Làm lợi cho ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng
Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 24/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ năm 2016 đã tạo cơ sở pháp lý để quản lý ngân quỹ nhà nước tập trung. Theo đó, Bộ Tài chính (cụ thể là Kho bạc Nhà nước) đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống tài khoản thanh toán tập trung để tập trung toàn bộ số dư ngân quỹ nhà nước từ các địa phương về Trung ương và gửi toàn bộ tại Ngân hàng Nhà nước.
Nhờ quản lý, sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước nhàn rỗi, Kho bạc Nhà nước đã đóng góp 10 nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước trong 3 năm 2019 - 2021. Cũng trong giai đoạn này, công tác quản lý ngân quỹ được gắn kết chặt chẽ với quản lý nợ, giúp ngân sách nhà nước giảm được chi trả lãi vay 3.100 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, công tác quản lý ngân quỹ nhà nước đã hỗ trợ tích cực Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, Nghị định số 24/2016/NĐ-CP còn một số hạn chế. Đó là chưa quy định cụ thể nguyên tắc sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi. Một số quy định về sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi trong nghị định này chưa phù hợp với Luật Quản lý nợ công năm 2017. Bất cập về thời hạn xây dựng và phê duyệt phương án điều hành ngân quỹ nhà nước dẫn đến việc đánh giá tình hình thực hiện ngân quỹ nhà nước quý chưa sát hoặc phải chậm hơn so với quy định.
Liên quan đến nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, Nghị định số 24/2016/NĐ-CP chưa quy định Kho bạc Nhà nước được xử lý tài sản bảo đảm trong các giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ trong trường hợp nhà đầu tư vi phạm hợp đồng, không thanh toán cho Kho bạc Nhà nước. Ngoài ra, Nghị định số 24/2016/NĐ-CP cũng thiếu vắng quy định về biện pháp bù đắp thiếu hụt ngân quỹ nhà nước bằng ngoại tệ; đồng thời nhiều quy định không phù hợp với định hướng cải cách hệ thống thanh toán, hướng đến xây dựng kho bạc số vào năm 2030 của Kho bạc Nhà nước.
Bãi bỏ hạn mức sử dụng ngân quỹ cho ngân sách cấp tỉnh
Trước thực tế này, Nghị định số 24/2016/NĐ-CP được sửa đổi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý trong quản lý ngân quỹ nhà nước, bảo đảm thống nhất với các quy định hiện hành, đáp ứng tiến trình xây dựng kho bạc số.
Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung nguyên tắc “việc sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được thực hiện bằng đồng Việt Nam”. Đối với phương án điều hành ngân quỹ nhà nước quý, Kho bạc Nhà nước trình Bộ Tài chính chậm nhất ngày 1 của tháng đầu quý, Bộ Tài chính phê duyệt "chậm nhất ngày 5 của tháng đầu quý"; đối với phương án điều hành ngân quỹ năm, Kho bạc Nhà nước trình Bộ Tài chính "chậm nhất ngày 1 tháng 1 của năm", Bộ Tài chính phê duyệt "chậm nhất ngày 5 tháng 1 của năm".
Liên quan đến ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được sử dụng để ngân sách Trung ương, ngân sách cấp tỉnh “tạm ứng”, “vay”. Các khoản tạm ứng ngân quỹ nhà nước của ngân sách Trung ương và ngân sách cấp tỉnh phải hoàn trả trong năm ngân sách và không được gia hạn. Các khoản vay của ngân sách Trung ương được phép gia hạn với thời hạn mỗi lần tối đa không quá 12 tháng. Các khoản vay của ngân sách cấp tỉnh được phép gia hạn một lần với thời hạn tối đa không quá 12 tháng. Theo Bộ Tài chính, quy định này nhằm ưu tiên sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để hỗ trợ cân đối ngân sách Trung ương và để nâng cao trách nhiệm trả nợ của các địa phương, tránh phát sinh các khoản vay của ngân sách cấp tỉnh bị kéo dài như trước đây.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ quy định hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách địa phương cấp tỉnh tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP. Điều này tránh tình trạng địa phương có nhu cầu nhưng không được tạm ứng/vay trong khi nhiều địa phương không có nhu cầu tạm ứng/vay nhưng được phân bổ hạn mức.
Đồng thời, dự thảo nghị định bổ sung quy định: Kho bạc Nhà nước mua ngoại tệ từ hệ thống ngân hàng để đáp ứng nhu cầu chi của ngân quỹ nhà nước; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Kho bạc Nhà nước về xử lý tài sản bảo đảm trong các giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ trong trường hợp nhà đầu tư vi phạm hợp đồng, không thanh toán.