Bức tranh được thể hiện trong một không gian tròn khép kín với chiều dài 132m, cao hơn 9m, cùng phần mái vòm, tổng diện tích bức tranh gồm 2.500m2 tranh và 700m2 sắp đặt với 4 trường đoạn liên hoàn.
Phần mở đầu “Toàn dân ra trận” là hình ảnh những đoàn dân công, trong đó có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, không quản ngày đêm trèo đèo, lội suối, băng rừng, vượt thác, vận chuyển vũ khí và lương thực cung cấp cho tiền tuyến. Trường đoạn thứ hai có tên “Khúc dạo đầu hùng tráng” khẳng định sức mạnh của pháo binh ta với đòn đánh phủ đầu binh lính thực dân Pháp trong trận Him Lam, mở màn cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ.
Trường đoạn thứ ba “Cuộc đối đầu lịch sử” tái hiện chiến trường với những trận đánh giáp lá cà, giành giật từng tấc đất đầy cam go khốc liệt giữa ta và địch. Phần kết thúc “Khúc khải hoàn” đối lập với những hàng dài quân địch thất thểu, lầm lũi, cúi mặt lê bước ra hàng, là hình ảnh quân ta hừng hực khí thế chiến thắng, phất cao cờ đỏ sao vàng trên nóc hầm chỉ huy của tướng Pháp De Castries.
Đây là bức sử thi hội họa tái hiện toàn cảnh chiến trường Điện Biên Phủ trong một không gian đồng hiện đa hướng, đa tầng... khắc họa chân dung của hơn 4.500 nhân vật giữa khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và chiến trường Điện Biên khốc liệt…
Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc, chủ trì bức tranh panorama chia sẻ: Ý tưởng thực hiện bức tranh được đề ra từ năm 2012 khi tỉnh Ðiện Biên có chủ trương xây dựng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ. Trong thiết kế kiến trúc, Bảo tàng đã dành toàn bộ không gian tầng 2 để thực hiện bức tranh. Sau hơn 18 tháng thi công, đến nay bức tranh panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được hoàn thiện.