Tiếp tục Phiên họp chuyên đề pháp luật, chiều 14.8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Tách bạch di sản tư liệu để bảo vệ và phát huy giá trị tốt hơn
Trình bày Báo cáo Một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về phạm vi điều chỉnh, một số ý kiến đề nghị không nên tách di sản tư liệu thành một loại hình di sản mới, vì di sản tư liệu là một loại hình của di sản văn hóa vật thể hoặc di sản văn hóa phi vật thể. Có ý kiến nhất trí bổ sung di sản tư liệu vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, theo Hướng dẫn Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO về di sản tư liệu, di sản tư liệu chứa đựng nội dung thông tin bằng chữ viết, ký hiệu, âm thanh, hình ảnh động hoặc tĩnh…, được chủ thể tạo lập có chủ ý, có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ. Như vậy, di sản tư liệu mang thuộc tính của giá trị thông tin, thông điệp thể hiện trên hiện vật mang thông tin được chủ thể tạo ra có chủ ý, có thể tiếp cận, đọc và hiểu được. Việc tách di sản tư liệu như dự thảo Luật sẽ quy định cụ thể, đồng bộ hơn, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản này. Vì vậy, xin được giữ như dự thảo Luật.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đã thảo luận và thống nhất: “Di sản địa chất” được điều chỉnh tại Luật Bảo vệ môi trường và Luật Địa chất khoáng sản (sửa đổi), không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa. Trường hợp khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù được công nhận là “danh lam thắng cảnh” theo quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 22 dự thảo Luật thì sẽ được điều chỉnh bởi dự thảo Luật này.
Về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách có trọng tâm, trọng điểm và bền vững phù hợp với yêu cầu thực tế và tính đặc thù trong bảo vệ, phát huy giá trị từng loại hình di sản văn hóa. Quy định cụ thể các chính sách xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực; chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt về tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân người dân tộc thiểu số.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát các quy định tại dự thảo Luật và chỉnh lý theo hướng quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động (Điều 7); biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam (Điều 19); các điều kiện đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nguồn lực tài chính, xã hội hóa và các điều kiện khác (Điều 82, Điều 90)…
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và cơ quan chủ trì soạn thảo đã bổ sung quy định miễn, giảm vé tham quan, học tập di sản văn hóa tại bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thuộc sở hữu toàn dân đối với trẻ em, học sinh, sinh viên, hộ nghèo người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số… để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với pháp luật về phí, lệ phí và pháp luật liên quan đến các đối tượng được hưởng chính sách, ưu đãi của Nhà nước.
Tiếp tục rà soát chính sách bảo tồn, phát triển di sản văn hóa
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, dự thảo Luật đã được tiếp thu nghiêm túc; chỉnh lý thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan, nhất là quy định về di sản tư liệu; đồng thời cơ bản thống nhất với tiếp thu, giải trình của cơ quan thẩm tra về 8 vấn đề xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội, về quyền sở hữu và quyền liên quan đến di sản văn hóa, dự thảo Luật đã làm rõ và thống nhất với Bộ luật Dân sự; quy định rõ hơn việc giải quyết tranh chấp về sở hữu di sản văn hóa tại Điều 4 dự thảo Luật. Về khu vực bảo vệ di tích cũng đã quy định chặt chẽ hơn trong bảo vệ, quản lý đối với những trường hợp có yếu tố gốc cấu thành di tích; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sống trong khu vực bảo vệ di tích.
Đối với chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung 10 chính sách lớn. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục rà soát các chính sách của Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát triển di sản văn hóa. Trong đó, về xã hội hóa bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Điều 90 dự thảo Luật quy định các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa được hưởng các ưu đãi về thuế, ưu đãi vay vốn theo quy định của pháp luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, các cơ quan, trong quá trình cụ thể hóa quy định này cần rà soát, sửa đổi các luật chuyên ngành có liên quan để bảo đảm đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.
Về quản lý nhà nước, trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành và địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cần tiếp tục rà soát quy định cụ thể hơn việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ, thực hiện thống nhất quản lý nhà nước để thấy rõ hơn vai trò chủ trì của bộ trong việc quản lý nhà nước về di sản văn hóa.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, Chính phủ có ý kiến chính thức về các nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về chủ trương, quy định các chính sách của Nhà nước hỗ trợ đầu tư, ưu đãi, hỗ trợ đối với miền núi, biên giới và hải đảo, đặc biệt là dân tộc thiểu số ít người song cần đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm các chính sách rõ hơn, cụ thể hơn, phù hợp với thực tiễn, tăng tính chủ động phát huy hiệu lực, hiệu quả của các chính sách khi được ban hành…
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan nghiên cứu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, thực hiện đầy đủ các quy trình trước khi trình Quốc hội thông qua.