Hành trình mòn mỏi "tìm con"
Kết hôn năm 2014, lo lắng vì đợi mãi chưa thấy tin vui, chị Vũ Thanh Hoan (sinh năm 1990) cùng chồng là anh Nguyễn Quốc Hùng (sinh năm 1989) quyết định đi thăm khám sức khỏe sinh sản. Khoảnh khắc bác sĩ thông báo chị bị ứ dịch, tắc cả 2 bên vòi trứng, tỷ lệ đậu thai tự nhiên của hai vợ chồng gần như là không thể, người phụ nữ thấy “trời đất như tối sầm lại trước mắt”. Trước đó, chị Hoan chưa bao giờ nghĩ tới và cũng không hề biết gì về thuật ngữ y khoa này.
Bác sĩ giải thích với tình trạng tắc cả 2 bên vòi trứng, nếu muốn có con, anh chị buộc phải lựa chọn một trong hai quyết định: phẫu thuật thông tắc vòi trứng hoặc thực hiện thụ tinh ống nghiệm (IVF).
Vừa nghe bác sĩ tư vấn, vợ chồng chị Hoan vừa khóc vì lo lắng. Do không đủ điều kiện kinh tế thực hiện IVF, vợ chồng chị lựa chọn phương pháp mổ thông với hy vọng nhỏ nhoi có thai tự nhiên. Cuộc mổ sau đó thành công, vòi trứng thông, nhưng 3 tháng sau vẫn không thấy có biến chuyển.
Sốt ruột mong ngóng con, chị Hoan cùng chồng lại quyết định tìm đến phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung IUI. Tuy nhiên, phép màu vẫn không đến. Sau 2 lần IUI không kết quả, chị Hoan đi chụp lại x-quang tử cung vòi trứng thì phát hiện nguyên nhân là do hai vòi trứng đã bị tắc lại. Không còn cách nào khác, vợ chồng chị đành chạy vạy vay mượn khắp nơi để đủ tiền làm IVF.
Lần đầu tiên thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, đôi vợ chồng trẻ mang đầy hy vọng vào một kết quả tốt đẹp.
“Suốt quá trình kích trứng, canh niêm mạc đến chuyển phôi, ngày nào tôi cũng mơ thấy hình ảnh cầm que thử thai 2 vạch đi khoe với bố mẹ, họ hàng. Nhưng rồi khi bừng tỉnh, bật dậy mới biết đó chỉ là mơ”, chị Hoan xúc động kể.
Lần IVF này cuối cùng cũng không thành công, vợ chồng chị Hoan lại động viên nhau tiếp tục "tìm con" bằng những bài thuốc đông y ở khắp mọi nơi.
“Trong hành trình mong con, vợ chồng tôi chỉ nghỉ đúng 1 năm do dịch Covid-19, còn lại năm nào cũng đi chữa, từ đông y đến tây y. Có những chuyến xe ròng rã xuyên đêm, tổng cộng gần chục tỉnh thành trên cả nước chúng tôi đã tới để cắt thuốc lá uống, nhưng đều không mang lại kết quả”, chị Hoan nhớ về quãng thời gian phải “chắt bóp từng đồng” để chạy chữa tìm con trong vô vọng.
Năm 2020, cặp vợ chồng trẻ lại tiếp tục tìm đến những bệnh viện tiếp theo để thực hiện IVF. Liên tiếp sau đó là những lần chọc trứng, chuyển phôi nhưng kết quả duy nhất vẫn là “không đậu thai”. Khoảng thời gian đó, chị Hoan bật khóc cả trong những giấc mơ.
Mong mỏi con trong khoảng thời gian dài, người phụ nữ phải đối mặt với bao nhiêu áp lực ngoài xã hội, từ những lời gièm pha “chắc nó tịt rồi”, “cưới nhau gần chục năm mà vẫn chưa đẻ thì đẻ làm sao được nữa mà chạy chữa”.
“Có những lần chuyển phôi thất bại, tôi buồn đến mức gần như bị rơi vào trầm cảm, không dám bước ra khỏi nhà, 1 tháng giam mình trong nhà không gặp gỡ, tiếp xúc với ai. May mắn, tôi luôn có chồng và mẹ chồng an ủi, động viên”, chị Hoan chia sẻ.
Giấc mơ có thật
Năm 2022, vợ chồng chị Hoan tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thăm khám. Các bác sĩ nhận định, trường hợp của chị Hoan cần thực hiện xử lý ứ dịch và kẹp vòi trứng để tăng tỷ lệ đậu thai sau chuyển phôi. Gia đình chị cũng may mắn nhận được gói hỗ trợ phẫu thuật nội soi buồng tử cung của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.
Giữa năm 2023, chị Hoan, anh Hùng bước vào quá trình chọc trứng, tạo phôi lần thứ 5. Bao hy vọng sau gần 10 năm mong chờ con yêu được anh chị gửi gắm hết vào lần IVF này. Kết quả sau chọc trứng tạo phôi, anh chị đã may mắn có được 6 “em bé phôi” tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.
Tháng 11 năm 2023, lần thứ 6 chuyển phôi trong hành trình IVF, vợ chồng anh chị vỡ òa hạnh phúc khi nhìn thấy chiếc que thử thai hiện hai vạch. Niềm hạnh phúc của vợ chồng chị Hoan cũng là niềm vui chung của họ hàng, gia đình nội ngoại hai bên.
Vượt qua hành trình mong con đầy khó khăn thử thách, ngày 15.7.2024, hai em bé Bơ và Sữa đã chào đời khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc của cả gia đình chị Hoan. Hai bé là minh chứng cho tình yêu, sự kiên trì và nỗ lực không từ bỏ của cặp vợ chồng trẻ, sau một thập kỷ mong chờ con yêu.
Tết Nguyên Đán Ất Tỵ năm 2025 cũng là cái Tết đầu tiên gia đình chị Hoan rộn ràng tiếng trẻ nhỏ ê a, tiếng cười nói trò chuyện rôm rả.
“Năm nay, vợ chồng tôi tự tin đi chúc Tết họ hàng, sẽ là một cái Tết rất khác khi đi đâu cũng sẽ mang con đi cùng cho thỏa niềm mong ước suốt 10 năm qua. Tết đến xuân về, tôi muốn nhắn nhủ đến các gia đình đang trên hành trình tìm con là hãy kiên trì không từ bỏ, chăm sóc thật tốt sức khỏe bản thân và nuôi dưỡng một niềm tin mãnh liệt về kết quả con yêu sẽ đến với chúng ta. Hãy cứ mơ và hãy cứ cố gắng, rồi một ngày giấc mơ sẽ có thật”, chị Hoan bày tỏ.