Đánh giá nội dung sửa đổi của Luật Điện ảnh lần này đã tiếp cận đầy đủ cả hai mặt của điện ảnh, vừa là một ngành nghệ thuật, vừa là ngành công nghiệp văn hóa. Đại biểu Trần Văn Khải kỳ vọng dự luật sau khi sửa đổi sẽ tạo khuôn khổ pháp lý vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ nhưng cũng phải khuyến khích thu hút xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư, khuyến khích việc sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật có giá trị về văn hóa, giá trị nhân văn, giá trị giáo dục.
Liên quan đến chính sách Nhà nước hỗ trợ phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh tại Điều 5 của dự thảo luật, đại biểu đồng tình với chủ trương cần có cơ chế, chính sách, kể cả Nhà nước hỗ trợ để phát triển công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về việc dùng ngân sách để xây dựng trường quay hiện đại như dự thảo. Bởi để có trường quay hiện đại, phải đầu tư rất lớn, có quy hoạch, thiết kế, lập dự án rất bài bản công phu, phân tích hiệu quả đầu tư và đặc biệt là quá trình quản lý, khai thác, vận hành sau đầu tư cũng phải hết sức chuyên nghiệp và hiệu quả.
Đại biểu Khải cho rằng, nếu trường quay được đầu tư từ ngân sách nhà nước thì tài sản hình thành sau đầu tư là tài sản công, được quản lý và sử dụng theo quy định pháp luật về tài sản công. Khi tài sản công đã hình thành thì phải có đơn vị sự nghiệp công, hình thành bộ máy quản lý, con người, chi phí duy trì bộ máy, bảo trì bảo dưỡng... và phát triển ngày càng lớn hơn, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, theo đại biểu, thực tế cho thấy, việc này rất khó khả thi do nguồn vốn ngân sách nhà nước của ta rất hạn hẹp, không đủ; Trình tự, thủ tục đầu tư theo luật đầu tư công rất chậm và có nhiều vướng mắc; Năng lực quản lý, khai thác vận hành của bộ máy sự nghiệp công lập thường yếu, thiếu chuyên nghiệp, khó tránh khỏi lãng phí ngân sách và kém hiệu quả.
Đại biểu cho rằng, kinh nghiệm một số nước đang thực hiện theo chính sách xã hội hóa, đơn cử như phim trường Hoành Điếm tại thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), có tổng diện tích 30 km2, đây được coi là phim trường lớn nhất thế giới, được mệnh danh là Hollywood của Phương Đông. Phim trường này được xây dựng từ năm 1996 và liên tục mở rộng thêm các công trình mới, chủ của công trình này là ông Từ Văn Ninh. Phim trường này cũng là bối cảnh của hơn 4.000 bộ phim truyền hình quen thuộc với khán giả Việt Nam như: Anh hùng xạ điêu, Hoàng Kim Giáp, Vô cực, Họa bì, Chân Hoàn truyện, Mỹ nhân tâm kế...
Nhờ có phim trường Hoành Điếm mà vùng nông thôn nghèo của Trung Quốc đã trở thành khu du lịch nổi tiếng. Người dân tại đây thường vào vai quần chúng hoặc phát triển các dịch vụ du lịch phục vụ khách thập phương.
Từ đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật bổ sung các chính sách để khuyến khích xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện ảnh, đặc biệt là đầu tư trường quay hiện đại kết hợp với du lịch văn hoá đảm bảo tính khả thi của chính sách, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Về nội dung phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu đề xuất quy định hậu kiểm phải gắn với chế tài đồng bộ, đồng thời, kịp thời. Cụ thể, thứ nhất, có cơ chế để phát hiện, khắc phục hậu quả và để xử lý vi phạm nhanh nhất, kịp thời nhất sau khi phim đã được phổ biến trên không gian mạng để tránh các rủi ro, hậu quả về văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh.
Thứ hai, quy định rõ, chặt chẽ, có chế tài xử lý vi phạm nghiêm đối với các Chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng để buộc họ phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phân loại phim, phổ biến phim.
Thứ ba, xây dựng cụ thể các quy định, trình tự có liên quan như điều kiện, nội dung, thời gian kiểm duyệt trong trường hợp chủ thể phổ biến phim trên mạng chủ động đề nghị cơ quan nhà nước có ý kiến kiểm duyệt trước. Đảm bảo giảm bớt thủ tục hành chính, nhanh gọn, hiệu lực hiệu quả để khuyến khích các chủ thể xin ý kiến các cơ quan quản lý kiểm duyệt trước khi phổ biến, thu hút nhiều nhất các nguồn vốn tham gia phát triển ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà.