Theo tài liệu, ngày 6.6.2017, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra số 1423/KL-TTCP việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT trong lĩnh vực giao thông môi trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội là một trong số các dự án nằm trong đợt thanh tra nêu trên.
Ngày 7.9.2017, Thanh tra chính phủ có văn bản số 2242/TB-TTCP, thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT trong lĩnh vực giao thông môi trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Theo thông báo kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận nhiều vấn đề liên quan đến dự án mở rộng xa lộ Hà Nội theo hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).
Thông báo số 2242/TB-TTCP nêu, theo quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập dự án khả thi hoặc chỉ đạo nhà đầu tư lập dự án đầu tư và tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án. Tuy nhiên, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức lập dự án khả thi hoặc chỉ đạo nhà đầu tư lập dự án đầu tư, tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án khả thi, triển khai thực hiện hoặc để cho các đơn vị thực hiện chưa đầy đủ, chậm trễ, sai quy định.
Cụ thể, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội để nhà đầu tư phê duyệt dự án vượt thẩm quyền, phê duyệt chưa đảm bảo đầy đủ, thiếu chính xác, tăng sai tổng mức đầu tư.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án như trên dẫn đến việc đánh giá dự án chưa đảm bảo mang tính chính xác, khách quan. Đồng thời, việc lựa chọn nhà đầu tư BOT chưa thể khẳng định là hình thức đầu tư mang lại hiệu quả nhất, quản lý chi phí tiết kiệm nhất. Những vi phạm đó thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư trong công tác lập dự án khả thi.
Về tiến độ dự án, thông báo kết luận thanh tra cho biết, dự án chậm tiến độ, không được triển khai theo đúng kế hoạch là do công tác giải phóng mặt bằng không đúng theo tiến độ đề ra. Việc chậm tiến độ dẫn đến giảm doanh thu, tăng chi phí, giảm tính hiệu quả, lãng phí vốn đầu tư.
Đối với công tác nghiệm thu thanh toán, quyết toán, thông báo kết luận thanh tra xác định, theo quy định trong vòng 6 tháng kể từ ngày hoàn thành công trình, nhà đầu tư phải lập hồ sơ quyết toán dự án phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng. Tuy nhiên, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội nghiệm thu không đúng một số chi phí quản lý dự án, chi phí xây lắp, chi phí trùng tu, chi phí thuê nhà; áp dụng phụ cấp lưu động không đúng.
Trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, các nhà thầu.
Những thiếu sót, sai phạm của các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT trong lĩnh vực giao thông môi trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã được Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ và UBND TP. Hồ Chí Minh xử lý.
Như Báo điện tử Đại biểu Nhân dân phản ánh từ tháng 9.2022 đến nay, khoảng hơn 200 hộ dân tại các khu phố, chung cư, khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (phường Phước Long A, TP Thủ Đức) liên tục gửi đơn kiến nghị, đơn khiếu nại liên quan đến những bất cập xảy ra tại trạm thu phí BOT xa lộ Hà Nội.
Đơn được gửi đến nhiều cơ quan, đơn vị ở TP. Hồ Chí Minh, các bộ ngành, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Trong đơn, người dân trình bày, hiện trạm BOT xa lộ Hà nội đang thu phí cho dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ ngã 3 trạm 2 cũ đến nút giao thông Tân Vạn theo quyết định số 922/QĐ-UBND ngày 13.3.2021 của UBND TP. Hồ Chí Minh. Đáng chú ý đoạn đường từ ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn nằm cách trạm thu phí BOT hiện tại gần 10km.
Vừa qua, trong buổi làm việc với PV Báo Đại biểu Nhân dân, lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng xa lộ Hà Nội (doanh nghiệp dự án, trực thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh - CII – chủ đầu tư dự án) khẳng định trạm thu phí BOT xa lộ Hà Nội đặt đúng vị trí và thực hiện theo đúng các văn bản, quyết định của UBND TP. Hồ Chí Minh.
* Báo điện tử Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát và thông tin kết quả giải quyết đơn của công dân từ các cơ quan chức năng trong vụ việc trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.