
Văn học Việt Nam đã được giới thiệu trang trọng trong bộ sách công cụ tra cứu đồ sộ của Trung Quốc - bộ Trung Quốc đại bách khoa toàn thư, do Quốc vụ viện (chính phủ Trung ương) nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xuất bản từ năm 1978 - nhà xuất bản Trung Quốc đại bách khoa toàn thư phụ trách công việc này. Bộ toàn thư tổng cộng có 80 quyển, mỗi quyển khoảng 12 - 15 triệu chữ Hán, dày trung bình 700 trang khổ 19x26 cm (tương đương 2.100 trang dịch ra tiếng Việt).
Phần Văn học chia làm 3 quyển (2 quyển văn học Trung Quốc, 1 quyển văn học nước ngoài).
Riêng phần Văn học Việt Nam trong quyển Văn học nước ngoài do bà Triệu Ngọc Lan, (giáo sư giảng dạy môn tiếng Việt, hệ Ngôn ngữ phương Đông, Học viện Ngoại ngữ, Trường Đại học Bắc Kinh) biên soạn.
Giáo sư Triệu Ngọc Lan có thâm niên trên 30 năm giảng dạy tiếng Việt và đã độc lập hoặc tham gia biên soạn nhiều bộ sách quý về văn học Việt Nam, như bộ Tuyển tập tiểu thuyết hiện đại Việt Nam gồm 3 tập, do nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh ấn hành, năm 2004. Đây là bộ giáo trình bắt buộc đối với sinh viên khoa tiếng Việt của các trường đại học, cao đẳng ở Trung Quốc. Đặc biệt, bà biên soạn một cuốn sách nhan đề Giáo trình phiên dịch Hán - Việt, do Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh ấn hành, tháng 1.2002.
GS Triệu Ngọc Lan còn cùng giáo sư Lư Úy Thu (một trong hai người dịch tiếng Việt, được Trung Quốc xếp vào danh sách những nhà phiên dịch ưu tú của Trung Quốc, bà đã dịch nhiều thi phẩm của nhà thơ Lưu Trọng Lư, trong đó hai bài thơ được ưa thích: Tiếng thu, Mưa… mưa mãi) giới thiệu văn học Việt Nam trên tạp chí Văn học nước ngoài (song nguyệt san của Trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh) số 1-1980, với 7 trang tạp chí khổ lớn, tương đương 21 trang dịch ra tiếng Việt.
Giáo sư họ Triệu còn sáng lập và chủ biên những chương trình và giáo trình đại học và sau đại học: Cơ sở Việt Nam ngữ, Dịch nói tiếng Việt, Tiếng Việt… Trên báo điện tử Trung Quốc bách khoa, bà Triệu Ngọc Lan còn công bố luận văn Ngô Tất Tố và tiểu thuyết Tắt đèn của ông.
Mục Văn học Việt Nam in trong bộ sách Trung Quốc đại bách khoa toàn thư quyển Văn học nước ngoài, chia làm ba phần lớn: văn học trước cách mạng dân tộc dân chủ, văn học thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, văn học sau cách mạng tháng 8.1945.
Mở đầu phần Văn học trước cách mạng dân tộc dân chủ, soạn giả viết: “Sau khi xây dựng vương triều năm 1009, đến năm 1010, Lý Công Uẩn đã hạ Chiếu dời đô đến Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Chiếu thư này là văn kiện lịch sử sớm nhất của Việt Nam, đến nay vẫn bảo tồn nguyên vẹn, cũng là ngọn nguồn của văn học Việt Nam. Chiếu thư viết bằng Hán văn rất thành thục”.
Mục Văn học Việt Nam mở đầu nói đến trước tác Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, kết thúc bằng giới thiệu tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sách báo Trung Quốc còn giới thiệu thân thế và sự nghiệp của những nhà văn, nhà thơ Việt Nam, từ cổ chí kim, bằng song ngữ (Hán - Việt hoặc Hán - Anh), như Nguyễn Trãi, Lê Tư Thành (Vua Lê Thánh Tôn), Đặng Trần Côn, Lê Quý Đôn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Tú Xương, Hồ Biểu Chánh, Tản Đà, Ngô Tất Tố, Tú Mỡ, Đặng Thai Mai, Nguyễn Công Hoan, Thế Lữ, Nhất Linh, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Trọng Lư, Đồ Phồn, Nam Cao, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Huy Cận, Tố Hữu, Tô Hoài…
Đặc biệt, tại các trường đại học, học viện ở Trung Quốc có nhiều luận văn thạc sĩ, tiến sĩ của các nghiên cứu sinh viết về Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương, về những tác phẩm Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc…
Nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc lần thứ 60 (1949 – 2009), Tổng công ty Sách Trung Quốc đã thống kê những sách văn học nước ngoài đã được dịch sang Trung văn và xuất bản ở Trung Quốc trong 60 năm qua, tính đến ngày 20.5.2006. Tôi đã tìm được 150 đầu sách của Việt Nam đã được dịch và ấn hành tại đất nước diện tích rộng thứ nhì thế giới, đông dân nhất thế giới, hiện có trên 300 nhà xuất bản trung ương và địa phương này.
Phải chăng vì những nguyên nhân lịch sử, xã hội, văn hóa và thị hiếu khác nhau, mà nhiều người Trung Quốc cũng không nắm bắt được những thông tin này?
Ngay đến những đại biểu Trung Quốc có mặt tham dự Hội nghị quốc tế Giới thiệu văn học nước ngoài đầu năm 2010, như giáo sư - dịch giả Chúc Ngưỡng Tu, gần nửa thế kỷ giảng dạy và nghiên cứu văn học Việt Nam, người đã dịch tiểu thuyết Ông cố vấn của nhà văn Hữu Mai sang Hán ngữ, đã tham gia biên soạn bộ giáo trình đồ sộ Tiểu thuyết hiện đại Việt Nam gồm 3 tập; giảng viên Hoàng Hoa Hiến, giảng dạy tiếng Việt ở trường Đại học Sư phạm Quảng Tây cũng nhớ không nhiều những đầu sách Việt Nam được dịch và xuất bản ở Trung Quốc.
Chỉ có nữ sĩ Điền Tiểu Hoa, chuyên viên nghiên cứu của Sở Nghiên cứu Văn học Nước ngoài thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc là có trong tay bản thống kê sách Việt Nam đã dịch và xuất bản ở Trung Quốc, giống như tư liệu tôi thu thập được qua trang web của Tổng công ty Sách Trung Quốc.
Thực ra, số đầu sách văn học Việt Nam được dịch và xuất bản ở Trung Quốc không chỉ là con số 150. Bởi vì, nhiều bộ sách gồm nhiều tập như Tiểu thuyết hiện đại Việt Nam (gồm 3 quyển), Ông cố vấn của Hữu Mai (gồm 2 quyển), Sao đổi ngôi của Chu Văn (gồm 3 quyển), v.v… họ cũng chỉ tính là một đầu sách.
Trên 150 đầu sách Việt Nam được dịch sang Trung văn và xuất bản ở Trung Quốc, có Truyện Kiều (Nguyễn Du), nghe nói có trên mười bản dịch, Thơ Hồ Xuân Hương, Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Những năm tháng không thể nào quên của đại tướng Võ Nguyên Giáp, Họ sống và chiến đấu của Nguyễn Khải, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán (dịch là Thiếu niên du kích anh hùng), Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Trường ca chim chơ rao của Thu Bồn, Tranh tối tranh sáng của Nguyễn Công Hoan, Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên, Sống như anh Phan Thị Quyên kể Trần Đình Vân ghi, tập truyện ngắn Cái hom giỏ của Vũ Thị Thường, kịch bản văn học Nghêu sò ốc hến của Hoàng Châu Ký…
Một số nhà văn có nhiều tác phẩm được dịch và xuất bản ở Trung Quốc như nhà thơ Tố Hữu có Người con gái Việt Nam, Gió lộng, Quê hương tôi, Việt Bắc, Chào Trung Quốc, Ba mươi năm đời ta có Đảng, Tiếng hát đôi bờ, Miền Nam chiến đấu, Tố Hữu thi tập…
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có 5 tác phẩm là Truyện anh Lục, Ký sự Cao Lạng, Bốn năm sau, Tìm mẹ, Thằng Quấy.
Nhà văn Nguyễn Văn Bổng có hai tác phẩm Con trâu, Rừng U minh.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi có bốn đầu sách: tập thơ Chiến sĩ, tiểu thuyết Vỡ bờ, Xung kích, Mặt trận trên cao.
Đó là chưa kể đến 57 tác phẩm được giới thiệu trong bộ giáo trình đại học ở Trung Quốc Tiểu thuyết hiện đại Việt Nam gồm 3 tập. Tập 1 Văn học Việt Nam giới thiệu giai đoạn 1930 - 1945, tập 2 từ 1945 - 1975, tập 3 từ 1975 đến cuối thế kỷ XX.