Trên mạng có thời kỳ lan truyền một bộ ảnh về nắp cống. Các loại nắp cống của Nhật nhiều tính mỹ thuật. Trang trí hoa lá, phong cảnh, các phong cách truyền thống cổ điển cho đến hiện đại. Một bộ sưu tập nắp cống mà cũng là sưu tập mỹ thuật gợi nhiều cảm hứng.
Nhưng bộ sưu tập đã giới thiệu tiếp các kiểu nắp cống của Việt Nam. Nắp cống bị bánh xe nghiến vỡ, giập nát, cốt sắt cong queo chìa ra. Nắp cống lắp lệch, xiên xẹo, gọi là đậy lên cho có. Nắp cống bị ăn cắp về làm vật dụng trong nhà ai đó. Nắp cống vắng bóng, tức là một cái miệng cống lộ thiên, không có nắp.
Điều đáng chú ý là ở bên dưới cái miệng cống vuông vắn, đủ cho hai người chui lọt ấy đang có một cô hàng rau. Hai thúng rau cần đặt trên miệng cống. Cô hàng rau đang đứng bên trong lòng cống cao ngang cổ. Cô làm gì thì người xem ảnh đều biết rồi. Từng mớ rau cần đang được cô lúi húi rửa dưới cái cống ấy. Nước cống thì cũng là nước.
Một người bình luận tấm ảnh bằng cách hỏi: các bạn nhìn giúp xem một người nông dân thật thà chất phác đang làm gì dưới cái cống ấy?
![]() Minh họa của Kim Duẩn |
Nói cho công bằng, ví thử người nông dân làm ăn cho thật thà ngay thẳng, cái lá rau không phun thuốc sâu thì nó lỗ chỗ, nó quăn queo, lá rau không đẹp, ai mua? Cái bánh phở không có phoóc môn thì nó bở, ai ăn? Ta thương người, nhưng người đâu có thương ta.
Người Việt từ xưa đã dạy nhau thương người như thể thương thân. Phải đem ra răn dạy như thế tức là trong đời vẫn chưa biết thương nhau. Giờ cứ nhìn vào hai cái ngành nóng bậc nhất là giáo dục và y tế thì thấy cái sự thương người và thương thân này. Thầy dạy không hết chữ, thầy giữ lại làm vốn làm mánh để trò phải đi học thêm. Học thêm là để lấy thêm kiến thức, nhưng cũng là để tăng thu nhập cho thầy. Thầy thương trò học thêm khốn khổ, thầy không mở lớp dạy thêm nữa thì ai thương thầy, ai thương vợ chồng con cái thầy. Thầy thuốc không nhận phong bì hoặc không thao tác các mánh thì ai thương thầy thuốc. Ai giúp thầy thuốc có đủ năng lượng để trực ca đêm để mổ để chích, để vững thần kinh trước ai oán rên la.
Rồi văn hóa nghệ thuật cũng thế. Người ta trách nghệ sỹ có đẳng cấp mà phải hạ mình thành gánh hát đi diễn tiểu phẩm hài chọc cười thiên hạ, đi làm những bộ phim những ca khúc tầm cao sát mặt đất. Những nghệ sỹ ấy, khi được tạo điều kiện có thể vẫn dựng được những vở kinh điển của thế giới. Nhưng bây giờ thì họ phải vặn xoắn hình thể nhăn mặt làm hề để mua lấy tiếng cười thiên hạ. Chẳng mấy chốc vài ba tiếng cười như thế là qua đi một sự nghiệp, qua đi một cuộc đời. Qua đi một cuộc đời nghệ sỹ, mà cũng qua đi một cuộc đời công chúng. Công chúng mà chỉ quen với đồ rởm đồ nhái đồ chất lượng thấp là cũng qua đi một đời. Nghệ sỹ mà biết thương công chúng, biết làm ăn cho ra bài ra vở ra tấm ra món ra tầm cỡ chiều cao, thì công chúng nào chịu đến xem. Ta thương người, nhưng người đâu có thương ta.
Con gà đẻ ra quả trứng.
Quả trứng lại sinh ra con gà.
Một cái vòng luẩn quẩn A sinh ra B rồi B lại sinh ra A.
Nhưng ở đây nảy sinh ra vai trò người quản lý lãnh đạo. Không thể để mặc cho gà và trứng luẩn quẩn loanh quanh. Muốn người ta thương nhau, thì phải tạo điều kiện cho người ta thương nhau. Tạo điều kiện. Người sản xuất không chỉ được răn dạy đạo đức, không chỉ được động viên khích lệ suông. Phải có giúp đỡ về vốn, có bù giá, có ưu đãi nguyên vật liệu, cơ sở vật chất. Thầy thuốc và thầy chữ, nhà khoa học và nghệ sỹ… tất thảy phải được tạo điều kiện để họ có thể bình tâm mà làm chuyên môn. Phải thương họ đã rồi mới mong họ thương người. Một vòng tròn vận hành nhịp nhàng A sinh ra B rồi B sinh ra A khi ấy mới có thể tạo lập.
Người ta vẫn mong rằng một khi tình thương có điều kiện để nảy nở, thì không còn có người hoài nghi mà rằng thời buổi này không dễ khơi gợi tình thương ở đồng bào. Viện ra một thực tế: sự vô cảm đã thành trơ lì, sự thu vén bản thân đã thành kinh niên, sự gian dối đã thành mãn tính, lòng tham đã thành quán tính, đường trở lại là đường gian nan. Ngủ ngày quen mắt. Ngay cả khi điều kiện được cải thiện thì vẫn còn đấy cái lý ta thương người, ai thương ta.
Nhà viết kịch Tào Mạt trong vở chèo Ỷ Lan nhiếp chính có một câu ông biến báo từ ca dao dân ca: Vì người người chẳng phụ công / Yêu người người sẽ vui lòng yêu ta.
Đúng triết lý nhân quả triết lý nhân văn của người Việt.
Nhưng có phải là hữu ý hay chăng, khi chân lý ấy tác giả đã đặt vào miệng nhân vật ông hề già, người suốt đời làm hề đùa cợt làm vui cho cung đình và thiên hạ.