Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị chuyên đề Nâng cao chất lượng xây dựng thể chế pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Bộ Tư pháp tổ chức chiều 3.4.
“Tuổi thọ” của văn bản pháp luật chưa cao
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh vai trò quan trọng của xây dựng thể chế trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn và cho rằng Hội nghị là cơ hội tốt để hai bên trao đổi thẳng thắn, lắng nghe, “soi mình” trong công tác xây dựng văn bản để pháp luật thực sự là công cụ quản lý xã hội, phát huy thực sự hiệu lực, hiệu quả trên thực tiễn.
Theo Bộ trưởng, trên thực tế "tuổi thọ" của một số văn bản quy phạm pháp luật rất ngắn và nhiều khi vẫn còn xung đột với nhau do các ngành khác chưa thống nhất được về cách tiếp cận. Do đó, cần tăng cường tính đối thoại giữa các bộ, ngành, từ cấp Trung ương đến địa phương để mở ra không gian, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với từng đối tượng.
Trình bày Báo cáo chuyên đề tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Nam cũng cho rằng, thể chế trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn cơ bản đủ về số lượng, các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ về cơ bản đều có văn bản pháp lý cao nhất là luật, song “tuổi thọ”, tính ổn định của một số văn bản chưa cao.
Có nhiều nhóm vấn đề, văn bản vừa được ban hành đã có kiến nghị đề xuất sửa đổi bổ sung với số lượng tương đối lớn. Một số quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật ngay sau khi ban hành, đưa vào thực tiễn cuộc sống đã nảy sinh vướng mắc, cần phải sửa đổi, bổ sung. "Tính đến thời điểm này, có 52 thông tư của Bộ được kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Bộ cũng đề xuất sửa 3 dự án luật trong đó có luật có hiệu lực từ năm 2019, 2020" - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Văn Nam cho biết.
Sức ép ban hành văn bản trong thời gian ngắn
Một trong những nguyên nhân được các đại biểu đưa ra là do quá trình ban hành văn bản pháp luật chịu sức ép lớn do thời gian ngắn, gây khó khăn cho việc xin ý kiến từ các bên liên quan. Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Như Cường dẫn chứng, Luật Đất đai là luật đặc biệt quan trọng, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp rất lớn, vì vậy việc xây dựng quy định cần thời gian và sự cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, thực tiễn đòi hỏi các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai phải được ban hành sớm. Bộ Nông nghiệp được giao xây dựng nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa, trình Chính phủ xem xét trong tháng 5.2024, nghĩa là chỉ có 2 tháng để Bộ xây dựng nghị định này.
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Quang Bảo nêu, khi xây dựng một nghị định, thời gian xin ý kiến các bộ, ngành, đơn vị liên quan mất vài tháng. Có những vấn đề chưa thống nhất giữa các bộ, ngành buộc phải xin ý kiến nhiều lần, giải trình và tiếp thu để đạt được sự đồng thuận tuyệt đối. Trong khi có những nghị định thời gian phải trình Chính phủ xem xét và ban hành rất gấp, gây khó khăn cho cơ quan soạn thảo.
Kinh nghiệm từ việc tham gia xây dựng luật của tổ chức thú y thế giới, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho rằng, chỉ cần có điều khoản trong luật không hợp lý thì Quốc hội và các đơn vị liên quan sửa điều khoản đó. Còn việc xây dựng luật, nghị định ở Việt Nam rất gian nan, đòi hỏi 100% thành viên Chính phủ phải thống nhất khiến quá trình xây dựng kéo dài có khi chỉ vì "một số câu chữ" chưa đồng thuận.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra một số quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị. Một số quy định trong hệ thống các luật, nghị định, thông tư còn vướng mắc, bất cập chưa phù hợp với thực tiễn quản lý, phát triển ngành và xu thế phát triển kinh tế nông nghiệp.
Cần nắm bắt, dự đoán các diễn biến công tác sửa đổi luật
Tại hội nghị, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều đánh giá cao sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng thể chế pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trong thời gian tới, các đại biểu kiến nghị, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan và các địa phương cần nâng cao tính chủ động trong những luật chủ trì và cả không chủ trì; nâng cao vai trò của tổ chức pháp chế; hiệu quả công tác phối hợp, truyền thông chính sách; một số lưu ý trong theo dõi thi hành pháp luật cũng như hợp tác quốc tế; về xử phạt hành chính trong một số lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; việc kiểm tra, rà soát văn bản theo thẩm quyền...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, đây là sáng kiến trong công tác xây dựng thể chế pháp luật nhằm xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật hiệu quả. Việc phối hợp liên ngành sẽ đảm bảo tiếp cận toàn diện, kết hợp kinh nghiệm chuyên môn của ngành nông nghiệp với lĩnh vực pháp chế.
Phản hồi ý kiến các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thời gian xây dựng nghị định quá gấp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, cần sự chủ động từ phía người làm chính sách, dự đoán các diễn biến của công tác sửa đổi luật, tránh sự bị động trong quá trình lấy ý kiến các bên liên quan. Bộ trưởng ghi nhận các ý kiến và cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tránh tình trạng chậm ban hành văn bản, chậm thẩm định, vướng mắc trong quá trình lấy ý kiến giữa các cơ quan.
Đánh giá hệ thống pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới còn nhiều khó khăn, thách thức cả về số lượng và tính chất phức tạp, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tháo gỡ từng nội dung, từng vấn đề; từ những quy định của chính sách, từ thực tiễn thực thi, từ quá trình thi hành luật, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.