Tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm
Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai được xem là một trong những lưu vực lớn nhất cả nước gồm 11 tỉnh, thành phố; trong đó có Đồng Nai. Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai gồm có 4 sông chính gồm: Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải và Vàm Cỏ. Nguồn nước hệ thống sông này cung cấp cho khoảng 17 triệu dân sử dụng sinh hoạt và sản xuất. Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc của các ngành chức năng, chất lượng môi trường nước sông đã có cải thiện nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị ô nhiễm.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài Nguyên và Môi trường Đồng Nai, kết quả quan trắc chất lượng nước đầu mùa mưa (các đợt 1, 2, 3, 4 năm 2022) tại sông Đồng Nai cho thấy, nước mặt tại khu vực cấp nước sinh hoạt cơ bản đạt; chỉ 1 - 2 thông số chưa đạt. Riêng chất lượng nước mặt tại các khu vực nuôi thủy sản trên sông Đồng Nai đều có các thông số vượt quy chuẩn, nguyên nhân do trong quá trình nuôi thủy sản phát sinh nhiều thức ăn dư thừa, mật độ lồng bè quá dày, vượt khả năng tự làm sạch nguồn nước.
Theo đó, có nhiều nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước mặt trên hệ thống sông Đồng Nai. Cụ thể, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của tỉnh đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh còn nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong khu dân cư, không có hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Những năm qua, tình trạng khai thác cát trái phép cũng gây ra nhiều hệ lụy là diện tích đất ven sông bị sạt lở nghiêm trọng, nguồn tài nguyên cát từ sông Đồng Nai được cho là có chất lượng tốt nhất ở khu vực phía nam cũng bị đánh cắp và gây ô nhiễm môi trường từ quá trình khai thác.
Mặt khác, sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của các sở, ngành, đơn vị trong công tác quản lý tài nguyên nước, dẫn đến chưa có chương trình giám sát toàn diện và đồng bộ, nguồn lực bị phân tán và hiệu quả quản lý không cao, gây lãng phí thời gian và tài chính, gây bất lợi cho đối tượng sử dụng nước, đặc biệt khó khăn trong việc quy trách nhiệm khi có sự cố môi trường nước xảy ra.
Nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường
Để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước và bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, hiện tỉnh Đồng Nai đang triển khai các dự án nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước; nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng. Trong đó phải kể tới dự án ứng phó sự cố môi trường về tràn dầu và hóa chất độc hại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị và khu công nghiệp, kể cả chất thải nguy hại, chất thải y tế; thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải đô thị; quy hoạch tổng thể cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; nâng cao năng lực quan trắc môi trường...
Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước và bảo vệ nguồn nước; triển khai các biện pháp, công cụ kinh tế để từng bước ngăn chặn, tiến tới hạn chế dần tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả, nhất là thực hiện thu thuế và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình cung cấp và sử dụng nước, khai thác nước dưới đất của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp; đề xuất giải pháp ngưng khai thác nước dưới đất đối với khu vực đã có hệ thống cấp nước tập trung; tổ chức thực hiện dự án lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo đề cương đã phê duyệt; tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo quản lý vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, hợp tác với các tỉnh và Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai triển khai các giải pháp để bảo vệ nguồn nước mặt giai đoạn 2021 - 2025, đó là bảo vệ nguồn nước gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ xử lý nước thải; kiểm soát chặt tại nguồn nước thải.
Theo ông Ðặng Minh Ðức, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ðồng Nai, để giữ cho hệ thống sông Đồng Nai không ô nhiễm, các địa phương trong lưu vực sông Ðồng Nai cần tăng cường các hình thức trao đổi thông tin, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là địa bàn giáp ranh để ngăn chặn các vụ xả thải gây ô nhiễm cho hệ thống sông Đồng Nai. Tại mỗi tỉnh giáp ranh, cần đầu tư, lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động để chủ động kiểm soát nguồn xả thải và chất lượng nguồn nước...