![]() Nhà văn Ba Lan Janusz Leon Wisniewski |
Tình mẫu tử bất diệt
- Cuốn sách mới nhất của ông về tình mẫu tử, khác những tiểu thuyết trước đó của ông toàn kể về tình yêu nam nữ. Do đâu mà ông quyết định thay đổi đề tài?
- Thì cũng do tình yêu thôi (cười). Nói chung, đây là đề tài rất riêng tư. Người đàn bà trở thành nhân vật chính trong sách của tôi - đó là mẹ tôi, còn nhân vật nam chính - đó là tôi. Tôi đã mất mẹ từ khi còn trẻ, mẹ tôi bị bệnh tim, mất khi còn khá trẻ, nên suốt đời tôi vẫn giữ cảm giác là mình vẫn chưa nói xong với mẹ câu chuyện quan trọng nhất. Trẻ con thường có sai lầm là chúng cứ tưởng bố mẹ bao giờ cũng ở bên mình thì mình nói chuyện lúc nào chẳng được. Nhưng đột nhiên gặp phải một ngày không còn bố mẹ nữa. Lúc đó mới thấy, mình vẫn còn muốn hỏi mẹ nhiều điều, còn muốn nhận được giải đáp của chính mẹ. Nhưng muộn rồi. Những điều trước đây tưởng chừng không quan trọng, bởi vì lúc nào cũng hỏi được mẹ, nay bỗng nhiên trở nên rất quý giá. Nên nhiều năm tôi vẫn giữ cảm giác là mình nói chuyện chưa hết với mẹ. Tôi yêu mẹ, và mẹ rất yêu tôi. Khi tôi học nghề thủy thủ năm năm, từ mười lăm đến hai mươi tuổi, trường ở rất xa thành phố quê hương, mẹ ngày nào cũng viết thư cho tôi. Học xong, tôi đã có đầy một va li thư mẹ. Những bức thư thông thường, có khi buồn tẻ - về con chó, về những gì diễn ra trong nhà. Đối với tôi, giao tiếp với mẹ là việc thường ngày. Toàn bộ giá trị của việc đó, tôi chỉ cảm nhận được từ khi mẹ không còn nữa.
![]() Tác phẩm mới nhất Cùng con trai lên Facebook |
![]() Cô đơn trên mạng mới được NXB Trẻ tái bản,bìa của họa sĩ Kim Duẩn |
Địa ngục và thiên đàng
- Về cả di truyền?
Tình nhân (tức Lạc nhịp) mới được NXB Trẻ tái bản,bìa của họa sĩ Kim Duẩn
- Xin hiểu cho, một số người cực tin vào thượng đế, một số người khác lại hoàn toàn không. Và mẹ tôi muốn dùng những nghiên cứu mới nhất trong di truyền học để tìm giải đáp cho câu hỏi đó. Có “gien thượng đế” hay không? Về vấn đề này, đến nay đã có hàng loạt công trình nghiên cứu khoa học. Trong các phân tử ADN đã thấy những đoạn được gọi là “gien thượng đế”. Những người mang “gien thượng đế” thì cực tin vào sức mạnh siêu nhiên, còn những người không có gien đó thì là kẻ vô thần. Ví dụ, có một nghiên cứu rất lý thú về cặp trẻ song sinh sống tách biệt nhau sau khi rời bụng mẹ. Chúng được nuôi dạy trong hai gia đình khác nhau, ảnh hưởng của xã hội đến sự hình thành tính cách rất khác nhau, nhưng lớn lên, cả hai đều có đức tin, bởi vì chúng mang “gien thượng đế”. Tức là, có thể dùng di truyền học để giải thích về thiên hướng vươn tới sự siêu việt của con người.
- Ông nghĩ thế nào, ông sẽ xuống địa ngục chứ?
- Tất nhiên. Tôi cũng nhiều tội lỗi. Tôi còn muốn ngoài bìa, ở dòng tác giả phải ghi cả họ tên hai mẹ con tôi, nhưng rất tiếc, nhà xuất bản đã từ chối, mặc dầu đó là cuốn sách rất riêng tư, rất quan trọng đối với tôi.
- Ông viết cuốn đó có lâu không?
- Không, nhanh đến lạ thường, đúng nửa năm. Khai bút năm 2011, đúng vào ngày sinh của mẹ tôi, đến cuối tháng mười đã xong, hơn 400 trang. Đầu tiên sách ra ở Ba Lan, sau đó - Ukraina và Nga, mà các dịch giả khá vất vả - tôi viết bằng thứ ngôn ngữ Ba Lan cổ có pha ngôn ngữ Đức. Mẹ tôi ra đời ở Berlin mà. Cuốn sách chỉ toàn độc thoại - hơn 400 trang mẹ tôi độc thoại với tôi.
Cuộc sống trong thế giới ảo
- Trong cuốn sách này, cũng như Cô đơn trên mạng, ông trở lại chuyện internet?
- Tôi sử dụng mạng từ năm 1984, viết luận án tiến sĩ tin học ở Mỹ, hồi đó internet chưa phát triển, chưa có trang web và nhiều thứ như bây giờ, nhưng đối với tôi, internet đã quen thuộc như điện thoại vậy. Mọi người đều hỏi tôi về internet nhưng không hỏi gì về điện thoại - không ai vẽ hình chiếc máy điện thoại lên bìa sách. Tôi hiểu, đó là công nghệ tương đối mới mà tôi là tác giả đầu tiên viết về những cảm xúc trong mạng, cho nên tiểu thuyết của tôi mới nổi tiếng như thế. Nhưng tôi nghĩ, sắp tới, internet sẽ không còn mới lạ nữa, nó sẽ trở nên bình thường đối với mọi người, như máy điện thoại vậy.
- Nghĩa là, các mối quan hệ thông qua internet sẽ trở thành chuẩn mực?
- Thì nhiều người chẳng đã thiết lập các mối quan hệ qua mạng đó sao. Bởi vì ở đó, ngoại hình không có ý nghĩa như trong đời thực. Nhiều người ngại tiếp cận một cô gái hoặc một chàng trai, vì trong đời sống thực họ bắt quen khá khó khăn. Phụ nữ lại càng đặc biệt khó - bởi đàn ông hay để ý đến những phụ nữ xinh đẹp. Cái này được gọi là “hội chứng quán bar đêm”. Khách vào quán thường tìm đến người phụ nữ xinh đẹp nhất. Nếu cô ấy đã có người săn sóc, thì tìm đến cô không đẹp bằng thế nhưng lại có nụ cười tươi. Nếu như đến với người phụ nữ nhan sắc tầm tầm thì chỉ là để sau đó khỏi phải về nhà một mình. Đó là chuyện tâm lý. Nhưng trong các quán đêm trên mạng thấy toàn những cô xinh nhất mà thôi (cười). Cánh đàn ông nghĩ thế. Yahoo có gom ý kiến về các mối quan hệ trên mạng, họ hỏi phái nam: bạn viết cho những người phụ nữ như thế nào? Và 85% trả lời rằng viết cho người phụ nữ mà họ nghĩ là xinh đẹp nhất. Tức là, trên mạng không có phụ nữ nào xấu xí. Và phản ứng của cánh đàn ông đối với sự giao tiếp trên mạng cũng hoàn toàn lạ - nhiều vị thú nhận là khi giao tiếp với phụ nữ trên mạng, họ được căng bụng duỗi vai như nằm trên bãi biển. Thường nhận được nhiều thư nên tôi biết, có nhiều đôi quen nhau trên mạng, sau đó, khi đã gặp nhau trong đời thực, họ mới hiểu ra rằng nếu họ gặp nhau trong đời thực trước tiên, chắc sẽ chẳng có mối quan hệ nào sau này. Trước khi gặp nhau, nàng đã có cơ hội kể về mình, về những phẩm chất nội tại của mình. Trong quán thực thì không có cơ hội ấy - nàng có muốn kể, nhưng chẳng ai muốn nghe. Trên mạng thì người ta nghe. Thế là, không quan trọng gì nữa nếu ngực nàng hơi nhỏ, bụng chàng hơi phệ và đầu lại hói. Tổng cộng tôi được mời dự bốn chục đám cưới của những đôi quen nhau trên mạng. Họ nghĩ rằng cuốn sách của tôi đã giúp họ, nên họ phải mời tôi vào bàn tiệc. Tất nhiên là tôi không đến dự - kiếm đâu ra ngần ấy thời gian?
- Tất cả đều hệt như đời thực, kể cả chuyện bội tình chứ?
- Bội tình không bắt đầu khi lên giường cùng người khác, mà đã từ trước đó - khi con người kể chuyện gì đó quan trọng cho không phải người đàn bà hoặc người đàn ông yêu dấu của mình, mà viết lên trên mạng, viết cho một ai đó khác. Đấy đã là một cách bội tình. Tình yêu chỉ có khi nào anh muốn chạy băng về nhà, để kể tất cả các chuyện quan trọng cho người yêu dấu nghe, ngay từ lúc vừa bước qua ngưỡng cửa. Nhiều người không muốn kể những chuyện đó cho chồng, bởi vì chồng có nghe đâu, thế là viết lên mạng, kể cho người khác nghe. Khi người đàn bà tìm thấy trên mạng một người lắng nghe mình thì nảy sinh những mối quan hệ mới.
- Ông có giao tiếp với hai con gái của mình qua mạng không?
- Không nhiều. Tất nhiên, các cháu có trang cá nhân trên Facebook, nhưng giao tiếp đời thực vẫn hơn. Thực tình, hai cháu rất bận, lại trẻ và xinh nữa, gặp chúng thật khó, đau thế chứ! Nếu muốn gặp con, tôi phải viết cho chúng trước. Cháu út nhà tôi đang học ở Petersburg, nó phải lòng thành phố ấy rồi nên chọn học ở đấy, mặc dù có thể du học ở bất cứ nước châu Âu nào. Tôi cũng bị Petersburg gây ấn tượng, nên đã kéo tất cả các đồng nghiệp ở Đức đến đấy. Ai chưa thấy Petersburg thì chưa thể gọi là sống (cười). Hiện nay tôi còn nhận dẫn chương trình trên một kênh truyền hình Petersburg, đàm luận với các ngôi sao của Nga về vấn đề tình yêu. Ví dụ, có một đề tài “Phụ nữ ngoại bốn mươi - cuộc sống mới chỉ bắt đầu”. Ở Nga người ta sùng bái lạ lùng - sùng bái thời trẻ của người phụ nữ.