GRDP đứng thứ 13 cả nước
HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường phân cấp, phân quyền, gắn với cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, bảo đảm thực chất, hiệu quả, tránh lãng phí thời gian, nguồn lực. Thực hiện đồng bộ, liên thông, chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và các địa phương để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp và các thành phần kinh tế.
Đồng thời, tiếp tục rà soát bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách của địa phương, phù hợp, thiết thực đủ mạnh để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường kiểm tra, giám sát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao việc nêu gương và trách nhiệm người đứng đầu; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Chung
Báo cáo kết quả nổi bật trong năm 2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh, mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện thành công chủ đề năm 2021, biến áp lực thành động lực, thích ứng linh hoạt thực hiện “mục tiêu kép” trong bối cảnh mới với nhiều sáng tạo chưa từng có tiền lệ, bảo đảm đúng, trúng trong kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 (giá so sánh với năm 2010) ước tăng 6,9% so với năm 2020 (đứng thứ 7 vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 13 cả nước). Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5%; xuất khẩu hàng hóa tăng 18,7%; sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, giá trị sản xuất tăng 3,6%. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 31.110 tỷ đồng, vượt 11,7% dự toán năm; trong đó, thu nội địa ước đạt 23.710 tỷ đồng, vượt 6,2% dự toán. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả các chỉ số năng lực điều hành của chính quyền các cấp. Trong đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vẫn tiếp tục nằm trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) vượt lên đứng thứ 4/63 (tăng 46 bậc); chỉ số sẵn sàng chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh thông qua quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng hiện đại; điều chỉnh quy hoạch chung đô thị tỉnh Bắc Ninh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu đô thị; đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa và các đề án thành lập thị xã Thuận Thành, Quế Võ…
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh; ký kết thỏa thuận phát triển Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD. Tổ chức đối thoại, thành lập Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp "3 nhất", kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Công tác giáo dục đào tạo kịp thời chuyển đổi linh hoạt, bảo đảm kế hoạch học tập, giảng dạy; chất lượng giáo dục mũi nhọn đứng thứ 7 toàn quốc về tỷ lệ thí sinh đạt giải, đứng thứ 6 toàn quốc và thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng về thí sinh đạt giải nhất tại kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2020 - 2021.
Sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực
Tại Kỳ họp, các đại biểu đã tập trung đánh giá khách quan, toàn diện tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh để tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu đề ra. Đồng thời, nhất trí với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, với chủ đề năm là “Tiếp tục đoàn kết - sáng tạo - kỷ cương - trách nhiệm; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tập trung kiểm soát tốt dịch Covid-19; phát triển kinh tế - xã hội bền vững; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị”. Tỉnh Bắc Ninh phấn đấu, GRDP tăng 5 - 6% so với năm 2021; thu nhập bình quân đầu người 77,1 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa 43%; tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2022 là 1,1% (theo chuẩn mới)...
Theo đó, các đại biểu HĐND tỉnh đóng góp ý kiến vào 61 báo cáo, tờ trình; đồng thời, thông qua 30 nghị quyết với tỷ lệ thống nhất cao. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành trong tỉnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh phúc lợi xã hội, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển đô thị, quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Phát biểu tại Kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Chung nhấn mạnh, dự báo năm 2022 vẫn tiếp diễn nhiều khó khăn, thách thức, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương cùng cả hệ thống chính trị tiếp tục chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực, khai thác hiệu quả các nguồn lực đầu tư, khẩn trương triển khai ngay các nghị quyết của HĐND tỉnh; quyết tâm, kiên trì thực hiện mục tiêu kép, triển khai thực hiện hiệu quả nhất các chủ trương, chính sách, giải pháp của Trung ương, tỉnh. Đồng thời chú trọng một số nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có nội dung "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", tập trung khắc phục hậu quả của dịch bệnh, tận dụng tốt cơ hội để khôi phục, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, khơi thông mọi nguồn lực, bảo đảm an sinh xã hội, không để suy giảm các động lực tăng trưởng. Mặt khác, ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; nhanh chóng khôi phục thị trường lao động, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa thông suốt.