“Làng nghề lên số”
Làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội, từ lâu đã nổi tiếng với nghề thêu truyền thống, đặc biệt là thêu long bào cho các triều đại phong kiến Việt Nam. Nơi đây còn được xem như cái nôi của những bộ trang phục hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Bao đời nay, các nghệ nhân của làng sử dụng kỹ thuật thêu đặc biệt để tạo ra sản phẩm có độ tinh xảo và chiều sâu vượt trội.
Nghệ nhân Nguyễn Thế Nhận cho biết, trải qua hàng trăm năm lịch sử, nghề thêu Đông Cứu vẫn giữ những quy tắc thêu, pha chỉ màu cho mỗi loại trang phục. Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh kỹ thuật thêu tay, còn áp dụng công nghệ. Một số công đoạn như làm mẫu thêu đã được hỗ trợ bởi công cụ in hiện đại, bảo đảm độ chính xác cao. Những hoa văn, họa tiết phức tạp, nghệ nhân vẽ mẫu ra giấy, thiết kế lệnh thao tác trên máy thêu vi tính. Một số công đoạn trước kia vốn do thợ phụ đảm trách như châm kiểu, thêu chỉ, độn nổi... thì nay được thay thế bởi máy móc.
Trên thực tế, việc sử dụng kỹ thuật thêu máy hầu hết dành cho những bộ trang phục có giá thành thấp, đáp ứng nhu cầu tạm thời của người dùng, bởi chất lượng thêu máy và thêu tay khác nhau. Nghệ nhân Nguyễn Thế Nhận giải thích, thêu tay bao giờ cũng có độ mềm mại, bởi có thể ước chừng sao cho sợi chỉ không quá căng. Còn với thêu máy, do tốc độ thực hiện nhanh nên nét thêu có độ cứng hơn. “Thêu tay trong một phút có khi chỉ được 10 mũi chỉ, nhưng thêu máy đạt tới 600 mũi/phút, tốc độ nhanh giật lên sợi chỉ sẽ chặt, mặt vải căng. Nói chung, áp dụng công cụ hiện đại vào thêu trang phục đem lại năng suất hơn rất nhiều. Thêu máy đáp ứng được yêu cầu thời gian ngắn, bảo đảm số lượng và hạ giá thành sản phẩm”.
Không chỉ áp dụng công nghệ để cải tiến kỹ thuật thêu, làng Đông Cứu còn ứng dụng internet, mạng xã hội vào khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; chị Tạ Thị Tú Anh, một thợ thêu trẻ của làng đã tiếp cận hướng đi này trong mấy năm qua cho biết, bây giờ, Facebook, Tiktok... trở thành cầu nối giữa nghệ nhân và khách hàng. “Trước đây khách muốn mua trang phục thêu phải đến tận nơi nhưng bây giờ chỉ qua kết nối điện thoại đã có thể biết được tường tận mẫu mã, hình dáng sản phẩm. Việc mua bán trở nên dễ dàng khi khách hàng được xem, được chia sẻ cặn kẽ từ đường kim mũi chỉ và dễ dàng lựa chọn sản phẩm ưng ý. Chúng tôi còn quay cả công đoạn đóng gói sản phẩm. Việc vận chuyển cũng nhanh chóng, thuận tiện. Với cách làm này, dù ở bất kỳ nơi đâu, mọi người đều có thể biết đến làng nghề, tiếp cận khăn áo của làng thêu Đông Cứu”.
Cân bằng truyền thống và hiện đại
Sự phát triển của internet, công nghệ, kỹ thuật, mở ra cơ hội phát triển làng nghề truyền thống. Như nghệ nhân Nguyễn Thế Nhận giờ đây còn có kỹ năng sử dụng hệ thống máy thêu hiện đại; với anh, làm nghề truyền thống không cứ phải đóng đinh truyền thống mà cần thay đổi nhận thức, cập nhật cái hay, hiệu quả để phát triển trong bối cảnh mới. Việc chuyển hướng phát triển không cứ là trách nhiệm của người trẻ mà kể cả nghệ nhân có tuổi nghề lâu năm cũng phải đổi mới tư duy. Có điều, đổi mới song không thể tách rời giá trị của nghề thủ công truyền thống.
Giá trị của nghề thủ công truyền thống chính là những nguyên tắc “bất di bất dịch” trong làm nghề. Như với nghề thêu, việc cập nhật mẫu mã sản phẩm theo nhu cầu thị trường là cần thiết, song không thể phá vỡ lối cổ. Ví dụ, hình ảnh rồng với năm móng vuốt tượng trưng cho uy quyền tuyệt đối, chỉ dành riêng cho vua. Khi thêu phải xoắn chỉ, vừa bắt nét quanh kim tuyến sao cho mềm mại mà vẫn đạt yêu cầu về độ chuẩn xác. Các chi tiết như chân rồng, móng rồng, mép rồng, vị trí hàm rồng không được quá cách tân, làm mất đi nét đặc sắc căn bản của hình tượng.
“Mình làm nghề để phục vụ khách hàng là chính, nếu khách hàng không muốn hình ảnh quá quen, quá cũ mà đòi hỏi khác đi, mình không làm thì người ta không tìm đến. Song cũng có những yêu cầu ví dụ thêu bộ cờ ngũ hành mà 3 - 4 lá có đường nét cổ, 1 - 2 lá thêu theo hướng cách tân thì tôi sẽ không làm vì nó phá vỡ quy tắc truyền thống. Đó cũng là thách thức của người làm nghề trong bối cảnh tác động của công nghệ, kỹ thuật, thị trường, biết cái gì sẽ giữ được truyền thống”, nghệ nhân Nguyễn Thế Nhận chia sẻ.
Thực tế, con đường phát triển làng nghề gắn với công nghệ, thị trường cũng là cách kéo giới trẻ đến gần với nghề thủ công. Ngày càng nhiều người trẻ hào hứng, tìm về làng nghề, tích cực áp dụng công nghệ hiện đại và đổi mới trong cách thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường… Như thợ thêu trẻ Tạ Thị Tú Anh, với cách nhìn mới mẻ, cách làm sáng tạo, đã đem sản phẩm thêu tiếp cận nhiều đối tượng hơn, từ đó góp phần bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị nghề thêu gia truyền.
“Xã hội càng ngày càng phát triển, chúng ta càng có những hướng đi tốt hơn, hiệu quả hơn. Như trang phục lễ hội phát triển còn dựa theo tín ngưỡng. Ngày xưa, áo cô (trong hầu đồng) thường thêu phượng, bây giờ đổi mới với lối thêu sen, thêu hạc… Ngày xưa, các chú các bác thêu tay chỉ tơ, chỉ kim tuyến, bây giờ có thể thêm sản phẩm đính đá, kết kim sa. Ngày xưa, tất cả công đoạn đều làm thủ công, bây giờ, tùy vào nhu cầu khác nhau mà sử dụng máy móc hay thêu tay. Cả hai chiều kích này không mâu thuẫn mà tương hỗ nhau, vì sự phát triển làng nghề, giữ nghề, lan tỏa giá trị của ông cha”, Tạ Thị Tú Anh nói.