Năm 2023, bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều biến động, tác động kéo dài từ đại dịch Covid-19, cuộc chiến tranh Nga - Ukraina, gây ra nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo, nhưng 9 tháng năm nay, kinh tế vĩ mô vẫn giữ ổn định; lạm phát, nợ công, bội chi ngân sách được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế từng bước được phục hồi, GDP 9 tháng tăng 4,24%. Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt trên 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh. Nhiều tồn đọng kéo dài đã được tập trung tháo gỡ, xử lý, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng tăng gần 5% với khoảng 110.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước…
Đặc biệt quan tâm đến con người và sự ổn định xã hội
Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, trên cơ sở kế thừa và đổi mới, bổ sung, phát triển nội dung Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI. Nghị quyết mới mở rộng toàn bộ các chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phạm vi nghị quyết được điều chỉnh, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.
Về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, chính sách xã hội được bổ sung, phát triển, làm rõ hơn những nhận thức mới trong bối cảnh tình hình, yêu cầu nhiệm vụ mới và khẳng định, mục tiêu của chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta; xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải luôn lấy con người làm trung tâm; coi đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển, trong đó nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; chính sách xã hội phải hướng tới toàn dân, bảo đảm toàn diện, công bằng, hiện đại, bao trùm, bền vững; an sinh xã hội phải được chú trọng hơn nữa và bảo đảm sự linh hoạt, thích ứng với các tình huống xấu xảy ra trên diện rộng, bảo vệ toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chính sách xã hội đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết, tạo đồng thuận xã hội
Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định: đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, luôn được tỏa sáng, phát huy trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước rất vẻ vang của dân tộc Việt Nam ta. Đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được xác định là đường lối chiến lược của Đảng; là nguồn sức mạnh, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi thời kỳ.
Nhất quán về quan điểm và phương châm: nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và nhân dân, là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta; là sự đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau; giữa người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài; là đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới.
Trong thời kỳ phát triển mới, cần tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến,
Đội ngũ trí thức - thực sự là nguyên khí quốc gia
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà để tiếp tục bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.
Hội nghị Trung ương nhấn mạnh: xác định trí thức Việt Nam là nguồn lực lao động chất lượng cao, là lực lượng lao động sáng tạo, có vinh dự và bổn phận tiên phong, trực tiếp tham gia sự nghiệp đổi mới, cống hiến xây dựng, phát triển đất nước; nâng cao dân trí, nhân lực; bồi dưỡng, đào tạo nhân tài trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững; là lực lượng có vai trò quan trọng nâng cao chất lượng liên minh giữa giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Phương thức xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh, là sự tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo; trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành chính là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và động lực căn bản để xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức và phát huy vai trò, vị trí và sự cống hiến của trí thức, thực sự xứng tầm là nguyên khí quốc gia. Ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển đồng bộ, toàn diện khoa học - công nghệ, văn hóa, văn học, nghệ thuật gắn với phát huy vai trò của đội ngũ trí thức.
Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại
Trong tình hình thế giới và khu vực dự báo sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, hội nghị Trung ương nhất trí phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết mới về nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới, với phương châm: luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; dựa vào dân, lấy "dân làm gốc," khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa, yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng "thế trận lòng dân" lấy "yên dân" là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên quyết, kiên trì, chủ động tạo lập thời cơ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tăng cường đầu tư thích đáng cho việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; chủ động, tích cực hội nhập, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.