Ở Derby (Tây Australia), thân cây bao báp được dùng làm nơi giam giữ tù nhân thổ dân trên đường đi đến nơi tử hình. Hiện nay, “cây bao báp ngục tù” rất thu hút du khách.
Người ta tin bao báp sống đến vài nghìn năm, gắn liền với nhiều truyền thuyết ma mị. Biểu tượng của vùng đất khô cằn đi vào văn chương. Trong tác phẩm kinh điển của Antoine de Saint-Exupéry, Hoàng tử bé đã rất lo lắng là các cây bao báp “to như những con bò” có thể mọc trên hành tinh tí hon của mình, chiếm hết không gian và thậm chí làm mọi thứ tan vỡ. Rafiki, nhân vật trong Vua sư tử, làm nhà trên cây bao báp.
Mới đây, Thám hiểm cây bao báp (The Expedition to the Baobab Tree) của Wilma Stockenstrom được tái bản bằng tiếng Anh sau hơn ba mươi năm. “Con người, có thể chứa đựng cả sự sống và cái chết như một cây bao báp?”.
![]() Cây bao báp có khi được dùng làm phòng giam |
Xin giới thiệu sơ lược một số nhận định về tác phẩm này trên tờ The Daily Beast:
Cứ vài năm, một cuốn sách ập đến mà tôi chỉ đọc nổi mỗi lúc dăm trang, văn phong chậm rãi đến ám ảnh. Năm 2012, Tân ước của Mẹ Maria của Colm Tóibín là một cuốn tiểu thuyết như vậy: một độc thoại nung nấu được giãi bày bởi thân mẫu Chúa Jesus mà bạn chẳng bao giờ được gặp bà. Thám hiểm cây bao báp, một độc thoại, cũng được trình bày bởi một phụ nữ từng trải dữ dội, khiến tôi mê mẩn và bị đánh gục hoàn toàn. Tác phẩm của Wilma Stockenstrom, xuất bản bằng tiếng Afrikaans (ngôn ngữ phát triển từ tiếng Hà Lan thế kỷ XVII, còn gọi là tiếng Taal) vào năm 1981 và nối theo là bản dịch Anh ngữ siêu hạng năm 1983 của dịch giả đoạt giải Noble, J. M. Coetzee, ít hoặc không gây được sự chú ý ở Mỹ bấy giờ. Nhưng nhờ Archipelago Books, nhà xuất bản phi lợi nhuận thường xuyên giới thiệu với độc giả tiếng Anh những đầu sách ít tiếng vang hoặc ở dạng tiềm năng, một ấn bản mới hy vọng sẽ thay đổi tất cả. Ít nhất, tác phẩm mỏng này (không phải tiểu thuyết, là thể loại dường như chỉ tồn tại để giảm bớt tầm quan trọng về chất lượng của các tác phẩm ngắn) nên có trong danh mục sách nghiên cứu về thời kỳ hậu thực dân thuộc địa.
Kể theo quan điểm của một nô tỳ thế kỷ XV, câu chuyện trình bày tỉ mỉ về việc cô bị bắt giữ lần đầu, mối quan hệ của cô với giới chủ nô, khiến cô không bao giờ biết mặt lũ con đã trưởng thành ra sao, cuộc thám hiểm với ông chủ cuối cùng đã dẫn họ từ một thành phố ven biển vào sâu đất liền, và cuối cùng là hoàn cảnh đưa đẩy cô, một mình, vào trong cái ruột rỗng của một cây bao báp. Những sự kiện gay cấn, cách thức tường thuật của cô đòi hỏi độc giả chú ý cao độ. Tạo ra một thế giới mà cô bị biến thành nô lệ bởi các nghi lễ và sự phân loại của người khác, luôn phải tuân theo mà không bao giờ được phép tự quyết định, cho đến khi cô đòi hỏi sự tự quyết.
Bằng việc đánh sập sự phân biệt giữa giấc mơ và thực tế, tưởng tượng ra cách đặt tên rất riêng, và từ chối quan niệm thời gian tuyến tính, cô tạo ra những tập tục của riêng mình. Kết quả gần như là truyền thuyết và thần thoại. Thực sự, cuốn tiểu thuyết chứa đựng tài liệu phong phú nhấn mạnh khoảng thời gian và không gian có thực và cụ thể. Sáng tạo theo cấu trúc hư huyễn thường xuyên và thể loại thơ văn xuôi tuyệt vời, tác phẩm không chỉ là sự bay bướm ngôn ngữ. Đó là một tuyên bố chính trị, sự cự tuyệt quyết liệt với “phương Tây” gia trưởng nặng nề, là những bài thực hành để tìm hiểu thế giới.
“Thừa nhận sự hiện diện của tôi, như một con người, và không gì ngoài một con người. Tất cả chỉ có thế”. Nữ nhân vật chính thú nhận. Trong giới hạn của mình.