Được nhiều người yêu mến, ngẫm kỹ ra, cũng không phải một điều đáng mừng. Vì, “trong phúc có họa, trong họa có phúc”, kẻ thận trọng hẳn đã thuộc nằm lòng lời cảnh báo sáng suốt của cổ nhân. Hơn nữa, cái sự yêu của người đời vốn là thứ cực kỳ đỏng đảnh, xảo trá, vô cùng khó lường. Chỉ một chàng yêu một nàng thôi, nay mới cắt máu uống cạn chén thề, chỉ trăng nguyền ước những là răng long với đầu bạc, những là trọn kiếp với muôn đời, thế mà ngoắt cái mai đã coi nhau như quân thù quân hằn, có tử tế hơn tý nữa thì cũng phải ở mức khinh khỉnh làm ngơ nếu lỡ chạm mặt người xưa. Huống gì nhiều người yêu mến một người? Tình yêu ấy khi gặp một sự cố bất kỳ, ai mà biết được, lại được sức cộng hưởng của đám đông, rất dễ bị đột tử, trở thành nỗi thất vọng, niềm chán chường, thậm chí sự ác cảm mang tính tập thể. Không cần nói xa xôi, hãy nhìn vào diễn đàn báo chí Việt Nam trong khoảng thời gian ngắn trở lại đây – báo giấy, báo mạng, và đặc biệt là các trang facebook – khi ta thấy một diễn viên điện ảnh từng có thời huy hoàng, được yêu mến đến chết ngạt, nay về đoạn xế chiều, đã bệnh tật, lại bị vướng vào những rắc rối nợ nần và phải hứng chịu không ít lời chỉ trích, dè bỉu, thì mới thật cám cảnh cho cái tâm sự Thúy Kiều lúc đã xuống đến đáy: “Khi xưa phong gấm rủ là/ Mà nay tan tác như hoa giữa đường”. Kết quả hẳn sẽ không nặng nề đến thế nếu người diễn viên ấy không được thiên hạ yêu mến nhiều đến thế. Và lần ngược lên nữa: nếu ông ta chưa hề là thần tượng của vài thế hệ khán giả.
Vậy là ở đây ló ra một từ khóa: thần tượng.
![]() Minh họa của Trung Dũng |
Dù là con người của một lịch sử có thật hay chỉ là con người trong/trên những trang tiểu thuyết, giữa văn hào Victor Hugo và chàng sinh viên Raskolnikov vẫn có một điểm chung, xác định: họ thuộc về thế kỷ XIX. Cái thế kỷ hiển nhiên là chưa hề có điện ảnh và truyền hình, và ngành quảng cáo cũng như công nghệ PR đại khái mới chỉ ở trình độ một đứa bé đang chập chững tập bò. Điều đó có nghĩa rằng, khi Victor Hugo coi Chateaubriand hay Raskolnikov coi Napoleon là thần tượng của mình, thì đấy là một thứ tình cảm gần như nguyên sơ, một thứ tình cảm rất may mắn vì không, hoặc ít, phải lóa mắt trước những kim sa kim tuyến hay những hình ảnh lấp lánh giả tạo mà ai ai đó có thể gắn vào đối tượng được họ thần tượng. Mọi chuyện đã trở nên khác hẳn kể từ thế kỷ XX. Thế giới bước vào thời mà văn hóa đại chúng lên ngôi, thời mà công nghiệp giải trí và công nghiệp quảng cáo mang lại lợi nhuận kinh doanh không thua kém các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ (dĩ nhiên là cả lợi nhuận chính trị nữa, nhưng ở đây tạm bỏ qua vấn đề này). Ở thời này, người ta cần thần tượng cho số đông và người ta có thừa khả năng để chế tác, để nặn ra những thần tượng kiểu ấy. Vì thế, dễ hiểu tại sao kể từ thế kỷ XX, nói tới thần tượng thì ắt là ta phải nói tới những minh tinh màn bạc nào đó, những ngôi sao ca nhạc và thể thao nào đó v.v… tức những con người “của công chúng”. Họ trở thành thần tượng của số đông nhờ vào một ít phẩm chất trội bật, và nhờ vào rất nhiều sự vận hành hết tốc lực của cả một guồng máy gồm màn ảnh lớn và màn ảnh nhỏ, các poster giăng khắp nơi, các bài báo xủng xoẻng lời ca tụng và các tạp chí màu mè sặc sỡ đủ loại. Hiệu quả, đối với những nhà nặn thần tượng mà xét, là quá rõ: thần tượng là một trong những bảo đảm bằng vàng cho việc tiêu thụ những sản phẩm hàng hóa của họ, vì đằng sau thần tượng, không gì khác, là trùng trùng khách hàng – người hâm mộ. Những cuộc thi tìm kiếm idol được đẻ ra như cỏ mọc sau mưa trên sóng truyền hình nhiều quốc gia hiện nay, ắt không nằm ngoài mục đích thương lái ấy.
Nhưng hậu quả đối với những người hâm mộ thần tượng, thường là người trẻ tuổi, cũng rõ không kém, và còn đáng nói hơn. Ở thời này ta được chứng kiến một hiện tượng kỳ lạ: chứng cuồng thần tượng. Thần tượng choán đầy cuộc sống của những người trẻ. Nhất cử nhất động của thần tượng đều được họ quan tâm theo dõi. Mọi hình ảnh của thần tượng đều được họ thu thập. Những thói quen trong cách ăn mặc, đi đứng, nói năng của thần tượng đều được họ bắt chước như thú ở gánh xiếc. Gặp thần tượng, họ không bằng lòng với việc hân hoan một cách lịch thiệp, mà phải điên lên rồ lên thì mới hả. Đã không ít thần tượng phải chạy tháo thân khỏi vòng người hâm mộ, đầu tóc rối bời, áo quần rách bươm, giày dép mỗi chiếc mỗi nơi, chân tay mặt mũi chỗ phồng lên chỗ xẹp xuống. Ấy là bởi thần tượng được/bị người hâm mộ coi như một vật thiêng, ai cũng muốn sờ mó, cấu véo thần tượng để thủ đắc một ít cái thiêng đó trong mình. Kinh hoàng đến mức thượng thừa thì có chuyện mấy cô cậu người Việt nhà ta đã khóc nức nở, rồi ngất lên ngất xuống, rồi thành kính hôn lên chiếc ghế mà thần tượng của họ, tức mấy ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc, vừa ngồi trước đó v.v… Những biểu hiện ấy hẳn là đã cho thấy một sự thiếu hụt, một sự lệch lạc nào đó trong nhận thức: người ta không quan tâm đến cái Tôi và sự bảo toàn cái Tôi của mình, người ta tự biến mình thành mùn cưa và mạt sắt, thành con thiêu thân để bám dính vào thứ ánh sáng không phải bao giờ cũng “chắc thiệt” và lành mạnh kia. (Về chuyện này, ai đó mát tính có thể tặc lưỡi rằng trẻ người non dạ, qua cái “đốt quấy” này rồi ra mọi việc sẽ khác. Nhưng ai đó vốn cẩn trọng thì hẳn không phải không có lý khi nghĩ tới một câu răn dạy truyền đời: “Bé không vin, cả gãy cành”). Đổi lại, thần tượng ở thời này – đặc biệt là những ai ý thức rất đậm vị thế thần tượng của mình – cũng sẵn lòng bơm thêm cảm hứng cho người hâm mộ trẻ tuổi bằng cách liên tục tạo ra những kiểu mẫu hình ảnh mới, từ hành động tới phát ngôn, đầy tinh thần đặc dị. Khác biệt, luôn luôn khác biệt, thậm chí vì khác biệt mà thành quái đản cũng chẳng sao, điều cốt yếu là cần phải khẳng định sự hiện diện thường trực của mình. Có thể nói, mỹ học của loài kỳ nhông thực sự là một phần bản chất của mối quan hệ thần tượng - người hâm mộ trong nền văn hóa này. Người ta quên mất, hoặc không biết rằng thần tượng đích thực thì không thích kỳ nhông. Họ mê đắm sự vĩnh cửu, điều có thể tạo ra được bằng một vắng mặt bí hiểm. Đó là cách nghệ sỹ huyền thoại Greta Garbo đã chọn khi bà đột ngột rút vào bóng tối, mặc kệ cái tuổi ngoài ba mươi nồng nàn quyến rũ, mặc kệ sự nghiệp điện ảnh còn nhiều huy hoàng đang chờ đợi, mặc kệ hàng triệu triệu khán giả dài cổ ngóng trông. Rút là rút.
Tuy vậy, không thể khác được, thần tượng vẫn cứ tồn tại như một tất yếu của đời sống, dù là thần tượng của số ít hay thần tượng của số đông. Và chúng ta cũng vẫn cứ cần đến sự tồn tại của thần tượng, vì nhiều lẽ. Có thần tượng, để nhóm này phóng chiếu niềm đam mê và những ước mơ của mình. Có thần tượng, để nhóm kia có dịp quan sát những khôn ngoan sáng láng và cả những tăm tối rồ dại trong tâm tính người đời. Có thần tượng, để nhóm khác nữa phát hiện sức cản và những hạn chế của nhận thức xã hội được phản ánh trong thần tượng, và rồi tiến tới hành động: “Buổi hoàng hôn của những thần tượng hay làm cách nào để triết lý với cây búa?” (Nietzsche). Nhưng thật khó mà tưởng tượng được một thế giới không còn thần tượng. Nếu có, hẳn thế giới ấy sẽ rất buồn?