Tại Việt Nam, trong một hệ sinh thái hỗ trợ các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB) đang phát triển nhanh chóng và sôi động, ước tính có khoảng 27.000 SIB. Tuy nhiên, các SIB tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp do người yếu thế làm chủ hoặc làm việc với người yếu thế (phụ nữ, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, nhóm đa dạng giới…), và các doanh nghiệp với các ý tưởng giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực thực hiện cả hai mục tiêu tạo ra lợi nhuận đồng thời với tạo tác động tích cực cho xã hội và môi trường.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Thu Thủy cho biết, tuy số lượng các tổ chức tạo tác động xã hội tại Việt Nam còn khiêm tốn, quy mô còn nhỏ nhưng đã được ghi nhận đóng góp vai trò tích cực trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy áp dụng các nguyên tắc, mô hình kinh doanh bền vững đối với các doanh nghiệp trong nước nhằm giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi tiếp cận các thị trường nước ngoài, tiếp cận được các nguồn vốn xanh.
Đặc biệt, trong và sau đại dịch Covid-19, các SIB tại Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là năng lực quản lý hạn chế, thiếu khung đo lường tác động xã hội và khả năng tiếp cận nguồn tài chính không đầy đủ. Hệ sinh thái các tổ chức hỗ trợ SIB cũng còn thiếu cả về số lượng, chất lượng và sự kết nối. Các chính sách hỗ trợ SIB nằm ở các quy định khác nhau khiến SIB khó tiếp cận.
Với cách tiếp cận hệ sinh thái để giải quyết các vấn đề liên kết và mang tính hệ thống, dự án ISEE-COVID đã tích cực hỗ trợ nâng cao năng lực của SIB, tăng cường năng lực và sự phối hợp giữa các tổ chức trung gian hỗ trợ SIB, đồng thời tăng cường năng lực hoạch định và xây dựng chính sách của Chính phủ để tạo điều kiện cho SIB. Đồng thời, dự án cũng áp dụng phương pháp thí điểm chính sách hỗ trợ SIB tại cấp tỉnh và đưa ra Khuôn khổ quản lý và đánh giá tác động dành cho SIB.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Sách Trắng về các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội Việt Nam 2023 lần đầu tiên được ra mắt, tạo điều kiện cho SIB được nhận dạng một cách rõ ràng, từ đó nâng cao khả năng được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ từ chính phủ và các bên liên quan khác.
Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi cho biết, Sách trắng về các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội Việt Nam năm 2023 được biên soạn, nhằm phản ánh quá trình phát triển và ghi nhận những đóng góp quan trọng, đồng thời cung cấp bức tranh tổng thể về SIB tại Việt Nam phục vụ hoạt động thống kê, nghiên cứu, góp ý và xây dựng chính sách của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
"Việc ra mắt Sách trắng đầu tiên về các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội được nhận dạng chính thức, giúp họ tiếp cận với các chương trình hỗ trợ của Chính phủ và các chương trình khác. Cùng với báo cáo về hệ sinh thái hỗ trợ SIB, Sách trắng cung cấp thông tin và hiểu biết toàn diện về bối cảnh hệ sinh thái", Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi thông tin.
Cùng chung nhận định với bà Ramla Khalidi, Tham tán phát triển, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam Brian Allemenkinders khẳng định, việc ra mắt Sách Trắng các Tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội Việt Nam chứng tỏ sự cấp tiến, đổi mới của Việt Nam. Đây không chỉ là là sự ghi nhận các hoạt động giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường từ các tổ chức này mà còn cung cấp cơ sở dữ liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan ban ngành chính phủ có các quyết sách phù hợp thúc đẩy phát triển nhóm tổ chức kinh doanh; cũng như mở ra các cơ hội kết nối và đầu tư với các thành tố khác trong hệ sinh thái.