Quỳnh (Phần hai)

Tôi tỉnh dậy vào tám giờ sáng. Tám giờ mà trời vẫn không sáng sủa lắm, cơ quan lác đác đã có người. Tôi nhanh nhẹn làm vệ sinh cá nhân, xốc lại quần áo, nhét tờ giấy giới thiệu, lệnh điều động công tác vào túi áo ngực rồi đi về phía căn phòng trên cửa có tấm biển “Phòng Tổ Chức”.

      Tôi gõ cửa, bên trong có tiếng rít thuốc lào, lặng im một lát rồi một giọng nhừa nhựa cất lên: “Vào đi!” Tôi đẩy cửa bước vào, một người đàn ông khó đoán tuổi ngồi sau bàn làm việc. Tôi chào ông ta. Tay ông ta móc vào nách, vừa gãi sồn sột vừa hất hàm hỏi: “Có chuyện gì?” Tôi đặt lên bàn mấy thứ giấy tờ rồi giới thiệu vắn tắt về mình. Ông ta xem giấy rồi gật gù: “Trường hợp này… biết rồi… xuống nàm dưới huyện S, sang phòng hành chính nấy công văn, mang sang đây tôi ký. Chiều có xe xuống huyện, đi nhờ xuống, nhận việc nàm nuôn”.

Một tuần sống và làm việc ở cái huyện khỉ ho cò gáy này trôi qua. Sinh hoạt, cảnh vật nói chung là tẻ nhạt. Công việc của tôi, về chuyên môn có lẽ chỉ cần đào tạo sáu tháng là đủ, thế mà tôi học những năm năm. Thời gian rỗi nên tôi có điều kiện viết thư nhiều cho Quỳnh, cứ một tuần tôi gửi một lá. Trong thư tôi bảo công việc của tôi thú vị lắm, tôi mô tả cảnh vật núi đồi ở đây cứ như miền núi nước Pháp. Và chỉ có thế, trong thư tôi không nói gì thêm. Tôi cũng gửi cho thằng Long một vài lá. Còn thằng Quân, tôi không biết địa chỉ. Tôi gửi rất đều đặn, nhưng chẳng bao giờ nhận được hồi âm. Bạn bè quên tôi rồi hay sao? Đặc biệt là Quỳnh, sao Quỳnh không trả lời tôi? Bực mình, càng về sau thư tôi viết cho Quỳnh thưa hơn, một hai tháng một lá. Không phải tôi đã bớt nhớ Quỳnh, thực ra tôi còn nhớ nhung nhiều hơn nữa kia. Nhưng tôi cũng biết tự ái chứ. Mấy lần tôi định tỏ tình trong thư, nhưng lại thôi. Tôi sẽ chờ đến kỳ nghỉ phép, thế sẽ nồng nàn hơn. Chẳng phải chúng tôi đã yêu nhau bằng ánh mắt gần hai năm trời nay rồi hay sao? Tỏ tình bằng thư thì phí lắm.

      Thoắt cái đã gần hết một năm, chính xác là tám tháng. ở cái cơ quan thương nghiệp huyện buồn tẻ thế mà tôi thấy thời gian trôi nhanh phết. Một hôm chị văn thư bảo tôi: “Cậu Hùng có thư đấy”. Tôi vừa rảo bước về phía phòng hành chính vừa hỏi: “Thư ở đâu gửi thế chị?”. “Tôi không thấy ghi, nhưng dấu bưu điện Hà Nội đấy”. Chị văn thư trả lời. Vào phòng hành chính, tôi thấy lá thư nằm chềnh ềnh trên bàn. Tôi vồ lấy, ấp lá thư vào ngực rồi lao vút về phòng riêng. Về tới phòng mình, tôi đóng cửa lại rồi hồi hộp bóc thư. Trong phong bì thư là một phong bì nhỏ hơn, mầu hồng. Tôi hấp tấp mở cái phong bì hồng, bên trong nó là thiếp báo tin và thiếp mời dự tiệc cưới. Đám cưới thằng Long “già”, cô dâu là Quỳnh. Tôi đổ sụp xuống giường.

      Hai năm tiếp theo trôi qua tẻ nhạt, hôm qua giống hôm nay, hôm nay chắc chắn sẽ giống ngày mai. Tôi từng nghe đâu đó một câu rất sến rằng: “Thời gian là người khán hộ rất giỏi chữa những vết thương lòng”. Tôi không thấy đúng, đã hai năm rồi mà người khán hộ chết tiệt kia có chữa chạy được gì cho tôi đâu. Khốn nạn, vết thương của tôi đang ung thối lên đây.

      Một hôm mẹ tôi gọi điện lên, bà báo cho tôi rằng ở nhà đã nhờ người trên sở, việc xong rồi, tôi sẽ được chuyển về Hà Nội, quyết định sẽ tới trong nay mai. Đúng một tháng sau, cái quyết định đó nằm trên bàn làm việc của cái ông hay gãi nách khi tiếp khách. Ông ta cho gọi tôi lên thông báo tin vui, rồi ông bắt tay chúc mừng, tay kia vẫn móc nách, ông bảo: “Chúc mừng cậu, mất ba năm hả? Thế may nắm đấy, có anh cả chục năm cơ”. Tôi lạnh lùng: “Cháu trả lại quyết định, cháu tình nguyện xin ở lại phục vụ ít năm nữa”. Ông ta trợn tròn mắt, lát sau đã lấy lại bình tĩnh ông bảo: “Cậu đùa hay nàm thật?”. “Chưa bao giờ cháu nghiêm túc như lúc này. Thôi chào chú”. Tôi quay ra. Vừa hay có xe về huyện, tôi nhẩy lên đi nhờ.

      Vì việc này mà mẹ tôi gọi điện lên chửi bới khóc lóc mấy lần, bà còn đe từ tôi. Tôi không động lòng lắm, tôi lạ gì cái kiểu khóc lóc từ con của các bà mẹ. Thời gian tôi “tình nguyện phục vụ” đã được gần năm năm. Tôi cũng chẳng thèm để ý đến thời gian, hình như tôi lỳ lợm ra khá nhiều. Lúc này đất nước đã đổi thay rất nhiều, kinh tế thị trường khiến cái loại cơ quan như cơ quan tôi không có lý do tồn tại, dù có muốn “tình nguyện” nữa cũng không được. Ngày mai tôi sẽ về Hà Nội công tác ở một cơ quan mới. Hy vọng cơ quan mới này sẽ sử dụng hết kiến thức năm năm đại học của tôi.

      Tôi về Hà Nội được ba tháng. Gặp lại Quỳnh làm gì? Cô ta đã yên phận rồi. Lý trí khuyên bảo tôi như vậy. Nhưng tôi vẫn nhớ Quỳnh lắm, còn yêu nhiều nữa là khác. Có một buổi sáng, cơ quan ít việc và hình như  lúc đó, lý trí của tôi nó đang ngủ. Tôi mò vào trong nhà hát Giao hưởng. ở một quán nước chè, cổng nhà hát giao hưởng, tôi ngồi, chờ đợi Quỳnh, hay ai đó. Tôi đưa mắt nhìn sang khu trường múa, nhớ về kỷ niệm thời sinh viên. Đang mơ màng chợt có tiếng gọi: “Anh Hùng!” Tôi giật mình nhìn sang, trước mặt tôi là Thoa, một cô bé học cùng lớp và chơi khá thân với Quỳnh. Tôi luống cuống đứng lên: “Thoa vào uống nước”. Vẫn ngồi nguyên trên xe Thoa bảo: “Sang quán cà phê bên đường ta nói chuyện, thoải mái hơn”. Tôi trả tiền nước chè rồi dắt xe đi theo Thoa.

      “Quỳnh yêu anh lắm, hồi anh mới đi nó khóc suốt vì nhớ anh. Anh tệ lắm, nó chỉ mong anh nói một lời, vậy mà…”. Thoa xổ ra một tràng.

      “Yêu tôi?… rồi lấy thằng Long… đấy là tình yêu kiểu nghệ sĩ hả?”

      “Anh đừng nói thế, tội nghiệp nó. Lý do gì nó lấy Long, em không được biết, Quỳnh nó vốn kín tiếng lắm. Nhưng em cam đoan là nó chỉ yêu có mình anh”.

      “Thế giờ vợ chồng Quỳnh thế nào?”

      “Quỳnh nghỉ nhà hát rồi. Sau khi có đứa đầu lòng, Quỳnh nghỉ đẻ sáu tháng, định đi làm tiếp thì thằng Long không đồng ý. Nó bắt Quỳnh nghỉ luôn từ đấy, coi như bỏ nghề. Khổ thân, cái Quỳnh nó yêu nghề lắm cơ”.

      “Sao thằng chó chết kia nó ông tướng thế?” Tôi nghiến răng ken két.

      “Nó đi tù rồi anh ạ”.

      “Sao? Sao lại đi tù? Vì tội gì? Đi bao lâu? Đi lâu chưa?” Tôi hỏi dồn.

      “Tham ô tham iếc gì đó, em cũng không biết nó phải đi bao lâu”. Thoa thở dài, “cái Quỳnh số khổ, đúng là hồng nhan bạc mệnh”.

      Chúng tôi ngồi thêm một lúc, nhưng không nói thêm được chuyện gì. Khi ra về tôi hỏi Thoa địa chỉ nhà Quỳnh.

      Hai hôm sau tôi tới nhà Quỳnh. Nhà Quỳnh là một căn hộ chung cư xây cách đây 30 năm, loại nhà chuồng chim. Đi tù vì tội tham ô sao lại ở nhà như thế này, tôi thầm nghĩ.

      Quỳnh ra mở cửa cho tôi. Vẫn đôi mắt to, đen láy ngày xưa, nhưng có phần kém sáng. Khuôn mặt hốc hác, xanh xao. Quỳnh run rẩy, tựa lưng vào cánh cửa nhìn tôi trân trối, đôi môi mím chặt. Hai đứa cùng lặng im một lát, rồi tôi bảo:

      “Quỳnh không định mời tôi vào nhà à?” 

      Quỳnh không nói gì mà chỉ đi giật lùi vào trong. Tôi đóng cửa rồi bước theo Quỳnh. Vào đến phòng khách, tôi đặt lên bàn túi trái cây vừa mua trên đường đi, rồi tự động kéo ghế ngồi. Quỳnh vẫn đứng nhìn tôi. Tôi lại bảo:

      “Sao Quỳnh không ngồi? Định đứng mãi à?”

       Quỳnh lúng túng ngồi xuống. Tôi lại hỏi: 

      “Con Quỳnh đâu? Cháu trai hay gái?”

“Cả hai đứa đi học rồi. Thằng anh và con bé em”.

      Thì ra Quỳnh đã hai đứa, mà cũng tám năm rồi còn gì. Tôi lặng lẽ quan sát quanh nhà Quỳnh, một căn hộ đặc trưng của thành phần dân nghèo thành thị.

      “Chuyện thằng Long thế nào?”

       Quỳnh nhìn tôi dò xét, như muốn hiểu rõ hơn câu hỏi của tôi.

      “Người ta bắt nó vì tội gì? án bao lâu?”

      “Tham ô, án 24 tháng, đi được gần một năm rồi”.

      “Quỳnh có hay đi thăm nó không?”

      “Cũng ít thôi, chừng hai tháng một lần. Hai đứa nhỏ đi học, em thì thất nghiệp, anh bảo đi nhiều sao được, tốn kém lắm. Mang tiếng tham ô, tham nhũng… nhưng nó mang đi đâu hết, mẹ con em có được gì đâu”. Quỳnh nói, mắt rơm rớm.

      “Khi nào Quỳnh xuống thăm nó, cho tôi đi cùng. Tôi muốn thăm bạn cũ”.

      “Tuần sau anh ạ, có điều em chưa biết sắp xếp vào ngày nào”.

      Tôi ghi cho Quỳnh số điện thoại và bảo: “Ngày nào cũng được, Quỳnh cứ gọi trước cho tôi một ngày”.

       Sợ ngồi lâu bất tiện, tôi cáo từ ra về. Quỳnh tiễn tôi bằng ánh mắt gần giống buổi chia tay cách đây tám năm, buồn và trách móc, chỉ không có chờ đợi.

      Chiều thứ tư Quỳnh gọi cho tôi, Quỳnh bảo xuống trại giam V. bằng xe ôm và sẽ đợi tôi ở cổng trại. Tôi bảo sẽ qua đón Quỳnh, vì tôi không biết đường xuống trại.

       Sáng sớm hôm sau tôi qua nhà Quỳnh. Quỳnh đã chuẩn bị xong, một túi to đồ ăn thức uống. Tôi cho xe chạy nhanh, khoảng 45 phút xuống tới trại giam V. Sau khi qua cổng đưa sổ thăm nuôi, tôi và Quỳnh vào ngồi chờ trong phòng thăm gặp của trại. Chừng nửa tiếng thì thằng Long xuất hiện. Tôi nhận ra nó ngay, mặc dù nó già đi nhiều và to béo phì nộn. Nó béo thật, không phải “béo đểu”. Nó cũng nhận ra tôi ngay, một thoáng bất ngờ pha lẫn một chút nghi ngờ sợ sệt. Nó nhìn tôi rồi đưa mắt nhìn Quỳnh (tôi không hiểu cái gì đang diễn ra trong đầu nó). Rồi nó há ngoác mồm nhe hàm răng toàn bựa nhăn nhở cầm tay tôi lắc mạnh. Quỳnh bày ra bàn bọc xôi và cái đùi gà, hai hộp sữa, loại hộp cắm ống hút. Nó nhồm nhoàm nhai ngấu ngiến, vừa ăn nó vừa hỏi tôi những câu đại loại như, ông về bao giờ, làm ở đâu, vợ con thế nào… Nó hỏi tới đâu tôi trả lời tới đó. Giải quyết xong đống thực phẩm nó quay sang hỏi Quỳnh: “Thuốc lá, thuốc lào đâu? Mang thầy thợ bao nhiêu?” Quỳnh dúi cho nó một bọc, cỡ khoảng 10 gói thuốc lào loại nhỏ, và ba bao thuốc lá Vinataba. Rất nhanh, nó tống hết số thuốc lào thuốc lá vào quần trong. Thế mà tôi nhìn cứ như không, không thấy quần nó phồng hay cộm lên gì cả. Nó nháy mắt với tôi: “Máu khô đấy”. Bác cảnh sát trông coi phòng thăm gặp, đập bàn đánh rầm, quát: “Thằng kia, găm cái gì?” Quỳnh vội vàng đứng lên, tay cầm bao thuốc 555, phía dưới kẹp tờ năm chục, đi lại phía bác cảnh sát, đon đả: “Em mời bác xơi thuốc”. Bác cảnh sát đưa mắt nhìn bao thuốc rồi thay đổi sắc mặt, bác gật gù: “ờ… ờ... được… được”.

      Tranh thủ lúc chỉ còn hai thằng với nhau, tôi hỏi:

      “ở trong đó cậu sống thế nào?”

      “Cũng thoải mái, tớ làm chíp bẫu, cho nên cũng chẳng thiếu thốn gì. Cũng may chứ không thì làm dân toét mắt, khổ lắm”.

      “Chíp bẫu là cái gì?”

      “à chíp bẫu tức là làm vợ đại ca trưởng buồng. Chỉ ăn chơi rồi tối ngủ với đại ca”.

      Tôi nổi hết da gà. Không ngờ sau tám năm gặp  lại, nó thoái hóa đến thế. Thằng Long vẫn thao thao: “Nhà tớ ông bà bô thì già quá chẳng giúp gì được, có thằng anh, con chị cũng thuộc loại có của nhưng nó tuyên bố từ tớ. Mẹ cha đời chó má. Vợ tớ thì cậu biết đấy, thất nghiệp, ăn bám tớ nên cũng chả có đâu mà tắc tế, thầy thợ như người ta. Cũng may tớ trắng trẻo lại không ghẻ lở gì…”

      Tôi không muốn nghe nó nói tiếp, mà cũng vừa lúc Quỳnh quay lại: “Tôi gửi lưu ký cho ông hai trăm”. Nói rồi Quỳnh đưa nó túi quà, và dúi vào tay nó ba cái giấy một trăm. Thằng Long, rất nhanh vo viên ba tờ tiền cho tọt vào mồm.

(còn nữa)

Đỗ Trí Dũng

Văn nghệ

Tự hào một dải non sông
Văn hóa - Thể thao

Tự hào một dải non sông

Những ấn phẩm ngợi ca vẻ đẹp quê hương đất nước, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng là điểm nhấn trong loạt ấn phẩm của nhà xuất bản Kim Đồng chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư, 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tạo không gian mở phát triển văn học
Văn hóa - Thể thao

Tạo không gian mở phát triển văn học

Văn học chưa có khung pháp lý thống nhất và chi tiết để định hướng, cụ thể hóa chính sách cho tác giả, tác phẩm, hoạt động trong lĩnh vực này. Việc xây dựng, ban hành nghị định về khuyến khích phát triển văn học vừa đáp ứng nhu cầu cấp thiết, vừa mang ý nghĩa quan trọng.

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng
Văn nghệ

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng

Tối mai, 12.12, tại Nhà hát Hồ Gươm sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Giai điệu tri ân” do Agribank tổ chức. Sự kiện là lời cảm ơn sâu sắc từ Agribank gửi đến những khách hàng, đối tác và cộng đồng - những người đã đồng hành, sẻ chia và cùng kiến tạo những giá trị bền vững trong suốt hành trình phát triển.

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G
Văn hóa - Thể thao

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP. Hồ Chí Minh chiều hôm nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.

Để điện ảnh Việt cất cánh
Văn hóa - Thể thao

Để điện ảnh Việt cất cánh

Để điện ảnh Việt Nam thực sự cất cánh và hội nhập thế giới, cần có một chiến lược toàn diện và đồng bộ; giải pháp không chỉ giúp nâng cao chất lượng phim mà còn phải thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này.

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc
Văn hóa - Thể thao

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc

Dù đã có cải thiện, nhưng vi phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải. Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), NSƯT, nhạc sĩ ĐINH TRUNG CẨN, để giải quyết vấn nạn này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng
Văn nghệ

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng

Ngày 3.10, tại không gian nghệ thuật 34 Châu Long, Hà Nội đã diễn ra mạn đàm văn chương có chủ đề về văn hóa, tinh hoa trong văn thơ xưa và nay, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học; được chủ trì bởi nhà sưu tập Thúy Anh - người khởi xướng nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đậm đà tính nhân văn và hướng tới cộng đồng.

Trong bão lũ
Văn hóa - Thể thao

Trong bão lũ

Bài thơ "Trong bão lũ" của tác giả Đặng Quốc Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, là tiếng lòng đầy xót xa trước cảnh thiên tai khắc nghiệt do bão Yagi gây ra. Với ngôn từ sâu sắc, tác giả khắc họa nỗi đau mất mát của người dân và tinh thần đoàn kết, sẻ chia của đồng bào cả nước, tạo nên niềm tin vào sự hồi sinh và vững bền của quê hương Việt Nam.