Tham dự có: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; các thành viên Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và một số bộ, ngành liên quan.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nêu rõ, theo Đề án, phương án nhập xã vào thị trấn là nhập toàn bộ 6,53 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 9.175 người của xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa; thành lập thị trấn Hậu Hiền trên cơ sở nguyên trạng 10,41 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 12.061 người của xã Minh Tâm. Từ vị trí, tiềm năng, lợi thế và hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa mở rộng và xã Minh Tâm, nhấn mạnh, việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền là cần thiết, đáp ứng yêu cầu về mở rộng không gian phát triển đô thị và yêu cầu quản lý kinh tế, quản lý xây dựng, kiến trúc, quản lý dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa, xã Thiệu Phú, xã Minh Tâm nói riêng và huyện Thiệu Hóa nói chung. Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa.
Báo cáo ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám cho biết, các thành viên Ủy ban cơ bản nhất trí nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa là phù hợp với các quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hồ sơ Đề án, trình tự, thủ tục lập Đề án đáp ứng đủ quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, cho ý kiến về tên gọi của thị trấn, một số đại biểu đề nghị Chính phủ lý giải việc đổi tên từ “Minh Tâm” thành “Hậu Hiền” vì xã Minh Tâm trong giai đoạn 2019 - 2021 được thành lập trên cơ sở nhập nguyên trạng xã Thiệu Minh và xã Thiệu Tâm để lấy tên là xã Minh Tâm. Bên cạnh đó, huyện Thiệu Hóa có 24 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Trong giai đoạn 2023 - 2025, Thanh Hóa đề nghị không thực hiện sắp xếp 10/10 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp của huyện Thiệu Hóa với các lý do như: bị chia cắt bởi tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, bị chia cắt bởi các xứ đồng hoặc nếu sắp xếp sẽ không phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt... Các đại biểu đề nghị Chính phủ và tỉnh Thanh Hóa rà soát kỹ hơn các lý do đề nghị không thực hiện sắp xếp, có biện pháp rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cấp chính quyền địa phương của Thanh Hóa; tán thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa. Ủy ban Pháp luật cũng sẽ khẩn trương hoàn thiện Báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 12 tới.