bị chậm.

Bên cạnh đó, là những biện pháp kích thích tiêu dùng cho người dân, bởi tiêu dùng chính là động lực của sản xuất và tái đầu tư. “Tôi cho rằng cần phân loại nhóm giải pháp trước mắt để giải quyết ngay những vướng mắc của nền kinh tế, và một nhóm giải pháp mang tính dài hạn để tạo động lực cho thời gian tới. Hiện công ăn việc làm còn hạn chế, an sinh xã hội còn khó khăn cũng đến từ thực trạng doanh nghiệp tham gia các dự án ngân sách công ít việc những năm gần đây,” đại biểu Nguyễn Lâm Thành phát biểu.
Cùng bày tỏ sự quan tâm đến khối kinh tế tư nhân, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, quan trọng nhất của quyết tâm của Chính phủ, tăng 1% GDP thì cần bao nhiêu vốn? Bên cạnh đó, ngân sách làm vốn mồi cho các dự án PPP quan trọng nhất vẫn là cải cách thể chế để nhà đầu tư yên tâm đầu tư.
Trưởng đoàn ĐBQH TP. Huế Lê Trường Lưu bày tỏ sự nhất trí với kịch bản tăng trưởng 8%. Ngay sau kỳ họp, TP. Huế cũng sẽ rà soát toàn bộ dư địa tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực. Đại biểu đặt vấn đề, trong 5 giải pháp mà Chính phủ đưa ra, có những giải pháp sẽ có tác dụng trong tương lại, ví dụ như trí tuệ nhân tạo, khoa học công nghệ hay thu hút nhà đầu tư mới…, nhưng nếu Chính phủ quan tâm tháo gỡ ngay cho các dự án bất động sản tồn đọng (tỉnh nào cũng có), thì có thể đóng góp ngay vào tăng trưởng GDP khoảng 0,5%.
“Cơ chế, chính sách để tập trung tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản trong quý I, hoặc chậm nhất quý II phải được ban hành. Chúng ta kêu gọi đầu tư, hay nghiên cứu khoa học công nghệ thì khó có thể tăng trưởng ngay trong 2025, nhưng thị trường bất động sản có thể tác động ngay vào nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tính đến một số tác động từ quốc tế, các đối tác lớn của nước ta thay đổi người đứng đầu quốc gia”, đại biểu Lê Trường Lưu thông tin.
Đường sắt Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng đã chín muồi về thời điểm
Liên quan đến dự án đường sắt công nghệ cao Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, thời điểm này đã chín muồi cả về yếu tố đối ngoại, quốc phòng, an ninh lẫn nguồn lực. Điều băn khoăn là tỷ suất đầu tư cho dự án cần được làm rõ hơn.
Nhận diện những khó khăn, thách thức, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Đoàn Thị Hảo nhận định, thách thức lớn nhất vẫn là vấn đề giải phóng mặt bằng, vấn đề thứ hai là vốn. Trong khi chúng ta phải bố trí nguồn vốn ưu tiên cho phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, thì việc bố trí nguồn vốn dự kiến gần 8,5 tỷ USD cho dự án khổ 1,435m này sẽ là một thách thức lớn với hệ thống tài chính của quốc gia. Bên cạnh đó, cần giải phóng 2000ha mặt bằng và tái định cư cho người dân 9 địa phương hướng tuyến đi qua còn lớn hơn nữa. Dự báo công tác này sẽ phức tạp.

Để tránh chậm trễ và đội vốn do các thủ tục hành chính kéo dài trong dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ĐBQH Nguyễn Hải Nam (TP. Huế) cho rằng, việc thiết lập cơ chế, bộ máy đủ quyền lực ra quyết định nhanh là điều cần thiết. Chỉ khi các quyết định được thực hiện kịp thời, dự án mới có thể hoàn thành đúng tiến độ và đạt được hiệu quả kinh tế như kỳ vọng.
“Kinh nghiệm triển khai các dự án đường sắt đô thị trên cao tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, sự chuẩn bị chu đáo, đánh giá hết tác động rất quan trọng trước khi khởi động dự án. Bởi kéo dài thời gian là đội vốn, là thiệt hại tiền thuế của người dân. Hiện tại vốn đối ứng cho các dự án đường sắt đô thị của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chỉ đáp ứng được 10% vốn. Chúng ta cũng phải tính toán ngân sách khi triển khai một dự án khổng lồ như vậy, bởi còn những lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, công tác dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia,” đại biểu Nguyễn Hải Nam phân tích.