Bổ sung các quy định về thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử…
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, về mở rộng phạm vi điều chỉnh, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành quy định về phạm vi điều chỉnh tại dự thảo Luật do Chính phủ trình. Theo Tờ trình của Chính phủ, căn cứ để mở rộng phạm vi điều chỉnh như quy định trong dự thảo Luật dựa trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ… tại Việt Nam hiện đã sẵn sàng, bảo đảm an toàn, tin cậy. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch có quyền lựa chọn về công nghệ, phương tiện điện tử… để thực hiện giao dịch.
Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định pháp lý về thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử, giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước… Hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan đã cơ bản được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho phép các lĩnh vực đủ điều kiện có thể thực hiện giao dịch điện tử.
Thực tiễn Việt Nam cho thấy, một số lĩnh vực loại trừ áp dụng trong phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 hiện nay đã được triển khai giao dịch điện tử một phần như đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn đã có dịch vụ công trực tuyến tại nhiều địa phương… Các dịch vụ công trực tuyến do các Bộ, ngành, địa phương cung cấp đang được tích cực triển khai theo hướng khép kín toàn bộ quá trình dịch vụ từ đầu đến cuối (toàn trình). Hơn nữa, việc chuyển đổi số đang được đẩy mạnh trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nhiều quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam (như Indonesia, Philippines…) và một số quốc gia khác cũng không hạn chế phạm vi điều chỉnh trong luật; có quốc gia chỉ quy định một số lĩnh vực loại trừ áp dụng giao dịch điện tử ở các văn bản dưới luật nhằm dễ dàng thay đổi khi điều kiện cho phép (như Thái Lan).
Về quy định cụ thể, rõ ràng các giao dịch điện tử trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh để bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức thực hiện, Thường trực Ủy ban nhận thấy, dự thảo Luật chỉ quy định về những thành tố cơ bản có giá trị pháp lý sử dụng để thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của từng loại giao dịch điện tử thuộc các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó. Vì vậy, Điều 1 dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: “Luật này quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử. Luật này không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch. Trường hợp Luật khác không quy định thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì tuân thủ theo quy định của Luật đó”.
Cần xác định được giá trị pháp lý của hình thức giao dịch điện tử
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho rằng, đối tượng điều chỉnh quy định trong dự thảo Luật còn quá rộng nhưng lại hạn chế phạm vi tại luật chuyên ngành quy định là rất khó khả thi. Thực tế hiện nay, chỉ một số lĩnh vực, thủ tục đã được thực hiện giao dịch điện tử; nhiều lĩnh vực vẫn còn hạn chế về hạ tầng công nghệ, thiếu pháp lý chuyên ngành, con người trong quá trình triển khai thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị, cần có lộ trình mở rộng đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; đồng thời, cần thí điểm một số lĩnh vực trước khi đưa vào luật chuyên ngành. Trường hợp luật chuyên ngành không quy định giao dịch bằng phương thức điện tử như quy định tại Điều 1 dự thảo Luật thì trong Điều 2 dự thảo Luật cần giao cho Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp áp dụng và các trường hợp loại trừ ngay trong đối tượng điều chỉnh của luật nhằm bảo đảm tính khả thi, bao quát trong thực tiễn.
Tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật như báo cáo giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng nêu vấn đề, qua rà soát dự thảo Luật cho thấy, có nhiều vấn đề liên quan đến chuyên môn kỹ thuật, do đó, nên cân nhắc tính khả thi của những quy định trong dự thảo Luật. Đại biểu nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là phải xác định được giá trị pháp lý của hình thức giao dịch điện tử để bảo đảm quy định pháp luật đi vào cuộc sống, đặc biệt là tạo sự thuận tiện, không phát sinh thủ tục hành chính, không phát sinh các chi phí về bộ máy, chi phí về con người, chi phí về thiết bị…
Bên cạnh đó, thực tiễn thời gian qua xuất hiện rất nhiều hoạt động lừa đảo, thậm chí là tội phạm trên môi trường mạng mà người tiêu dùng không thể phân biệt được. Vì vậy, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, việc rà soát để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, tránh hành vi lợi dụng là cần thiết; cần rà soát hệ thống có bảo đảm an toàn hay không, tránh bị xâm nhập.
Chia sẻ mối quan ngại về tình trạng lạm dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cũng đề nghị, cần nghiên cứu quy định rõ hơn về đối tượng áp dụng, làm rõ khái niệm “chứng thực” để phân biệt rõ ràng với các trường hợp khác được sử dụng trong các văn bản khác.
Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị bổ sung cụm từ “điện tử” sau cụm từ “giao dịch” vào Điều 1 dự thảo Luật về phạm vi điều chỉnh, để đảm bảo đầy đủ, thống nhất. Về giải thích từ ngữ quy định tại Điều 3 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị, hệ thống các khái niệm cần giải thích có liên quan với nhau, sắp xếp theo thứ tự khoa học, nên phân thành các nhóm khái niệm cùng loại. Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu, cần rà soát lại Điều 8 về các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử để tránh chồng chéo, trùng lặp, nhầm lẫn.