Vladimir Ilich Lenin đã chỉ ra rằng: Chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội. Tổng thống Franklin D. Roosevelt - một trong ba Tổng thống kiệt xuất của Hoa Kỳ cũng nói rằng: Với ý nghĩa chân thực nhất, tự do không thể được ban tặng; nó phải được giành lấy. Có mất tự do thì mới hiểu cái giá của độc lập, tự do quý như thế nào. Mùa Thu, khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 cướp chính quyền, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu không phải bằng tiệc sâm panh thương lượng trên nghị trường, mà bằng máu và nước mắt của dân tộc ta. Chân lý đã khẳng định: Nước Việt Nam thuộc địa nhỏ bé, dân số ít, nhưng chiến thắng hai nước to, đông dân là Pháp và Nhật. Sự kiện trọng đại này thêm một lần nữa chứng minh cho tinh thần và triết lý của đại văn hào Victor Hugo: Không có đất nước nào nhỏ bé. Sự vĩ đại của một dân tộc không được quyết định bởi số người, cũng như sự vĩ đại của một người không được đo bằng chiều cao của anh ta.
![]() Ảnh: Duy Thông |
Cách mạng mùa Thu - tháng Tám đã tạo cảm hứng dào dạt phấn chấn về sự thay đổi kỳ diệu của đất nước, của người dân từ kiếp lầm than, nô lệ thành độc lập, tự do. Đặc biệt nhất phải kể đến bản hùng ca Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Cái thuở ban đầu dân quốc ấy”, Hồ Chủ tịch đã dám khẳng định quyền tự do, bình đẳng và viện dẫn Tuyên ngôn nước Mỹ, nước Pháp… là một tư duy chiến lược sắc sảo về quyền con người. Tinh thần làm chủ kiếp người còn được thể hiện vụt bổng, náo nức, phơi phới, chói chang trong thơ: Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời (Huế tháng Tám, Tố Hữu). Không vui sao được khi con người được đổi đời từ kiếp làm thuê thành chủ nhân đất nước! Không vui sao được khi người dân được ngẩng mặt cùng đoàn quân như thác vỡ bờ! Đoàn quân khởi nghĩa mang sức mạnh tổng hợp từ những thợ thuyền hầm mỏ, thợ thủ công, thương gia, trí thức, từ những bần cố nông ở làng quê bị bần cùng hóa tấc đất cắm dùi không có kéo nhau đi phá kho thóc Nhật, đánh chiếm phủ huyện. Có niềm vui hào hùng nào hơn khi Tổng hội công chức của Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn chiều ngày 17.8.1945 bị biến thành cuộc mít tinh của Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội lãnh đạo 15 vạn đồng bào… trong tiếng hát Tiến quân ca của Văn Cao và Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi.
Dòng thác cách mạng tạo dựng niềm vui bất tuyệt của non sông đất nước độc lập giữa mùa Thu cuồn cuộn giục giã trong Huế tháng Tám của Tố Hữu: Gió gió ơi! Hãy làm giông tố/ Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi/ Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!/ Ta vật ngã trong dòng người cuộn thác. Cờ đỏ sao vàng tung bay báo hiệu một thời đại mới, một số phận đất nước mới và những kiếp người mới. Xuân Diệu hào sảng như thể đứng trước quảng trường lộng gió mùa thu cùng Ngọn quốc kỳ reo vui hân hoan: Gió reo, gió reo, gió Việt Nam reo/ Mây bay, mây bay, mây hồng tươi sáng/ Gió ca trên non, gió ngợi trên đèo/ Gió hát trên đồng: máu đỏ cao treo/ Gió bay đi, mà nhạc cũng bay theo/ Đưa tin mới khắp trên trời nước Việt/ Hoa cỏ đón, mà núi sống cũng biết/ Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay.
“Cái thuở ban đầu dân quốc ấy/ Nghìn năm chưa dễ đã ai quên” là những ngày mùa Thu tháng Tám cướp chính quyền và Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2.9.1945. Nhưng cũng là thời gian đặt cột mốc lịch sử: ngày 6.1.1946 - Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nếu như Cách mạng tháng Tám là cách mạng dân tộc giành độc lập, tự do từ thực dân - đế quốc, thì cuộc Tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu đầu tiên ở nước ta là cuộc cách mạng thứ 2 - cách mạng dân chủ, bầu ra Quốc hội và lập ra Nhà nước dân chủ nhân dân hợp hiến hợp pháp. Trong Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, từ ngày hôm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa Quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình. Những công dân trên 18 tuổi bất kể nam nữ, già trẻ, giàu nghèo… ở 71 tỉnh thành trên phạm vi dải đất hình chữ S tự giác, náo nức đi thực hiện quyền làm chủ bầu được 333 đại biểu Quốc hội, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái. Từ đó, đất nước ta có một Quốc hội, một Nhà nước thống nhất và một Hiến pháp tiến bộ của Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Chế độ phong kiến hà khắc, nghiệt ngã với đạo tam tòng tạo nên những phụ nữ phụ thuộc, thụ động, không có vai vế trong gia đình, chẳng có địa vị ở xã hội. Thế nhưng, từ ngày 6.1.1946, phụ nữ không chỉ được quyền làm chủ với lá phiếu của mình mà còn có tới 10 đại biểu trong Quốc hội để gánh vác trọng trách quốc gia. Có thể nói Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên là cuộc cách mạng dân chủ mang tầm vóc lịch sử lớn lao, mà dưới thời phong kiến, thực dân đế quốc, người dân cũng chưa bao giờ nghĩ tới.
Nhà nhà thơ Rasul Gamzatov, cộng hòa tự trị Đaghestan - Liên bang Nga nói rằng: Nếu anh bắn quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác! Quá khứ tốt đẹp phải luôn được trân trọng, nâng niu; vì nó là phần tài sản của con người; nó cũng là di sản quý báu của quốc gia. Quay lưng lại truyền thống chính là sự hèn nhát tự phủ định giá trị của chính mình, của đất nước được xây bằng xương máu, mồ hôi, nước mắt của bao nhiêu người đánh đổi lấy độc lập, tự do. Cách mạng tháng Tám mùa Thu năm 1945 đã trở thành giá trị lịch sử của nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Nếu không có Cách mạng tháng Tám và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì không có chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy chấn động năm châu, không có ngày thống nhất 30.4.1975, và càng không có những thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay. Cũng như không có Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên ngày 6.1 với sự ra đời của Hiến pháp năm 1946, được đánh giá “là Hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém bất kỳ bản Hiến pháp nào trên thế giới”, thì sẽ không có các bản Hiến pháp tiến bộ năm 1959, 1980, 1992 và 2013. Phát triển và kế thừa truyền thống là sự lựa chọn thông minh, duy nhất đúng.
Chúng ta đang sống trong thời thế giới phẳng, thời hội nhập toàn cầu và phát triển. Dân tộc ta đã phải chịu áp bức, nô lệ hàng trăm năm, đã phải chịu nhiều đau khổ để tiến hành các cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do, dân chủ. Hơn bao giờ hết chúng ta hiểu được cái giá của hòa bình. Dân tộc ta yêu chuộng hòa bình, và đang nỗ lực làm bạn với tất cả các nước để xây dựng nền kinh tế thị trường, đoàn kết các tầng lớp nhân dân hướng tới một xã hội giàu có, công bằng, văn minh, tiến bộ. Thời mùa Thu cách mạng, dân ta cướp chính quyền bằng súng kíp, tầm vông, giáo mác; ngày nay quân đội ta hùng mạnh với những vũ khí máy bay tiêm kích Su-30, tàu ngầm diesel lớp kilo 636… để bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ hòa bình. Những con đường cao tốc và các cây cầu vượt sông Hồng, sông Tiền, sông Hậu thay cho cảnh đò giang chen chúc. Ô tô, xe máy nhiều hơn và đường xi măng đến từng ngõ ngách làng quê… thay cho gánh gồng trên đường làng lầy lội mùa mưa. Mỗi sớm mai chỉ còn nghe tiếng trống trường náo nức thay cho tiếng trống thúc sưu thuế “sân đình máu chảy, đường thôn lính đầy”. Cả quốc gia đã phổ cập giáo dục tiểu học, các đoàn học sinh đoạt giải thưởng Toán, Lý quốc tế hay GS. Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Toán học Fields… là những điều lớn lao, thời dân tộc hơn 90% mù chữ có nằm mơ cũng không thấy… Đất nước ta vẫn còn rất nhiều khó khăn, chúng ta không thỏa mãn với những gì đã làm được và đất nước cũng chưa kịp hóa rồng. Nhưng sự thật là đất nước đã thay da đổi thịt, người dân có cuộc sống mới đang cải thiện về chất và vị thế dân tộc đã bước lên tầm cao mới.
Ngày 6.1.1946, nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng được bầu làm đại biểu Quốc hội Việt Nam Khóa I. Ông là tác giả có cảm xúc mùa thu bay bổng nhất, cảm xúc đất nước sâu lắng. Đất nước trong thơ ông thiêng liêng, lộng lẫy bằng hình ảnh mùa thu đẹp da diết. Mùa thu xưa. Mùa thu nay. Và nỗi nhớ đất nước những ngày đau thương nhưng bất khuất anh hùng, chiến thắng: Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới.../ Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…/ Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về.../ Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.
Khí phách hùng dũng của người dân giành được độc lập tự do cũng là biểu tượng, là tư thế đất nước hết thời yếu hèn, non bấy đến thời hùng tráng đầy sức sống.