Hôm đó, Sáu bàng hoàng tỉnh cơn mê rượu, mê thôi, chưa say, phát hiện ra có một hoa hồng bên cạnh. Hoa hồng sực nức mùi hương hublon thơm ngát. Không chịu nổi sức cám dỗ của dục vọng, Sáu đắm vào mê cuồng của chuyện gối chăn. Tỉnh ra mới biết hoa kia là mẹ vợ.
Chuyện một phụ nữ ba mươi ngủ với một gã trai mười bảy và mê đắm gã chả có chi lạ trên thế gian nầy. Và chuyện ăn quen mà nhịn không quen cũng chả có chi lạ với một thằng trai mới lớn. Lém ta đắm vô tay của ma nữ đa tình, làm sao mà không ngã cái oạch vô bẫy của một người mà chuyện gối chăn đã lên tận đỉnh của đỉnh. Để mọi chuyện trong vòng kiềm tỏa, người đàn bà đa tình đưa cậu trai từ vùng biển ngoài Trung vào xứ cao su. Lúc đầu họ mở quán bán ba cái linh tinh cho dân cạo mủ. Sau đó Sáu xin vô làm công nhân.
![]() Minh họa của Thúy Hằng |
- Công nhân cao su ngon lành vậy mà sao nó bỏ?
- Sáu si tình con Ngộ. Anh biết đó, mấy cái vụ nầy đàn bà họ tinh lắm. Bà Phượng đánh ra mùi thằng chồng trẻ chán cơm nếp nát liền nổi tam bành, mụ ta chửi cho Sáu thiếu cái tắt bếp. Sáu chán quá liền đi theo tiếng gọi, bỏ hẳn con đào già. Vậy đó.
- Vậy là vậy làm sao? Cả hai bỏ biển vô cao su mà người nhà họ để yên à?
- Yên sao được anh. Nó dậy cả góc trời chứ phải chơi sao.
Thằng Tư - anh Sáu Lém - nghe qua là kinh tâm. Mẹ ơi. Luận tuổi tác và vai vế Tư phải gọi Phượng không bác thì cũng thím. Nay mẹ vợ dẫn con rể đi xây tổ ấm thì quá xá là luân loạn loạn luân. Thiên hạ vỗ bụng thiếu điều chết vì cười. Tiếng cười lộng lộng buốt rát não bộ. Tư bỏ cửa bỏ nhà bỏ công ăn việc làm tìm cho bằng được thằng em về. May quá, thế giới nầy tuy rộng nhưng nhờ trái đất tròn nên xà quần rồi cũng gặp nhau. Một hôm kia thiên hạ tha phương cầu thực thấy Sáu Lém đang trong vườn ươn cao su ở huyện X tỉnh Y.
- Mày làm gì trong nầy? - Thằng anh hỏi - Đi theo tiếng gọi hả?
Chả cần Sáu trả lời anh Tư liền ra lệnh:
- Mày theo tao về gấp.
- Nhưng mà…
- Mà sao?
- Bả có bầu rồi anh Tư ơi.
- Trời ơi là trời. Bà mẹ mày. Ăn cái gì mà mày lú đi vậy, bả là má mày, mày hiểu không? Bây giờ có đẻ ra rồng rắn chi kệ bả. Mày về với tao gấp.
Vậy là Sáu theo anh về với biển bỏ sương phụ lại một mình với cái bầu. Anh lôi em lên ghe ra biển tung hoành. Chỉ có hải hồ biển rộng trời cao mới có thể làm cho chí lớn thấy ái tình là con chí mén. Chuyến ấy những ba tháng mới trở lại bờ, Sáu cũng tạm quên đi cái duyên tình trái khoáy. Kẹt cái dân biển chi cũng dư nhưng khoản đàn bà luôn luôn thiếu. Sáu ta sành sỏi lắm rồi chuyện gối chăn, cái chi quen cũng nhịn được nhưng ái tình thì không. Sáu xủng xoẻng vài đồng trong túi liền lang thang ra thị trấn. Và bất ngờ gặp em Loan.
Loan vốn yêu Sáu, là tình đầu nên làm sao quên. Danh chánh ngôn thuận cô là vợ chưa cưới của Sáu. Lúc ấy Loan mười lăm rưỡi rồi. Cô chận người xém là chồng lại rồi chả hiểu ra làm sao lại thút thít khóc. Đúng là bụng đàn bà dạ con nít, sau vài câu ong ve Loan đã tựa đầu vào vai Sáu mà tỉ tê. Và đó là cơ hội để chết cái danh Sáu Lém.
- Anh Ba thấy kinh dị chưa?
- Thường thôi, kinh dị con khỉ khô gì.
- Là con Loan có bầu với thằng Sáu anh Ba ơi.
- Vậy cũng chẳng có chi lớn. Mày ở ngoài đời mà không nghe vụ Hoàng Thị Huệ và Nguyễn Tuấn Mạnh à?
- Vụ gì? Ở đâu?
- Đúng là tụi mày không báo chí nên dốt đặc. Tao ở trong ấp vậy chớ ngày nào cũng vài ba tờ báo nên rành. Hoàng Thị Huệ mê cầu thủ bóng chuyền tên Nguyễn Tuấn Mạnh đã cùng nhân tình giết chồng là Phạm Thanh. Sau đó bà Huệ gả con gái cho Mạnh để danh chánh ngôn thuận ở luôn trong nhà. Nghĩa là tay cầu thủ là chồng của cả hai mẹ con. Hiểu không? Con gái bà Huệ đẻ ra một thằng cu, vậy là cu con gọi Mạnh vừa là cha vừa là ông ngoại… khì khì khì…
- Bà Huệ có con với Mạnh không?
- Không.
- Vậy làm sao so với thằng Sáu được anh Ba. Sáu vừa là cha vừa là ông ngoại, vừa là chồng vừa là con rể. Đúng là hỗn loạn như ống phun trấu trong nhà máy chà…
- Chả phải đời nầy mới hỗn loạn đâu. Mà dẹp hỗn với loạn đi, mày nói tiếp đi.
Phượng Lai đâu thể nào để thằng tình trẻ thoát vòng kiểm tỏa của mình. Bằng một cách nào đó Phượng quay trở lại rồi bà già lại cùng cậu trẻ vù tiếp. Sáu bỏ lại cô Loan với cái bầu. Nói ra nghe có vẻ bi kịch nhưng suy cho cùng cũng chả bi thiết chi. Loan có cả một cơ ngơi hùng hậu, quán cà phê cũng dư cho cô làm bà. Mọi chuyện trên cõi đời nầy khó khăn cỡ nào cũng qua nếu có tiền. Rồi Loan cũng sanh đẻ như người lớn. Cô đẻ cho Sáu một con trai, và trong miền đất cao su Phượng Lai cũng cho ra một trai. Đó là lý do Sáu có hai thằng cu cùng một tuổi.
Phượng đăm đắm tình với Sáu. Làm sao mà không mê mẩn một gã trai đang kỳ sung mãn? Và đứa con đã làm Sáu quên mất lối về. Anh ta yêu lắm con mình, cũng biết ở phía biển tình trẻ lâm bồn nhưng dưới áp lực của tình già Sáu đành an ủi, dù gì cũng còn có anh Tư. Y như rằng, Tư đâu thể lôi kẻ đã chạy đi. Anh ta ra công lo cho em dâu vuông tròn. Chứ biết sao bây giờ? Ông ngoại nhỏ Loan đã chết. Hai thằng em lai đã ra đi, còn lại thằng nhỏ con ông hạ sĩ quan thì đâu phải việc nó mà nó lo. Tư với tư cách anh chồng ra tay là đúng quá, may cái anh ta chưa vợ con chi nên cũng tiện. Loan nuôi con được một năm, có lẽ không chịu được cảnh đêm năm canh vò võ, cô cặp kè với một thằng xâm mình. Thằng nầy dân chơi thứ thiệt miệt biển, dữ dằn và ghen tuông khét tiếng. Cô gái phải đem con giao cho anh Tư. Tư phải nuôi chứ biết làm sao? Khó khăn lắm lắm, may mà thằng nhỏ bỏ vú mẹ rồi, bằng không có mà chết.
Vậy là xem như yên. Sáu chả còn băn khoăn chi nữa, anh ta yên tâm phụng sự gia đình mình. Khỏe như một con tê giác. Thoạt tiên Sáu làm thuê phổ thông cho nông trường cao su như đào lỗ trồng mới, cấy ghép vân vân. Sáu nhậu nhẹt cũng ra hồn thêm cái hiền lành thiệt thà nên mấy tay kỳ cựu trong nghề cạo mủ cho theo làm đệ tử. Họ chỉ cho cách cầm dao cạo, và cạo như thế nào để trở thành bậc sư. Phải làm sao cho thành thục thì mới có cơ hội vào được cái công nhân ngành nầy. Sáu ta tuy vai u thịt bắp và đôi bàn tay như nải chuối già lùn, nhưng đừng thấy vậy mà tưởng Sáu thô vụng. Mấy tay bậc sư còn thán phục đường dao của Sáu. Đừng có tưởng cạo cao su là thường. Đôi tay của phu cạo phải tinh tế như nhạc sĩ chơi đàn. Lưỡi dao cạo tuyệt đối không được chạm vào phần thân gỗ của cây, nhưng phải đi cho hết lớp lụa của võ, lơ mơ chạm vào thân gỗ là kỹ thuật viên sẽ lập biên bản cảnh cáo, một tháng vi phạm ba lần anh sẽ bị đẩy xuống phổ thông, bao nhiêu quyền lợi mất sạch, và phần cây của anh được giao cho người khác. Đó là lý do người công nhân cao su luôn nghiêm túc trong công việc. Muộn nhất là hai giờ sáng phải có mặt ở lô với cái đèn đội và cạo, sao cho bốn giờ sáng phải xong trên dưới một nghìn cây. Chín giờ thu gom đợt thứ nhất, hai giờ đợt thứ hai. Bốn giờ tập trung lại một nơi để xe của nông trường đến và nghiệm thu. Trong khoảng thời gian nghỉ giữa hai lần thu, công nhân giăng võng ngủ. Chiều đến người phu cạo chỉ dám la cà vài ly giải mỏi với anh em, tuyệt đối không bao giờ dám quá chén vì mười hai giờ đêm phải thức để chuẩn bị cho ngày mới. Nếu chẳng may phu cạo bị trái gió trở trời thì người nhà đi thay, nếu người nhà tay cạo kém thì ta phải thuê người cạo xịn. Giá cạo thuê cao lắm. Và Sáu Lém là một trong những thằng cạo thuê chiến đấu của nông trường.
Nói chung cái chi vào tay Sáu cũng hết ý. Đất đỏ ba dan mùa hạn cứng chả kém đá, anh ta đào lỗ sâu bốn mươi vuông trồng cao su ngày trăm lỗ. Cạo mủ, nghìn cây như một, kỹ thuật viên ngó qua là ngả mũ kính chào. Vậy nên thiên hạ muốn vào công nhân cao su có biên chế không chạy cũng chọt, riêng Sáu được mời vào mà còn ỏng eo:
- Ối chà… tao vô làm chi cho rách việc, làm thuê cho nó tự do.
Ban chỉ huy nông trường đâu thể bỏ một tay cạo mủ bậc sư bên ngoài tầm kiểm soát. Họ phải động viên Sáu, nêu ra những quyền lợi thiết thực mà công nhân được hưởng. Nghe bùi tai quá bà xã Phượng Lai lệnh cho Sáu làm đơn xin vào. Ai bảo Sáu còn cãi chứ vợ muốn là trời muốn. Vậy là dưới mái nhà lợp tôn fibrô xi măng được nông trường cấp, thêm một đứa con gái của Sáu được Phượng xuất xưởng.
Hai con và nghề nghiệp ổn định nhưng Sáu không hề hạnh phúc. Do vợ già chồng trẻ chăng? Một là vậy và hai là do Sáu phải chung tiền cho anh Tư nuôi giúp đứa con mà mẹ nó quăng lại. Tư gánh cái ách ấy như đeo đá hộc trên người. Không tiền thì chết cả bác lẫn cháu. Mẹ nó cho con theo kiểu giấu lút vì thằng chồng không phải người thường, đã du côn thì chớ còn ích kỷ và ghen tuông. Vợ cà chớn qua quyền là nó cho ăn cù loi nên Loan hãi lắm. Kẹt quá anh Tư phải vào cầu cứu em trai. Sáu lại phải giấu vợ già đưa tiền cho anh nuôi con mình, không trách nhiệm đâu phải người, kẹt cái bà ngoại của thằng nhỏ muốn quên đi cái quá khứ không hay. Đâu phải cầm thú mà không biết nhức nhối. Và đó là lý do Sáu Lém không biết đến hạnh phúc là cái chi chi. Bà vợ già thu gom đồng bạc bỏ vào ruột tượng và giấu như mèo giấu cứt. Sáu muốn có riêng phải làm thêm ngoài luồng để kiếm cái cho con riêng:
- Mụ nội nó - Sáu văng tục - Gì cũng cháu ngoại mà bả lơ.
Thiên hạ nghe mà nhếch mép cho cái bể dâu dâu bể cuộc đời. Chuyện của Sáu bi nhất là bà vợ già. Trẻ đẹp qua. Già đến nó lôi theo mỡ thừa. Mỡ ứ lên mí mắt, lên má và cái bụng phát triển, rồi toàn thân lặc lừ những mỡ là mỡ. Ngồi bên chiếu tứ sắc cùng chị em vui chơi. Ai đến mua, may quá đã có hai đứa con thay mẹ bán hàng. Phượng Ú chỉ rời nhà mỗi khi ra bưu cục nhận tiền của thằng con lai gửi về từ Mỹ. Mỗi lần nhận tiền là bà con cô bác nghe Phượng chửi:
- Bà nội thằng Bin. Lo cho qua bển tốn biết bao nhiêu mà giờ không cho lấy một đồng.
Hai đứa con lai Bin và Bo của Phượng, chỉ nhờ được Bo. Riêng Bin là dân đồng tính. Nó mê trai nên làm ra bao nhiêu cũng không đủ để phục vụ cho bạn tình. Giận thằng con, Phượng lại tế lên đầu tình trẻ. Sáu đã từng phang bạt tai lên mặt vợ kiêm mẹ vợ nhưng không qua cái mồm loa mép giải. Cuối cùng Sáu phải nín cho yên nhà. Vậy nên tìm đâu cho ra hai từ hạnh phúc?
Và như ông bà dạy: thiên hạ cười ba tháng chứ chẳng ai rỗi hơi cười đến ba năm. Rồi cái chi cũng hóa bình thường trên thế gian nầy.
Bình thường?
Thực đấy, không đùa đâu. Đời. Mạnh ai nấy sống cho kịp với thời gian. Những đứa con của Sáu lớn lên vù vù. Mới đó mà phổng phao. Chúng cũng biết tìm đến nhau mà nhận mặt. Từ biển xanh lộng gió thằng Biển, con của Loan và Sáu, vô xứ cao su nhận bà con. Ngoại và cha thì dễ gọi rồi. Còn hai đứa con của Sáu và Phượng Ú, phải gọi làm sao cho phải phép? May quá, cái ngôn ngữ đời thường của dân ta có từ “mày”. Trong trường hợp này mày đã phát huy tác dụng của nó. May nữa cô gái tên Dung lại là con thứ của Sáu và mụ Phượng nên không khó lắm cho xưng hô với bọn trẻ.
Hoan hô “mày”.
(Số sau đăng hết)