Dữ liệu về trái phiếu của cơ quan chức năng cho biết, Nam Cường có lô trái phiếu NAMCUONG_BOND2018_01 phát hành vào ngày 28.12.2018 với kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào 28.12.2023. Tổ chức lưu ký là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội (MB)
Lô trái phiếu này có mệnh giá là 100.000.000, khối lượng phát hành 7.180, tương đương 718 tỷ đồng, lãi suất 9,5%/năm,. Theo thông tin công bố, Nam Cường đã mua lại hơn 379 tỷ đồng, khối lượng còn lưu hành là hơn 338 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội được thành lập với tên ban đầu là Tổ hợp dịch vụ Vận tải vật tư nông nghiệp & xây dựng Xuân Thủy năm 1984. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình Tập đoàn với tên mới là Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường từ ngày 20.12.2007 và đến tháng 8.2009 được đổi tên giao dịch thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội theo giấy phép đăng ký số 0702001435 do Sở kế hoạch Đầu tư Tỉnh Nam Định cấp, đặt trụ sở tại Lô 24 đường Đông A, Khu ĐTM Hòa Vượng, TP Nam Định.
Trên thị trường bất động sản, Tập đoàn Nam Cường từng được biết với hàng loạt dự án bất động sản cao cấp như: Khu đô thị mới Dương Nội, khu đô thị mới Cổ Nhuế (tại Hà Nội), khu đô thị mới Hòa Vượng và Thống Nhất (tại Nam Định), khu văn hóa thể thao và đô thị mới phía Đông, khu đô thị mới phía Tây (tại Hải Dương) và hệ thống khách sạn Nam Cường ở các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội, Kiên Giang…
Nam Cường cũng được biết đến là một trong những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất “khủng” nhưng điều bất ngờ là, để có được quỹ đất như vậy, đa phần nhờ Nam Cường thực hiện các dự án BT.
Về tình hình kinh doanh của Nam Cường, theo dữ liệu tài chính, tính tới cuối năm 2016, tập đoàn Nam Cường có vốn điều lệ là 4.500 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch Lê Thị Thuý Ngà góp 4.230 tỷ đồng, tương đương sở hữu 94%.
Trong năm, doanh thu của Tập đoàn Nam Cường tăng gấp đôi so với một năm trước lên 306 tỷ đồng, lãi ròng đạt gần 134 tỷ đồng.
Năm 2017, doanh thu Tập đoàn Nam Cường nhảy vọt lên mức 547 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi khấu trừ đi các loại chi phí, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm gần 10% so với năm trước, đạt 121 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đến năm 2019, một năm sau khi phát hành lô trái phiếu hơn 700 tỷ nêu trên, doanh thu thuần của Tập đoàn Nam Cường giảm về mức 229,3 tỷ đồng, giảm 25% so với một năm trước. Lãi ròng cũng chỉ ở mức 28,6 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với mức lợi nhuận năm 2018 là 85 tỷ đồng.
Năm 2020, doanh thu thuần của Tập đoàn Nam Cường tiếp tục giảm khi chỉ đạt 79 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019. Lãi ròng tụt dốc xuống mức -5,5 tỷ đồng, so với mức lợi nhuận năm 2019 là 28,6 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31.12.2021, tổng tài sản Tập đoàn Nam Cường đạt 4.537 tỷ đồng, giảm gần 2.000 tỷ đồng chỉ sau 12 tháng. Doanh thu Tập đoàn Nam Cường đạt 144 tỷ đồng, tăng 82% so với năm 2020.
Phát hiện một số vi phạm của Tập đoàn Nam Cường
Trong năm 2022, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố kết luận thanh tra số 39/KL-TTr ngày 17.5.2022, trong đó nêu rõ những vi phạm tại dự án khu đô thị mới Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường.
Kết luận nêu rõ, thứ nhất, điều chỉnh quy hoạch mà không thuyết minh, tính toán hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không nêu lý do điều chỉnh; điều chỉnh quy hoạch không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, vi phạm khoản 3 phần 6 Thông tư 07/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng, khoản 1 Điều 29 Nghị định 08/2005/NĐ-CP.
Cụ thể: tại lô đất KS – hệ số sử dụng đất tăng thêm 1,5 lần, tầng cao TB tăng thêm 5 tầng (từ 20 tầng lên 25 tầng); tại lô đất HH-01, diện tích xây dựng tăng thêm 352 m2, mật độ xây dựng tăng thêm 5%, hệ số sử dụng đất tăng thêm 2,75 lần, tầng cao TB tăng thêm 5 tầng (từ 20 tầng thành 25 tầng); tại lô đất BVQT, tầng cao TB giảm 4 tầng (từ 19 tầng xuống 15 tầng).
Thứ hai, số lượng biệt thự liền kề tại tại quyết định phê duyệt điều chỉnh QHCT không đúng với bản vẽ đóng dấu thẩm định của Sở Xây dựng Hà Tây; UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản số 5493/UBND-QHXDGT cho phép thực hiện theo bản vẽ là chưa đảm bảo quy định về điều chỉnh quy hoạch.
Liên quan tới các tồn tại, sai phạm nêu trên, kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ trách nhiệm thuộc Sở Xây dựng Hà Tây, UBND tỉnh Hà Tây, UBND thành phố Hà Nội, Công ty TNHH Archipel Việt Nam và Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Thành Nam, Công ty Cổ phần tập đoàn Nam Cường Hà Nội.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo sở, ngành chức năng rà soát toàn bộ đồ án để khắc phục các tồn tại, trong đó có các tồn tại nêu trên.
Về cổng chào khu đô thị mới, kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ chủ đầu tư đã xây dựng 1 cổng chào cao 13,1m kết hợp với nhà bảo vệ 1 tầng tại khu vực giao thông giữa công trình nhà ở và công trình hỗn hợp – nhà ở HH-01 không đúng điều chỉnh QHCT được duyệt (là đường giao thông, không xây dựng công trình), đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ năm 2009.
Về công trình trụ sở văn phòng cao 27 tầng, kết luận cũng chỉ rõ trụ sở văn phòng tăng thêm 2 tầng so với số tầng cao trung bình theo điều chỉnh QHCT được duyệt là 25 tầng. Tại thời điểm kiểm tra, công trình đã xây dựng 27 tầng theo thiết kế cơ sở được Bộ Xây dựng tham gia ý kiến tại Văn bản số 664/BXD-HDXD ngày 21.4.2009.