Đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công
Báo cáo tóm tắt công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 3.2023, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân đánh giá cao việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và địa phương tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với hơn 10,6 triệu lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân góp ý.
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, cử tri quan tâm và phản ánh còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý, trong đó có tình trạng công tác phòng cháy, chữa cháy được siết chặt đối với hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Việc này được thực hiện sau khi một số vụ việc hoả hoạn gây thương vong tại các cơ sở kinh doanh karaoke.
Tuy nhiên, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, quy định về điều kiện bảo đảm phòng cháy, chữa cháy chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh… làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã và đang sản xuất, kinh doanh nhiều năm buộc phải tạm dừng hoạt động do không đáp ứng được các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.
Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 3.2023, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng nhiều so với tháng 2.2023. Tình hình khiếu kiện tiếp tục diễn biến phức tạp, có 26 đoàn khiếu kiện đông người, vượt cấp lên Trung ương (tăng 16 lượt đoàn đông người so với tháng 2.2023). Hiện còn 47 công dân của 13 địa phương khiếu kiện kéo dài tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, xảy ra 8 vụ việc liên quan đến ô nhiễm môi trường tại một số địa phương đã được các cơ quan chức năng điều tra, kiểm tra và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở có sai phạm, xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu khắc phục hậu quả. Tại một số địa phương như các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng… tình hình khiếu kiện liên quan đến việc thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ chưa thỏa đáng, một số dự án chậm triển khai hoặc sử dụng đất không đúng mục đích gây lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước vẫn diễn biến phức tạp… Trong đó, nổi lên 4 vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.
Về công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử đơn thư, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp 306 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 299 vụ việc và có 9 lượt đoàn đông người (giảm 89 lượt người về 95 vụ việc và 7 lượt đoàn đông người so với tháng 2.2023). Qua tiếp công dân, đã chuyển 43 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn bằng văn bản 7 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 206 vụ việc.
Ban Dân nguyện kiến nghị, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quan tâm hơn nữa hoạt động giám sát theo lĩnh vực phụ trách, nhất là việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của các Bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực phụ trách đã được đề cập trong các báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng. Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp và giám sát các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc cụ thể đã được đề cập tại Báo cáo dân nguyện hằng tháng.
Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân nguyện đề nghị tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương trong thời gian tới.
Cùng với đó, Ban Dân nguyện kiến nghị giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy, chữa cháy; tháo gỡ các bất cập trong quy định về phòng cháy, chữa cháy để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nghiên cứu, đề xuất kiến nghị sửa đổi các văn bản liên quan theo hướng phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh; áp dụng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo mức độ rủi ro; giảm tối đa các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát lại quy định kiểm tra hàng hóa đối với các trường hợp quá cảnh, nhập cảnh nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng cấm qua đường hàng không.
Hướng dẫn chi tiết về yêu cầu phòng cháy, chữa cháy
Đồng tình với báo cáo của Ban Dân nguyện, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chia sẻ khó khăn của nhiều doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ - du lịch đã gặp nhiều khó khăn sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện theo các quy định tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, nhưng không biết làm như thế nào để đáp ứng tiêu chuẩn và được nghiệm thu đưa hoạt động. "Bộ Công an cần chỉ đạo lực lượng phòng cháy, chữa cháy hướng dẫn, quy định chi tiết đáp ứng các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy, giúp các cơ sở kinh doanh trang bị đầy đủ các thiết bị, bảo đảm yêu cầu phòng cháy chữa cháy để tiếp tục hoạt động, vận hành sản xuất", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ.
Giải trình về nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Bộ Công an nhận thấy cần phải nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh trong trường hợp có điều kiện về an ninh, trật tự thì phải tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy. "Nếu chúng ta hạ mức các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy thì hậu quả liên quan đến an ninh, trật tự rất lớn, liên quan đến tính mạng và tài sản của người dân… Người đứng đầu các cơ sở trọng điểm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và các hộ kinh doanh cá thể phải thường xuyên có ý thức tổ chức kiểm tra các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, phối hợp tốt trong việc thẩm định, rà soát và bổ sung kịp thời các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy để phòng ngừa tối đa tai nạn phòng cháy, chữa cháy xảy ra”. Nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng Bộ Công an cũng nêu rõ sẽ tiếp thu kiến nghị của Ban Dân nguyện và các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nghiên cứu, có đề xuất với các cấp có thẩm quyền nhằm điều chỉnh quy định cho phù hợp theo từng điều kiện, trường hợp cụ thể.