Với sân khấu và điện ảnh
Có lần, nữ nghệ sỹ Evghenia Glushenko sau khi được chọn vào vai trong bộ phim Yêu theo tiếng lòng mình đã thuyết phục đạo diễn Sergei Mikaelian: “Thôi đừng mất công tìm kiếm nữa, cứ mời Oleg Yankovsky, chỉ anh ấy mới vào được những vai lịch thiệp, bởi anh thuộc dòng dõi quý tộc chính cống”. Các đồng nghiệp cũng đều thừa nhận O. Yankovsky là người hầu như duy nhất ở nước Nga không cần phải dạy cách mặc smoking cũng như cách thức đi đứng…
NSND Oleg Yankovsky chào đời năm 1944 tại Djezkazgan, thuộc nước Cộng hòa Kazakhstan, trong một gia đình dòng dõi: cha là người gốc quý tộc Ba Lan, từng là sỹ quan Bộ Tổng Tham mưu, từ năm 1930 biệt phái đến Djezkazgan, nhìn thấy mặt con trai út được ít ngày thì bị bắt rồi chết. Người mẹ - xuất thân cũng từ một gia đình quý tộc Nga - ở vậy một mình nuôi dạy ba đứa con trai (Rostislava, Nikolai và Oleg) và buộc phải đốt hết giấy tờ liên quan đến dòng họ quý tộc Yankovsky. Đến khi gia đình chuyển về Saratov, người anh cả, Rostislav, đã trở thành diễn viên và chuyển về Minsk lập nghiệp từ năm 1957 (sau này được phong danh hiệu NSND Liên Xô). Điều đáng kể là người anh cả đã mang theo đứa em út Oleg khi đó mới 14 tuổi. Chính tại thủ đô của nước Bạch Nga này, O. Yankovsky đã bước lên sân khấu lần đầu tiên, để thay thế kịp thời một diễn viên bị ốm.
Nhưng niềm hứng thú tuổi trẻ của Yankovsky lại chưa hướng vào nghệ thuật, mà vào sân bóng đá. Chỉ đến khi tốt nghiệp phổ thông, trở về Saratov với mẹ, anh chàng cầu thủ đầy hứa hẹn này mới ghé thăm trường nghệ thuật sân khấu để thi. Báo chí đã dành không ít giấy mực cho sự lựa chọn vừa bất ngờ, vừa logic đó: ở trường nghệ thuật Saratov đã có người anh thứ hai, Nikolai, ứng thí rất xuất sắc rồi trở thành giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Saratov, cho nên chú em út được đặc cách nhận thẳng vào trường, nhận bằng tốt nghiệp vào năm 1965 và đầu quân vào Nhà hát Kịch địa phương.
O. Yankovsky xuất hiện trên màn bạc vào năm 1967 với vai tình báo viên Henrich Scharzkoph trong bộ phim truyện phản gián Thanh kiếm và lá chắn của đạo diễn Vladimir Vlasov, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vadim Kozhevnikov. Khi bắt tay vào làm bộ phim này, vị đạo diễn vẫn còn lúng túng chưa biết giao vai Scharzkoph cho ai thì bắt gặp trong tiệm ăn điểm tâm một chàng trai có gương mặt như một nhà vật lý hoặc học giả… Sự mở đầu tình cờ này đã kéo theo khoảng một trăm vai khác của Yankovsky trong Nghệ thuật Thứ Bảy.
Là con người lãng mạn, là triết gia và nhà thông thái, Yankovsky biết kén chọn nhân vật cho mình, dẫu đó là linh hồn của tác phẩm sân khấu hoặc điện ảnh, hay chỉ xuất hiện loáng thoáng. Không bao giờ lừa dối khán giả - đó là phương châm của nghệ sỹ. Sau Thanh kiếm và lá chắn là một loạt phim Hai đồng chí thực thi nghĩa vụ (1968), Tôi là Francisk Skorina, Tay đua… Có thể nói, vào khoảng giao thời giữa hai thập niên 1960-70, Yankovsky khá thường xuyên làm việc trên trường quay và được tiếp xúc với những nghệ sỹ kiệt xuất như Rolan Bykov, Alla Demidov, Vladimir Vysotsky, Stanislav Liubshin… Yankovsky được mời về Nhà hát Tuổi trẻ Lenkom từ năm 1975, sau khi rất thành công với vai nhà quý tộc Myshkin trong vở Thằng ngốc của nhà hát Saratov dựng theo tác phẩm văn học của F. Dostoievsky. Kết quả là Yankovsky đã trở thành một trong số ngôi sao sáng chói của nhà hát Lenkom với những vai diễn trong Tên anh không có trong danh sách (của Boris Vasiliev), Những con ngựa xanh trên thảm cỏ đỏ, Sự độc đoán của lương tâm (của Mikhail Shatrov), Bi kịch lạc quan (của Vsevolod Vishnevsky), Hải âu (của Anton Chekhov) và nhiều vở kịch kinh điển của thế giới… Đầu những năm 1990, nghệ sỹ được mời tham gia một đoàn kịch quốc tế, do đạo diễn Pháp Pière Regi chiêu mộ, thực hiện chuyến lưu diễn nhiều tháng ở Paris và rút ra một bài học sâu sắc: “Nghệ sỹ cần phải diễn bằng tiếng mẹ đẻ trên miền đất chôn nhau cắt rốn của mình”.

Người biểu đạt thế hệ mình
Điểm nổi bật trong sự nghiệp của diễn viên kiệt xuất này là hình tượng những nhà quý tộc Nga.
Trong phim Kẻ thích khách (1991, của đạo diễn Karen Shakhnazarov) O. Yankovsky sắm cả hai vai, bác sỹ tâm lý Smirnov và vai Nga hoàng cuối cùng Nikolai đệ Nhị...
Phim Anna Karenina được đạo diễn Sergei Soloviev ấp ủ trong ngót hai chục năm trời, vì thiếu kinh phí nên từ khi bấm máy đến giai đoạn cuối (2009), có diễn viên đã qua đời, còn lại ai cũng già đi trông thấy. Đối với Yankovsky thì đó là một thuận lợi, bởi vì nghệ sỹ thấy đến lúc này mới xuất hiện niềm hưng phấn cần có cho vai công tước Alexey Karenin. Và đạo diễn đã dành nhiều thời gian cho nhân vật Karenin với câu chuyện của một con người tha thiết yêu người đàn bà đã cùng chia sẻ số phận với mình.
Năm 1908, D. S. Merezhkovsky viết Pavel đệ Nhất, một kịch bản sau đó được dàn dựng liên tục ở hầu khắp các nhà hát Nga. Năm 2003, hướng tới lễ kỷ niệm 300 năm thành phố Saint Petersburg, đạo diễn Vitaly Melnikov dựa vào kịch bản đó xây dựng bộ phim Pavel khốn khổ. Khác với kịch bản sẵn có, bộ phim không chỉ tái hiện cuộc đời của Nga hoàng Pavel đệ Nhất mà còn đề cập vai trò của Palen trong âm mưu lật đổ nhà vua. Từ một công thần trở thành thích khách, Palen là một số phận bi kịch đã cưỡng lại ý chí của bản thân để tổ chức cuộc ám sát – ông không quan tâm đến lợi ích của cá nhân mình mà đặt lợi ích của nước Nga lên trên hết. Thể hiện một nhân vật giàu nội tâm như thế, Yankovsky tâm sự: “Bá tước Palen tổ chức lật đổ hoàng đế đâu có phải là tên thích khách đơn giản một chiều mà là một con người đầy bi kịch. Điều thôi thúc ông ta không phải là mối quan tâm về công danh, mà là lợi ích của nước Nga, nhưng sau đó ông ta rất ân hận về việc mình đã làm. Mà ông này làm tất cả những việc đó một cách kỳ cục, bản thân vụ ám sát là hết sức khủng khiếp nhưng kết quả nói chung cũng chỉ là con số không. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các sử gia kể rằng sau vụ đó ông ta đâm ra nghiện rượu. Trong câu chuyện đẫm máu này, chắc chắn có một câu hỏi muôn thuở về sự phản bội nhân danh một lý tưởng cao cả nào đó vốn được dấy lên từ những nghĩa quân Tháng Chạp. Thể hiện tâm trạng của một nhân vật trườn mình trên lưỡi dao sắc – đó là một công việc hết sức thú vị”.
Thời gian gần đây, Yankovsky lại tiếp tục xuất hiện trên màn ảnh nhỏ với một vai phản diện – Komarovsky, trong phim Bác sỹ Zhivago (2006), do đạo diễn Alexander Proshkin dựng theo cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Boris Pasternak. Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng từng được chọn làm lý do để trao giải Nobel cho một nhà thơ, viên luật sư được miêu tả bằng toàn một màu đen, nhưng Yankovsky không muốn thể hiện một cách hời hợt như nhiều vị “tiền nhiệm” đã làm trong những bản phim trước. Nghệ sỹ thuần Nga này đã lột tả một nhân vật có tính cách đặc sắc, phức tạp, luôn ở trung tâm của sự chú ý, trong bất cứ thời nào. Bộ phim gặp nhiều trắc trở, kênh truyền hình đình hoãn khá lâu, đến khi đĩa lậu phát hành tưng bừng rồi mới chịu đưa lên sóng, lại chen cài lượng quảng cáo quá tải, nên không được giới phê bình văn nghệ đánh giá cao. Bác sỹ Zhivago được coi là bộ phim truyền hình không thành công, mặc dầu vậy, diễn viên chính Yankovsky vẫn được vinh danh là diễn viên xuất sắc, được trao hai giải Chim Ưng Vàng” và TEFI của Viện Truyền hình Nga.
Đã đóng trong khoảng 100 bộ phim, Yankovsky còn cùng với nhà quay phim Mikhail Agranovich cho trình làng tác phẩm đầu tay Hãy đến mà xem tôi (2000).
Oleg Yankovsky là một trong những diễn viên Nga có nhiều tiềm ẩn nhất đi vào lịch sử điện ảnh như một người biểu đạt thế hệ mình, hình thành nên một hình tượng mang tính đối nghịch, vừa đĩnh đạc lại vừa giàu tình cảm, vừa trí thức lại vừa cao bồi. Sự tiềm ẩn của Yankovsky là khả năng tự vệ hiếm có trước những cám dỗ vô bổ, không buông thả vào những chuyện thoáng chốc, biết điều tiết hành vi của mình trong những hoàn cảnh dễ bị tác động, biết tạo ra những vùng im lặng. Ánh mắt như có nam châm, ngoại hình lý tưởng và tư chất lịch lãm, Yankovsky luôn giữ được sự cân bằng trong dòng chảy mải miết của thời gian. Những nhân vật ưa thích nhất của Yankovsky bao giờ cũng mang nỗi buồn muôn thuở, hoài niệm về những chuyến bay vượt khỏi giới hạn của hiện thực thông thường. Lần theo những bậc thang lên chốn cao xanh, vào một nhà thương điên bình thường hoặc dấn thân vào một cuộc đấu súng, lộ trình của những nhân vật đó gặp đầy rẫy những điểm nóng bỏng và những tình huống khôn lường. Tuy nhiên, không bao giờ họ chịu để tính mạng mình, số phận mình phải làm vật hiến sinh. Đó là những con người thông minh và chân thành sống theo khuôn khổ của chế độ (trong các phim Phần thưởng, Mối quan hệ có đi có lại), của những số phận bị gạt ra ngoài lề cuộc sống (Yêu theo tiếng lòng mình); của những ai xem thường tất cả những gì là gượng gạo (Bay trong cả mơ lẫn thực, 1982), nhưng vẫn không bao giờ chịu làm điều gì giả dối - tất cả đều góp phần làm nên bức chân dung tổng thể của những con người sống cùng thời với nghệ sỹ ở thập niên 1970-80. Những nhân vật đó chính là sự phản ánh tương đối trung thực chất người của Yankovsky: sống thực với chính mình, sống cho niềm đam mê nghiệp diễn, dám khước từ những mời mọc vào cương vị không hợp với tạng của mình. Trong phim Điều kỳ diệu thông thường (1977, của đạo diễn M. Zakharov) chẳng đã từng có đoạn tự sự: “Ai có thể lường trước được sẽ như thế nào khi con người có những tình cảm cao cả. Vì lòng yêu những người thân thích, những kẻ bần hàn không tấc sắt trong tay dám hất cẳng vua khỏi ngai vàng. Vì lòng yêu đất nước, những người lính đạp lên cái chết. Vì lòng yêu chân lý, các nhà thông thái cất mình lên trời cao rồi lại buông mình xuống địa ngục. Vì lòng yêu một người con gái, bạn sẽ làm gì?” Chính đó là lý do khiến Yankovsky đã không nhận lời vào ghế bộ trưởng Bộ Văn hóa Nga, để trọn vẹn dành cho sân khấu và màn ảnh, với tư cách một ngôi sao không tỏa ra ánh sáng lạnh mà sưởi ấm lòng người hâm mộ cho đến phút cuối cùng. Tại Liên hoan Phim Quốc tế Cannes 2009, sau khi xem bộ phim Sa hoàng của đạo diễn Pavel Lunghin, mọi người nhất loạt suy tôn Yankovsky (trong vai Giáo chủ Filipp) là diễn viên tầm cỡ quốc tế, còn nhà thơ kiêm đạo diễn điện ảnh Italy Tonino Guerra thì trầm trồ về Yankovsky: một con người sâu sắc và lịch duyệt. Ba ngày sau khi bộ phim này được công chiếu tại Cannes, ngày 20.5.2009, nghệ sĩ tài danh đã qua đời sau một thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư dạ dày.
Danh tiếng của Yankovsky quả là lừng lẫy, các bà các cô hâm mộ nghệ sỹ đến mức nhấc bổng cả chiếc xe hơi đang chở thần tượng của mình, cô nào em nào cũng phát ghen lên với những nữ diễn viên có may mắn đóng cặp với Yankovsky. Mặc dầu vậy, ở ngoài đời, nghệ sỹ thực sự không dám đùa cợt với số phận và chỉ tôn thờ trọn đời một nàng thơ - nữ diễn viên Liudmila Zorina và kết quả là sinh hạ được Filipp - một nhà hoạt động điện ảnh đầy triển vọng. Ông nói: “Số phận sẽ nhanh chóng ngoảnh mặt đi nếu như đã trao cho anh một cơ hội mà anh lại đối xử một cách nhẹ dạ với nó. Sự trừng phạt là nhỡn tiền. Vì thế cho nên ngay khi thức giấc hoặc trước khi nằm ngủ cũng phải thường trực một ý nghĩ: cảm ơn số phận”.
Kể từ cuối những năm 1960, Yankovsky xuất hiện trên màn ảnh lớn và màn ảnh nhỏ với hàng loạt vai diễn: Alexei - Linh vật ơi, hãy phù hộ tôi (1986), Vasili Pozdnyshev - Bản sonat quân cảng (1987), Sergey Kamyshev - Con thú hoang trìu mến của tôi (1978), Munchhausen - Đích thị Munchhausen (1979), Swift - Ngôi nhà do Swift dựng nên (1983), Rồng - Giết rồng (1988), Jack Stapleton - Cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes với bác sỹ Watson Baskerville (1981), Igor Blaghin - Yêu theo tiếng lòng mình (1982), Dmitri Charyshev - Người tình (2002), ông bố Fred - Những kẻ đua đòi (2008)… Đạo diễn kiệt xuất Andrei Tarkovsky - người đi sâu vào tâm lý con người trong những bước ngoặt cuộc đời - đã mời Yankovsky tham gia hai bộ phim quan trọng của ông: Người cha Alexander trong Chiếc gương (1974) và nhà văn Nga Andrei Gorchakov - Hoài niệm (1982). Hình ảnh con người có lòng sùng đạo, không chịu khoan nhượng nhưng đã bị phôi pha niềm tin và già đi trước tuổi với những đoạn độc thoại cháy bỏng, thông qua diễn xuất của Yankovsky – đã làm sống lại trên màn ảnh Nga sức mạnh của niềm đam mê và sự khôn lường của bi kịch. Và điểm nổi bật nữa trong sự nghiệp của diễn viên kiệt xuất này là hình tượng những nhà quý tộc Nga. |