Cây trúc đào có khả năng gây tử vong
Theo tài liệu khoa học, trúc đào là một trong những loài thực vật có độc tính cao nhất và chứa nhiều hợp chất có thể gây tử vong ở người, đặc biệt là trẻ em. Độc tính của trúc đào được coi là cực kỳ cao và đã có nhiều nghiên cứu cho thấy trong một số trường hợp chỉ cần lượng nhỏ cũng đủ gây tử vong hay cận kề tử vong. Đáng chú ý, bất kỳ bộ phận nào trên cây trúc đào, từ lá cho tới hoa, thân cây đều có độc, trẻ em chỉ cần ăn phải 1 chiếc lá trúc đào là đã có thể bị tử vong. Chính vì chứa nhiều độc tố gây nguy hại cho sức khỏe con người, nhất là trẻ nhỏ, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) mới đây đã có văn bản đề nghị cơ sở giáo dục tại các địa phương rà soát, loại bỏ ngay và không trồng cây trúc đào tại khuôn viên. Nếu phải trồng trúc đào với mục đích học tập, nghiên cứu thì cần có biển cảnh báo và các biện pháp kiểm soát an toàn phù hợp.
![]() | |
Cây trúc đào được trồng tại thảm cỏ trên đường Láng | Ảnh: P. L |
Mặc dù tài liệu khoa học cũng như Bộ Y tế đã khuyến cáo về sự nguy hiểm của cây trúc đào đối với sức khỏe con người, thế nhưng cây trúc đào được trồng tại rất nhiều nơi trong thành phố. Chỉ cần đi dọc các tuyến phố Liễu Giai, Đào Tấn, Văn Cao, Nguyễn Khánh Toàn, đường Láng, Hoàng Cầu… người đi đường có thể dễ dàng bắt gặp những bụi trúc đào lớn, mọc um tùm tại các dải phân cách.
Bác Nguyễn Thu Thủy (phố Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy) cho biết: Cây trúc đào là loại cây có khóm rất đẹp, nở hoa nhiều lần trong năm với màu sắc rực rỡ, rất phù hợp trồng tại dải phân cách để làm đẹp cảnh quan đô thị. Thế nhưng, sự nguy hiểm của loại cây này đối với con người thì hầu như những người lớn tuổi như chúng tôi ai cũng biết. Chỉ cần dính chút nhựa cây là đã có thể gây dị ứng, trẻ nhỏ không biết mà ăn lá hoặc hoa của cây này là đã có thể nguy hiểm tính mạng.
Tuy nhiên, cũng có không ít người khi được hỏi không hề biết cây trúc đào nguy hiểm, có khả năng gây tử vong. “Nếu cây trúc đào có thể gây chết người khi ăn phải lá, hoa, tại sao vẫn được trồng ở nơi công cộng? Trong trường hợp đã trồng tại nơi công cộng từ lâu, tại sao không chặt đi hoặc có biển cảnh báo để người dân biết, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc?” - chị Ngọc Anh (trú tại đường Láng) đặt câu hỏi.
Thay thế toàn bộ cây trúc đào trong nội đô
Trao đổi về việc này, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây Dựng Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cây trúc đào được trồng trong khu vực nội đô từ khi triển khai mở đường. Điển hình như tại khu vực Hào Nam - Yên Lãng, Hoàng Cầu hay Nguyễn Khánh Toàn, cây trúc đào đã được trồng cách đây chục năm. “thành phố không có chủ trương trồng cây trúc đào trong đô thị và những trường hợp nêu trên là tồn tại cũ. Trên thực tế, cũng phải nhìn nhận cây trúc đào được trồng ở các giải phân cách, đảo giao thông tạo cảnh quan đẹp, hơn thế, loại cây này dễ sống và không phải chăm sóc nên chúng tôi vẫn tạm thời để lại. Về tương lai, khi nào có những dự án mới, chương trình chỉnh trang đồng bộ cây xanh đô thị, chúng tôi sẽ thay thế và điều chỉnh” - ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Tuy nhiên, năm 2005 Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 20/2005/TT-BXD hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị, trong đó quy định rõ: “Cây xanh thuộc danh mục cây cấm trồng là những cây có độc tố, có khả năng gây nguy hiểm tới người, phương tiện và công trình”. Ngoài ra, rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Phước… đều đưa trúc đào vào danh sách loại cây cấm trồng trong đô thị; đối với những cây trúc đào được trồng từ trước thì phải có phương án thay thế.
Trong khi đó, Hà Nội - một trong những đô thị có nhiều cây xanh nhất cả nước - chưa hề có văn bản nào quy định việc cấm trồng cây trúc đào. Thậm chí, tại Quyết định số 1495/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về “Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050”, trong mục 7.2 là “Lựa chọn các loại cây đô thị” vẫn có tên trúc đào. Điều này khiến cử tri và dư luận không khỏi băn khoăn, thắc mắc về tính khoa học của quy hoạch này.
Chính vì vậy, cử tri mong muốn thành phố có văn bản quy định rõ ràng về việc trồng cây trúc đào trên địa bàn, trong đó nêu rõ loại cây này được trồng ở đâu, trong phạm vi nào? Đồng thời, cần sớm lên kế hoạch thay thế những cây trúc đào tại khu vực nội đô, đặc biệt là tại khu vực đông dân cư, thảm cỏ, đảo giao thông… lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực trồng cây trúc đào để tránh hậu quả đáng tiếc.